Hội thảo tham vấn về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật BHXH (sửa đổi)

25/07/2014 08:02 AM


Ngày 22/07/2014, tại Thanh Hóa, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo tham vấn về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh; Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Nam và đại diện Văn phòng Chính phủ, Vụ BHXH, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)tại Việt Nam, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA); đại diện một số sở, ngành các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Nguyên, Ninh Bình, Thanh Hóa…


Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về nguyên tắc, mục tiêu Dự án Luật BHXH (sửa đổi); tác động của việc thay đổi công thức tính lương hưu hàng tháng và cân đối Quỹ BHXH; chính sách BHXH tự nguyện; các chế độ BHXH ngắn hạn; thẩm quyền của tổ chức BHXH, chi phí quản lý BHXH...

Theo báo cáo BHXH Việt Nam: hiện nay tỷ lệ bình quân tuổi nghỉ hưu thấp so với quy định hiện hành, trong đó nam 55,32 tuổi (thấp hơn 05 tuổi so với quy định là 60), nữ 52,64 tuổi (thấp hơn 2,4 tuổi so với quy định là 55); tỷ lệ hưởng lương hưu đúng 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ chỉ chiếm 40,5%. Trong khi đó, tình trạng người nghỉ việc hưởng BHXH một lần khá phổ biến, bình quân 450.000 người/năm. Năm 2013 có 635.000 người nghỉ hưởng BHXH một lần, tăng 4,8 lần so với năm 2007. Nguyên nhân chính do quy định nghỉ trước tuổi quá rộng, nên số người nghỉ hưu sớm chiếm nhiều, thời gian trả lương cho đối tượng này dài, nhưng thời gian đóng Quỹ BHXH ít. Bên cạnh đó, cách tính lương hưu giữa nam và nữ có sự chênh lệch, khi nữ đóng BHXH ít hơn (từ năm 16 đóng BHXH trở đi mỗi năm tính thêm 03% đối với nữ, nên chỉ đóng 25 năm đã đủ 75% lương hưu); mức đóng BHXH chưa phù hợp so với mức hưởng lương hưu… từ thực trạng đó, BHXH Việt Nam dự báo đến năm 2037, quỹ hưu trí sẽ mất cân đối. Để giải quyết vấn đề này, Dự án Luật BHXH (sửa đổi) lần này điều chỉnh tính lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH từ 15 năm như hiện hành lên thành 16 năm từ năm 2016, 17 năm từ năm 2017, 18 năm từ năm 2018, 19 năm từ năm 2019 và từ năm 2020 trở đi thì sẽ là 20 năm. Việc quy định 20 năm đóng BHXH tính bằng 45%, sau đó tính thêm 02% đối với nam và 03% đối với nữ; mức tối đa là 75% (nam phải đóng 35 năm, nữ phải đóng 30 năm) là hợp lý, phù hợp nguyên tắc đóng, hưởng; hạn chế được nghỉ hưu trước tuổi, thời gian đóng BHXH sẽ tăng, thời gian hưởng lương hưu giảm, hạn chế được chi BHXH một lần, góp phần bảo đảm cấn đối Quỹ BHXH.

Các đại biểu nhất trí cho rằng, việc hoàn thiện pháp luật BHXH phải tuân thủ quan điểm nhất quán theo định hướng Đảng; cần có bước đi, lộ trình phù hợp với sự phát triển xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH. Ngoài ra, BHXH là một quỹ tài chính nên cần tuân theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, bảo đảm công bằng và bền vững của hệ thống BHXH. Về thay đổi công thức tính lương hưu, các đại biểu cho rằng, việc tính đúng, tính đủ tiền lương tháng đóng BHXH góp phần tăng nguồn thu cho Quỹ BHXH, tạo cơ sở nâng mức hưởng lương hưu của người lao động. Tuy nhiên, nếu áp dụng ngay cách tính này trong điều kiện hiện nay thì doanh nghiệp, người lao động sẽ gặp khó khăn, nên cần thực hiện theo lộ trình phù hợp.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu tham gia góp ý chỉnh lý Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Đồng thời khẳng định: BHXH là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống An sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Việc sửa đổi Luật BHXH lần này cần quan tâm đến mục tiêu bảo đảm An sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng đối tượng tham gia, đặc biệt nhóm BHXH tự nguyện thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước; thu hẹp việc giải quyết chế độ BHXH một lần cho một số nhóm lao động... Bên cạnh đó, cần bảo đảm an toàn, cân đối Quỹ BHXH thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu phù hợp dựa trên cơ sở mức đóng, hưởng, góp phần bảo đảm An sinh xã hội bền vững. Đề cập thẩm quyền của tổ chức BHXH và chi phí quán lý BHXH, đồng chí Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: nên tăng thẩm quyền cho cơ quan BHXH Việt Nam trong việc thanh tra thực hiện pháp luật BHXH chức năng thu; để giải quyết tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, đảm bảo công tác thanh tra, xử phạt vi phạm pháp luật về BHXH. Đối với chi phí quản lý BHXH nên giao cho Chính phủ định kỳ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định phù hợp với nhiệm vụ BHXH trong từng giai đoạn./.

Nguồn TC BHXH