Thị trường lao động: Thừa thầy, thiếu thợ, "chất" không cao

25/07/2014 03:33 AM


Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) chính thức hình thành vào tháng 12/2015 sẽ tạo điều kiện cho người lao động trong khối có cơ hội tìm kiếm việc làm dễ hơn. Tuy nhiên, với Việt Nam đây sẽ là thách thức không nhỏ, bởi chất lượng lao động còn nhiều hạn chế.


Đánh giá về thị trường lao động, TS. Đỗ Xuân Trường nhận định, thị trường lao động (LĐ) ở Việt Nam có quá nhiều yếu điểm như trình độ LĐ còn thấp, cơ cấu LĐ thay đổi chậm, tình trạng thiếu việc làm, mất cân đối cung cầu LĐ khá lớn. Đáng chú ý thị trường LĐ đang có mâu thuẫn lớn về số lượng và chất lượng việc làm, mâu thuẫn giữa tăng lương tối thiểu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Thực tế số liệu thống kê của Bộ LĐTB&XH cũng cho thấy, trong 53 triệu người trong độ tuổi LĐ, chỉ có 25,4% triệu người có chuyên môn kỹ thuật (chiếm 47%). Trong 25,4 triệu người này, có tới 15,6% triệu người là công nhân, nhưng không có chứng chỉ hoặc bằng cấp. Số công nhân có chứng chỉ và bằng cấp chỉ chiếm 18,4%.

Đáng chú ý, cơ cấu đào tạo không hợp lý với sự phát triển thị trường. Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” ngày càng lớn, điều này không chỉ khiến mất cân bằng về cơ cấu mà dẫn tới tỉ lệ thất nghiệp nhóm này gia tăng. Điển hình như tính đến hết quý I/2014  cả nước có 162,4 nghìn người có trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp, ngoài ra cũng đã có 79,1 ngàn lao động có trình độ cao đẳng và 174 ngàn lao động có trình độ cao đẳng nghề, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề, sơ cấp nghề thất nghiệp. “Thị trường LĐ Việt Nam hiện đang tồn tại “hạn chế kép” khi luôn ở thế thụ động và  phát triển một trạng thái rất lạc hậu - TS. Lê Thị Hồng Điệp, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế đưa ra cảnh báo - "Mặc dù cung LĐ tăng nhanh trong điều kiện “dân số vàng” nhưng chất lượng lại quá thấp nên ngay cả khi cầu LĐ có chất lượng thấp nhưng vẫn không đáp ứng được. Ngay khi AEC hình thành LĐ Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh ở phân đoạn thị trường việc làm bậc trung chứ chưa nói tới việc làm cao cấp ngay tại sân nhà".

Trong những năm qua công tác nâng cao chất lượng nguồn LĐ luôn được Nhà nước chú trọng. Tuy nhiên do phát triển không đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều bất cập nên chất lượng LĐ vẫn là vấn đề đáng quan tâm. “Khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP)  hay khi AEC chính thức được hình thành chắc chắn sẽ có một dòng chảy lao động nước ngoài vào thị trường trong nước từ các gói dịch vụ do nước ngoài cung cấp. Để không bị thua ngay trên “ sân nhà” giải pháp tốt nhất là nâng cao chất lượng LĐ tại chỗ để có thể đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Bên cạnh đó phải rút ngắn khoảng cách cung – cầu về LĐ” – TS. Nguyễn Thị Thu Hoài, Trường Đại học Kinh tế đề xuất. Ở góc độ khác ThS. Phạm Thị Lý - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực vươn lên trở thành một nền kinh tế phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng  thì phát triển thị trường LĐ được coi là một yêu cầu bức thiết. Bằng chứng rõ nét nhất là  dù Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong những năm qua những năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện.

Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng là do chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay còn thấp, các chỉ số liên quan tới chất lượng nhân lực như giáo dục, sức khỏe đều thấp. Hiện nay một trong thế mạnh của Việt Nam trong phân công LĐ quốc tế là giá nhân công rẻ. Song nếu chỉ sẽ không thế biến thế mạnh đó thành cơ hội vì nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Philippines, Indonesia…cũng đang cạnh tranh bằng yếu tố này. Vì vậy, vấn đề đặt ra lúc này là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó nâng cao chất lượng giáo dục là giải pháp then chốt trong bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. “Chất lượng giáo dục và đào tạo được coi là chìa khóa để phát triển nguồn nhân lực. Thế nhưng đến nay hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam còn quá nhiều hạn chế. Yêu cầu bức bách của Việt Nam hiện nay là cải cách, tăng đầu tư phát triển giáo dục đại học và đào tạo nghề, đồng thời gắn kết giữa đào tạo của nhà trường với nhu cầu của thị trường…” –Ths. Phạm Thị Lý đề xuất.

