Đề xuất hỗ trợ cho lao động tham gia BHTN học nghề

25/07/2014 08:13 AM


Theo Dự thảo Quyết định về mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN đang được Bộ LĐ-TB&XH, mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia BHTN tối đa 01 triệu đồng/người/tháng.


Mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia BHTN tối đa 01 triệu đồng/người/tháng; mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Đối với người lao động tham gia BHTN tham gia học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả. Việc quy định mức hỗ trợ học nghề như trên vì mục tiêu của mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang đóng BHTN là nhằm hỗ trợ người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống. Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH tại các địa phương, đa số những người hưởng trợ cấp thất nghiệp đều là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề và có thu nhập thấp, không có dự trữ để đảm bảo cuộc sống trong thời gian học nghề, người lao động nghỉ việc thường có mong muốn tìm kiếm việc làm ngay hoặc có nhu cầu học một nghề với thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 của Luật Việc làm thì thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 6 tháng. Mức hỗ trợ học nghề được xây dựng dựa trên cơ sở thực tế hiện đang áp dụng tại các cơ sở dạy nghề nhằm hỗ trợ người thất nghiệp tham gia học nghề ngắn hạn để nhanh chóng tìm được việc làm và ổn định cuộc sống. Mặt khác, theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, mức học nghề ngắn hạn (3-6 tháng) tại một số địa phương như sau: Sửa chữa điện tử, điện lạnh, sửa chữa ô tô, xe máy: 1.000.000 – 1.500.000 đồng/người/tháng; kỹ thuật nấu ăn, pha chế đồ uống, cắt may thời trang, kỹ thuật trang điểm: 500.000 – 950.000 đồng/người/tháng; Kỹ thuật trồng cây (bonsai, ca cao, nấm…); kỹ thuật nuôi trồng và chế biến thủy hải sản: 450.000 – 1.200.000 đồng/người/tháng; kế toán tổng hợp, kế toán doanh nghiệp, quản trị mạng: 450.000 – 850.000 đồng/người/tháng; nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ nhà hàng: 600.000- 750.000 đồng/người/tháng... Do đó, đối với các khóa học nghề ngắn hạn thì mức hỗ trợ trong dự thảo là phù hợp và có khả năng đáp ứng đủ chi phí của cả khóa học, giúp người lao động có thể nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động. Mặt khác, việc hỗ trợ học nghề nhằm bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động hoặc tạo điều kiện cho người lao động chuyển đổi nghề do đó, ở các trình độ thấp sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí khóa học nghề, đối với các trình độ cao hơn thì chỉ hỗ trợ một phần. Vì vậy, đối với các khóa học nghề dài hạn hoặc với trình độ cao thì người lao động vẫn phải chịu một phần chi phí khi tham gia khóa học. Việc giới hạn mức hỗ trợ còn góp phần đảm bảo an toàn cho Quỹ BHTN.

Theo báo cáo của các địa phương thì tất cả những người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được cơ quan lao động tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật; số lượng người được hỗ trợ học nghề tăng qua từng năm, cụ thể như sau: năm 2010 là 270 người; năm 2011 là 1.037 người; năm 2012 là 4.776 người; năm 2013 là 10.610 người; 5 tháng đầu năm 2014 là 5.032 người. Tuy nhiên, số người được hỗ trợ học nghề còn thấp so với số người hưởng trợ cấp thất nghiệp, nguyên nhân là do chính sách hỗ trợ học nghề, cụ thể là nhu cầu của các doanh nghiệp đang cần tuyển lao động phổ thông (không cần đào tạo) là rất lớn, nên người lao động dễ tìm kiếm việc làm mới sau khi thất nghiệp; dù người lao động đã qua đào tạo thì doanh nghiệp tuyển lao động vào làm việc chỉ trả lương theo vị trí công việc cũng giống như lao động phổ thông; người lao động chưa nhận thức đầy đủ về việc học nghề để nâng cao trình độ nhằm đáp ứng những vị trí, công việc tốt hơn.

Theo ĐCSVN