Mô hình vừa học vừa làm, cam kết lương đầu ra thu hút lao động trẻ

25/07/2014 07:21 AM


Giữa tình cảnh “thừa thầy, thiếu thợ”, cử nhân ra trường thất nghiệp hàng loạt, mô hình vừa học vừa làm, đồng thời cam kết lương đầu ra có ưu thế lớn.


Hiện có tới hơn 162.000 cử nhân ra trường bị thất nghiệp

Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có tới hơn 162.000 người có trình độ cử nhân trở lên rơi vào cảnh thất nghiệp sau khi ra trường. Việc tốt nghiệp rồi làm trái ngành cũng không còn là chuyện hiếm. Thậm chí, nhiều người còn chấp nhận đi làm công nhân trong các nhà máy với công việc vất vả trong khi đồng lương quá eo hẹp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế trên, trong đó chủ yếu là do lượng kiến thức trên giảng đường đại học tại Việt Nam mang tính lý thuyết, hàn lâm, chưa có nhiều tính thực tiễn. Bởi vậy, người học ít có cơ hội thực hành, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp của mình. Nguyễn Thành Trung (Cử nhân ngành Việt Nam học, Đại học An Giang) sau 3 tháng ra trường đã rải hơn 10 bộ hồ sơ khắp nơi nhưng vẫn thất nghiệp: "Bất lực, mình nộp hồ sơ xin làm phục vụ ở một khách sạn bình thường nhưng phỏng vấn xong người ta lại lắc đầu. Họ nói thẳng ở đây không cần cử nhân, chỉ cần những người thạo nghề. Họ cũng nói muốn tìm người làm việc lâu dài, những người tốt nghiệp đại học làm được ít hôm, thấy chỗ tốt hơn là "bay mất" nên mất công tuyển lại".

Ông Cấn Văn Lực, Phó Tổng Giám đốc BIDV đưa ra một con số có thể khiến những cử nhân tương lai ngành tài chính - ngân hàng giật mình: "Mỗi năm có khoảng 29.000 tân cử nhân của ngành học này ra trường, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 17.000 người. Vì vậy, sẽ có khoảng 12.000 sinh viên mới ra trường gặp khó khăn khi tìm việc. Chất lượng cử nhân cũng là vấn đề rất đáng nói. Ví dụ, trung bình trong một cuộc tuyển chọn, từ 7.000 hồ sơ nộp vào chỉ lấy được 200 cán bộ. Điểm yếu của sinh viên là thiếu kỹ năng mềm, từ kỹ năng trả lời phỏng vấn, đến phỏng vấn muộn giờ, thậm chí không nhớ cả số báo danh... Mức độ chênh của các doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia là không lớn. Vì vậy cần chú ý đến cả tính chuyên nghiệp từ tác phong, ăn mặc. Thêm vào đó, trình độ ngoại ngữ là và sự hiểu biết xã hội của ứng viên cũng là điểm đáng lưu ý, bởi bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng muốn người mới vào làm có thể dễ dàng kết nối được với đồng nghiệp, công việc”.

Hơn một lần, các chuyên gia nhắc tới sự xa rời giữa công tác đào tạo trong nhà trường với thực tế công việc. Trường Việt Nam thiếu thực hành, lý thuyết nhiều. Các trường ĐH cung cấp nhân lực chất lượng cao hơn, không chỉ về trình độ chuyên môn mà cả về kỹ năng mềm, cần luôn cập nhật kiến thức vì xã hội thay đổi rất nhanh. Doanh nghiệp thay đổi, đào tạo cũng phải thay đổi. Gần đây, sự ra đời của chương trình phối hợp đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp đã phần nào khắc phục tình trạng trên. Theo đó, bên cạnh đảm bảo các học kỳ đào tạo cơ bản, sinh viên được thực tập và làm việc theo kế hoạch phối hợp của hai phía. Họ cũng sẽ được doanh nghiệp cam kết đầu ra với một mức lương cụ thể. Với chương trình này, doanh nghiệp được lợi là có điều kiện theo dõi và phát hiện sớm năng lực của sinh viên để có quyết định sử dụng sau này; thừa hưởng được những kiến thức mới nhất từ chương trình nghiên cứu của trường đại học; nhận được sự ưu ái của xã hội vì đã tham gia vào công tác đào tạo con người. Trong khi đó, sinh viên vừa có cơ hội thực hành, vừa bớt đi gánh nặng đầu ra vốn rất nan giải. Một ví dụ cụ thể cho mô hình trên là trường đào tạo CNTT Aprotrain Aptech. Trường này cam kết tạo việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp với thu nhập khởi điểm 60 triệu/năm.

Theo VNN, NLĐO