1001 chiêu chèn ép, vắt kiệt sức công nhân

25/07/2014 12:30 AM


Nhiều chủ doanh nghiệp (DN) hành xử tùy tiện, bất chấp pháp luật, tự đặt ra những nội quy, quy định trái pháp luật để chèn ép công nhân (CN). Những việc làm này không những là nguy cơ tiềm ẩn gây tranh chấp lao động mà còn khiến NLĐ mất niềm tin ở DN. “Nghỉ 3 ngày mà không được giám đốc cho phép thì sẽ bị giám đốc sa thải, CN vi phạm nội quy thì phạt tiền “tươi”, làm việc cả năm trời nhưng không được ký HĐLĐ, không đóng BHYT, BHXH, BHTN cho NLĐ, khi đụng chuyện thì lại đổ hết cho CN… Ông chủ chứ đâu phải ông trời” - chị Nga, công nhân Công ty May Ngọc Minh Tâm (Huyện Hóc Môn, TP.HCM) bức xúc.


Bị giám đốc "cấm cửa", giam lương, các CN Cty Ngọc Minh Tâm vô cùng khốn khổ

Đầu tháng 5/2014, Giám đốc Công ty May Ngọc Minh Tâm yêu cầu CN phải tăng năng suất để kịp xuất hàng. Vì hưởng lương theo sản phẩm nên khi tăng năng suất, CN cũng tăng thu nhập, nên dù vất vả nhưng CN rất tích cực làm việc, có người phải mang áo quần vào xưởng ở lại, làm việc gần như thâu đêm để kịp hàng. Thế nhưng khi chuyền 1, 2 may được 48.000 sản phẩm, đạt yêu cầu thì khi chốt số lượng để tính lương, Công ty thông báo chỉ chốt 23.719 sản phẩm, mỗi CN chỉ nhận được khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng. Bức xúc vì làm việc cật lực nhưng nhận được đồng lương chết đói, CN đã ngừng việc phản ứng. Đáng nói, thay vì thỏa thuận với CN, Ban Giám đốc Cty lại “cấm cửa” tất cả CN, ai muốn trở lại làm việc thì phải được giám đốc đồng ý, nghỉ quá 3 ngày thì bị đuổi việc. “Chúng tôi là lứa CN “thứ n” bị giám đốc “siết” lương kiểu này rồi. Lần trước cũng có nhiều CN bị Giám đốc bắt làm tăng ca, tăng định mức nhưng rồi cuối tháng lại không chịu trả lương đúng như công sức CN bỏ ra. Đòi mãi không được đành bỏ” - anh Tuấn, CN Công ty May Ngọc Minh Tâm, trình bày.

Tương tự, hơn 300 CN Công ty TNHH TYSS VINA (TP.HCM) đã ngừng việc phản đối Công ty liên tục tăng định mức sản phẩm và ép tăng ca quá sức. Khi tuyển CN, Công ty thỏa thuận thời gian làm việc mỗi ngày từ 7h30 - 16h30 (tăng ca 4 buổi/tuần), hưởng lương thời gian (từ 2,9-3,2 triệu đồng/người/tháng, tùy tay nghề). Nếu tăng ca, CN sẽ được 1 suất ăn chiều và được trả tiền phụ trội. Thời gian đầu, khi Công ty xây dựng định mức bình quân từ 200-500 sản phẩm/chuyền (tùy mã hàng), toàn bộ CN đều hoàn thành đúng hạn. Thế nhưng, thời gian gần đây, Công ty đã cố tình làm trái thỏa thuận ban đầu khi liên tục nâng định mức sản phẩm (bình quân từ 500-2.000 sản phẩm/chuyền/ngày) khiến CN làm không kịp, buộc lòng CN phải ở lại làm thêm. Tuy nhiên, CN phải tăng ca sau 20h mới được bồi dưỡng một suất ăn, còn tiền phụ trội thì không được tính. Đáng nói, CN phải làm việc ngày đêm nhưng thu nhập lại không tăng mà có tháng còn giảm. Khi CN ngừng việc phản đối thì Công ty hứa hẹn sẽ điều chỉnh nhưng được vài ngày, lại tiếp tục giảm thời gian. Một CN ở chuyền 4, bức xúc: “Cty yêu cầu chuyền tôi phải may 680 sản phẩm trong thời gian từ 7h30 đến 20h. Sau đó, Công ty đột ngột rút ngắn thời gian làm việc đến 18 giờ nhưng chỉ giảm định mức 40 sản phẩm. Tăng định mức và rút ngắn thời gian làm việc chẳng khác nào Công ty ép CN phải vắt kiệt sức”.

Điều đáng nói, không chỉ vắt kiệt sức CN, nhiều Công ty còn vi phạm phát luật lao động nghiêm trọng. Ở Ngọc Minh Tâm, không chỉ quy định “CN nghỉ 3 ngày thì bị sa thải” là trái luật, dù hoạt động đã 3 năm qua, Cty không ký HĐLĐ cho bất kỳ CN nào, không đóng BHXH, không có nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, không đăng ký thang bảng lương… Ông Nguyễn Văn Bằng - Giám đốc Công ty khăng khăng cho rằng việc mình làm không có gì sai và đổ hết lỗi cho CN: “Công ty không ký HĐLĐ vì CN không thích, họ còn có đơn xin không được ký HĐLĐ nữa”. Còn Công ty TNHH TYSS VINA, dù đi vào hoạt động từ tháng 11/2013 và sử dụng thường xuyên 350 CN nhưng chỉ ký HĐLĐ xác định thời hạn 12 tháng với 50% số CN. Ngoài sai phạm về thời gian thử việc, Cty cũng không tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho CN; không đăng ký thang, bảng lương, nội quy lao động với cơ quan quản lý nhà nước và chưa thành lập tổ chức CĐ… “Một lần tôi nhận được đơn khiếu nại của NLĐ về việc sa thải người trái luật. Khi chúng tôi hỏi về lý do cho NLĐ thôi việc, ông Giám đốc đập bàn, la lớn: “Công ty này là của gia đình tôi. Tôi là Giám đốc, đuổi ai, nhận ai là quyền của tôi”. Làm việc với người hiểu luật thì dễ, đối với người cố tình làm càng thì chỉ có kiện ra tòa, có bản án thì các “ông trời con” này mới sợ!” - một cán bộ Phòng LĐ-TB&XH quận 12, TPHCM kể lại.

21g một ngày cuối tháng 5, anh Nguyễn Văn Siêu (Vĩnh Long) cùng ba người bạn leo tường trốn khỏi cơ sở sản xuất bánh tráng của ông N.V.T. (xã An Nhơn Tây, Củ Chi, TP.HCM) vì chịu không nổi cảnh làm việc như “tù khổ sai”. Anh Siêu kể: “Vợ chồng tôi được ông chủ thỏa thuận mức lương 2,5 triệu đồng/người/tháng bao ăn ở. Chúng tôi phải làm mỗi ngày từ 4g - 21g. Tôi làm hơn 40 ngày nhưng không có đồng lương nào, xin nghỉ việc thì ông chủ không cho, chịu không nổi nên chúng tôi bỏ trốn, bỏ lại xe máy, quần áo, giấy tờ tùy thân”. Những người bạn của anh Siêu cũng có chung hoàn cảnh như vậy. Có khoảng 10 lao động đang làm việc tại cơ sở của ông T. và ông thừa nhận không có bất kỳ hợp đồng nào được ký kết vì “cơ sở của tôi sản xuất theo kiểu hộ gia đình”. Khi anh Siêu trở lại lấy xe máy, ông T. mạt sát không tiếc lời. “Vợ chồng mày làm mới hơn một tháng mà trả lương cái gì, làm rách bánh, thiệt hại nên tao không trả tiền. Thằng Hải bỏ trốn cũng bị tao bắt về đây nè” - ông T. hăm dọa. Để yên thân, anh Siêu phải viết cam kết sau khi lấy tài sản xong không được làm khó dễ mới được lấy lại xe và giấy tờ tùy thân mà không được trả một đồng tiền lương của hai vợ chồng. Tình trạng các cơ sở sản xuất nhỏ chèn ép người lao động hiện khá phổ biến. Anh Hồ Ngọc Hùng (Đắk Lắk) vừa nghỉ việc tại cơ sở may ở đường số 7, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân (TP.HCM) kể: “Không được ký hợp đồng lao động, mỗi tháng chủ chỉ cho ứng 200.000 đồng tiêu vặt. Nhóm chúng tôi làm sáu tháng nhưng không được trả lương. Xin nghỉ việc thì chủ chửi bới, thách thức”. 6 tháng làm việc của anh Hùng cũng được khoảng 15 triệu đồng nhưng khi nghỉ việc không được trả lương, thậm chí ông chủ còn đòi kêu giang hồ xử nếu dám đến đòi tiền.

Theo LĐĐS, 24h.com.vn