Tận dụng dân số vàng để “vượt bẫy"

Việt Nam đã rơi vào mức thu nhập trung bình hay chưa là vấn đề có nhiều tranh luận trái chiều. Nhưng vấn đề làm thế nào để Việt Nam nhanh chóng đạt mức thu nhập cao hơn là điều được nhiều chuyên gia "hiến kế". Theo cách xếp loại của Ngân hàng thế giới, một nước được coi là thu nhập thấp nếu thu nhập bình quân đầu người (GNI) đạt 1.005 USD/năm hoặc thấp hơn, nước có thu nhập trung bình thấp nếu GNI bình quân dao động từ 1.006-3.975 USD, thu nhập trung bình cao nếu GNI bình quân rơi vào khoảng 3.976-12.275 USD và thu nhập cao nếu GNI bình quân ở mức trên 12.276 USD. Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: "Trạng thái "bẫy thu nhập trung bình" là một tình huống "tiến thoái lưỡng nan" trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, có khả năng làm giảm hiệu quả của các nỗ lực nhằm phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có không ít quốc gia gặp phải tình trạng này và trở thành những tình huống cảnh báo đối với các quốc gia khác trong điều hành kinh tế. Từ năm 1950 đến 2010, trong số 124 nền kinh tế trên thế giới được Ngân hàng Thế giới đánh giá có 52 nền kinh tế ở mức thu nhập trung bình thì đã có 35 nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình, trong đó có 30 nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Chỉ có 13 trong số 52 nền kinh tế vượt qua được bẫy thu nhập trung bình trở thành nước có thu nhập cao, trong đó có 5 nền kinh tế ở Đông Á và Đông Nam Á là Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Singapore".

Kinh tế Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp từ năm 2010 với mức thu nhập trung bình đầu người là 1.068 USD/năm, năm 2013 là 1.960 USD/năm. Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp cách đây gần một thập kỉ. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới và của Viện Levy Economics Institue, Việt Nam nằm trong số 8 nước thu nhập trung bình thấp và hiện tại không nằm trong bẫy thu nhập trung bình tính vào thời điểm năm 2010. Do Việt Nam cũng như các nước khác như Campuchia, Ấn Độ, Myanmar và Mozambich trở thành nước thu nhập trung bình thấp cách đây gần 1 thập kỉ, nên có thể tránh bẫy thu nhập trung bình thấp nếu thu nhập bình quân đầu người tăng với tỉ lệ tương đương tốc độ đạt được trong giai đoạn 2000-2010 (6,1%/năm). Nếu làm được điều này, Việt Nam có thể trở thành nước thu nhập trung bình cao trong gần 2 thập kỉ, cụ thể đối với Việt Nam là vào năm 2024.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định: "Mức thu nhập trung bình đạt được còn ở mức thấp nghĩa là Việt Nam mới trở thành nước có mức thu nhập trung bình thấp cho nên khả năng để tiếp cận ngưỡng cao nhất của mức thu nhập trung bình hay ngưỡng thu nhập trung bình cao còn khá dài. Khoảng thời gian này có thể kéo dài không dưới 10 năm với kịch bản lạc quan là tốc độ tăng trưởng khá cao liên tục khoảng 6-7%/năm cũng như không có các cuộc khủng hoảng hay suy thoái đe dọa làm suy giảm hoặc làm gián đoạn tốc độ tăng trưởng khá cao này. Cần khai thác các thế mạnh hiện có của nền kinh tế Việt Nam trong đó có lợi thế về cơ cấu dân số vàng với khoảng 70% dân số ở độ tuổi lao động trẻ nhằm tăng tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức 9-10% liên tục trong vòng 10-15 năm tới. Điều này đòi hỏi phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng sáng tạo lớn và đổi mới căn bản giáo dục-đào tạo nhằm tạo nền tảng về nguồn nhân lực dài hạn vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Theo dự báo của Ban Dân số thuộc LHQ, Việt Nam vẫn được hưởng thời kì "dân số vàng" trong khoảng hơn một thập kỉ nữa. Tuy nhiên lợi thế tích cực này đang trên đà giảm sút, và trong tương lai gần sự thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số, tức già hóa dân số sẽ có tác động âm tới tăng trưởng kinh tế. GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng: Dân số già là một nguyên nhân quan trọng gây ra suy giảm tăng trưởng kinh tế. Kinh nghiệm Nhật Bản là một hồi chuông cảnh báo đối với Việt Nam trong vấn đề này. Cơ cấu dân số của Việt Nam được dự báo sẽ chuyển sang thời kì dân số già vào khoảng sau năm 2040. Như vậy trước giai đoạn đó tỉ lệ phụ thuộc của Việt Nam sẽ dừng giảm rồi tăng dần. Điều đó có nghĩa Việt Nam sẽ không còn có tỉ lệ tiết kiệm và nguồn cung lao động ở mức cao nữa để thúc đẩy sự phát triển kinh tế: "Cần lưu ý là từ nay đến năm 2040, tuy tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động ở nước ta giảm dần nhưng số lượng vẫn lớn, chiếm tỉ lệ cao trong tổng dân số, tỉ số phụ thuộc thấp nên tiềm năng để nâng cao tiết kiệm, thúc đẩy đầu tư tăng trưởng kinh tế còn lớn. Do đó, cần có chiến lược chủ động và triệt để tận dụng cơ hội và lợi thế do cơ cấu vàng mang lại thông qua các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tạo việc làm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lao động".

PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh: "Thời kì 2011-2020 cần đổi mới căn bản công tác đào tạo nhân lực và chính sách dùng người. Đây là việc người Việt Nam nhất thiết phải tự làm và phải làm bằng được. Mọi thứ nguồn lực như vốn, tài nguyên, các thành tựu khoa học... đều có thể mua được, vay mượn được. Duy có con người, nếu xuất hiện với tư cách hàng hóa sức lao động thì cũng có thể mua bán được, nhưng nếu xuất hiện với tư cách công dân của một nước, là chủ nhân đất nước, là chủ thể của sự phát triển và đồng thời cũng là người sẻ chia, hưởng thụ thành quả phát triển, thì quyết không thể nào bán mua hay thay thế lẫn nhau được".

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam