Hội thảo đối thoại chính sách trong sửa đổi Luật BHXH khu vực phía Bắc

06/08/2014 07:26 AM


Ngày 01/8/2014, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo đối thoại chính sách trong sửa đổi Luật BHXH khu vực phía Bắc. Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì hội thảo.


Ban chủ trì điều khiển Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Nguyễn Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI); đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng các đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành hữu quan; đại diện cấp uỷ, chính quyền, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và BHXH một số tỉnh, thành phố phía Bắc.

Phát biểu đề dẫn và khai mạc Hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định, sau 07 năm thực hiện Luật BHXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đến cuối năm 2013, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đạt khoảng 10,8 triệu người, tương đương khoảng 78% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc; khoảng 173 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,5% tổng số lao động thuộc diện tham gia. Luật BHXH đã đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Tuy nhiên, cho đến nay, Luật Bảo hiểm xã hội đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những thay đổi của nền kinh tế, nhu cầu an sinh xã hội của người dân và yêu cầu hội nhập quốc tế. Tại kỳ họp thứ 07 Quốc hội khoá XIII, Quốc hội đã xem xét Dự thảo Luật BHXH Sửa đổi, bổ sung với 167 lượt ý kiến của các đại biểu tại các phiên thảo luận Tổ và thảo luận trên nghị trường. Trên cơ sở đó, Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức lấy ý kiến cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời tổ chức lấy ý kiến, đối thoại, tham vấn người lao động, người sử dụng lao động, người nghỉ hưu… nhằm thu thập thêm thông tin để có cơ sở sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật.

Thông tin thêm về Dự thảo Luật và những vấn đề cần tham vấn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có 10 chương, 122 điều, ít hơn một chương, 19 điều so với Luật BHXH hiện hành, bỏ chương về bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định trong Luật Việc làm. Đáng chú ý, Dự thảo đưa thêm sáu quy định nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH; điều chỉnh công thức tính lương hưu nhằm bảo đảm công bằng giữa đóng - hưởng và cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; một số thay đổi về các chê độ BHXH ngắn hạn; bổ sung thẩm quyền của tổ chức BHXH, Hội đồng quản lý BHXH và quy định về chi phí quản lý BHXH; bảo đảm lồng ghép bình đẳng giới trong dự thảo Luật…

Đồng chí Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận xét: “Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện còn thấp, mới chiếm khoảng 20% tổng lực lượng lao động. Điều này có nghĩa là trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu, gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước, đó là phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người để hỗ trợ cho cuộc sống của họ khi về già”.

Nhằm mở rộng đối tượng được bảo đảm an sinh xã hội qua chính sách BHXH, vấn đề mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước được nhiều người quan tâm, đặc biệt là với cách tính hết sức cụ thể về tỷ lệ hỗ trợ và lộ trình hỗ trợ của TS.Phạm Đỗ Nhật Tân, Nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTB&XH, được nhiều đại biểu quan tâm và bày tỏ đồng tình.

Về đề xuất bổ sung quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới ba tháng được giao kết bằng văn bản tham gia BHXH bắt buộc, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc cho rằng: “Điều này là hợp lý, thể hiện sự công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng lao động khi tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, nhận thức của người lao động còn hạn chế, có thể dẫn tới việc thỏa hiệp với người sử dụng lao động để không phải tham gia BHXH”.

Ủng hộ quy định trên, đồng chí Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: “Còn khoảng hơn 05 triệu người chưa tham gia BHXH, tương ứng với số thu BHXH, BHYT khoảng 56.000 tỷ đồng/năm. Đây là thất thoát lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động. Việc mở rộng đối tượng dưới ba tháng sẽ góp phần khắc phục tình trạng bất cập này. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, cũng cần phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh. Nếu không, người sử dụng lao động có thể sẽ lại ký HĐLĐ dưới 1 tháng để né tránh việc tham gia BHXH, khi đó quy định này không đạt được mục tiêu đề ra.”

Trước thực trạng nợ đọng, trốn đóng, cũng như những hành vi vi phạm pháp luật BHXH ngày càng phổ biến, và tinh vi hơn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, cần tăng cường chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về BHXH, và tán thành việc bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH và tội chiếm dụng tiền đóng BHXH của người sử dụng lao động.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tham dự Hội thảo quan tâm là công thức tính lương hưu. Lý giải tại sao phải điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu tại Điều 55 dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng: “Tỷ suất tích lũy và tỷ lệ hưởng lương hưu của Việt Nam được đánh giá là cao so với thế giới và cao so với tỷ lệ đóng góp. Điều này không bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng và là một trong các nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến khả năng cân đối của quỹ hưu trí và tử tuất”.

Nghiên cứu của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, chênh lệch đóng - hưởng BHXH đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới mất cân đối Quỹ BHXH ở Việt Nam. Nghiên cứu của tổ chức này cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ tích lũy ở Việt Nam quá cao – cao nhất trên thế giới; người lao động Việt Nam về hưu khi còn rất trẻ so với thế giới, kể cả so với các nước đang phát triển. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu trung bình ở Việt Nam là 51 (nữ) và 55 (nam), trong khi hầu hết các nước Đông Âu, Mỹ Latin tuổi nghỉ hưu là 65 và các nước Đông Á là 60... Vì vậy, một trong các khuyến nghị của WB là Dự thảo Luật vẫn cần xem xét đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai khẳng định, với mục tiêu sửa đổi Luật BHXH nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu về An sinh xã hội cả các tầng lớp nhân dân, người lao động, công đoàn, người sử dụng lao động, đồng thời phải thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm An sinh xã hội cho mọi người dân theo quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, đây là bài toán không dễ dàng đối với các quốc gia đang phát triển với nguồn lực đầu tư cho An sinh xã hội còn hạn hẹp. Do vậy, việc chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới cũng như tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chính sách BHXH ở Việt Nam thời gian qua sẽ là thông tin hữu ích để các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn, quyết định các chính sách trong Dự thảo Luật./.

Nguồn TC BHXH