Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT

24/07/2014 04:00 AM


Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (sau đây gọi chung là Luật Sửa đổi, bổ sung). Luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo, lấy ý kiến đóng góp về Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.


Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT

Theo đó, Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung sẽ gồm 03 chương, 08 điều, nội dung bao gồm những quy định về mức đóng, mức hỗ trợ và mức hưởng BHYT; quản lý và sử dụng Quỹ BHYT và điều khoản thi hành. Cụ thể là:

Mức đóng, hỗ trợ, mức hưởng BHYT

Mức đóng, hỗ trợ BHYT

Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12 Luật Sửa đổi, bổ sung bằng 4,5% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH, mức đóng hằng tháng tối đa bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức BHXH đóng. Trường hợp được cử đi học tập hoặc công tác dài hạn tại các cơ quan đại diện của Nhà nước tại nước ngoài, mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức tiền lương hằng tháng theo quy định của pháp luật. Trường hợp được cử đi học tập dài hạn hoặc công tác dài hạn từ 03 năm, không phải đóng BHYT và được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục. Trường hợp bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức tiền lương hằng tháng theo quy định của pháp luật; nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, đối tượng  không phải truy đóng BHYT. Mức đóng, căn cứ đóng, tỷ lệ đóng hằng tháng của các nhóm đối tượng khác, được quy định cụ thể tại Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung.

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng tối thiểu bằng 70% mức đóng đối với đối tượng quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 12; tối thiểu bằng 50% mức đóng đối với đối tượng quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 12 Luật Sửa đổi, bổ sung. Còn mức đóng của thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trường hợp tất cả các thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT, người thứ nhất đóng bằng mức 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 80%, 70%, 60% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Mức hưởng BHYT

Người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh được Quỹ BHYT thanh toán chi phí trong phạm vi, mức hưởng như sau: thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh tại tuyến xã và các trường hợp khám, chữa bệnh có chi phí thấp hơn 15% mức lương cơ sở; thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh đã có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên tính đến thời điểm khám, chữa bệnh và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến. Quỹ BHYT thanh toán theo mức quy định tại Khoản 1, 3, Điều 22 Luật Luật Sửa đổi, bổ sung đối với các trường hợp đi khám, chữa bệnh tại địa bàn giáp ranh. Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại các địa bàn giáp ranh; quy định số tiền cụ thể và thời điểm áp dụng khi có điều chỉnh mức lương cơ sở để thống nhất thực hiện. Trường hợp đi khám, chữa bệnh đúng quy định nhưng có nhu cầu lựa chọn thầy thuốc, phòng bệnh, giường bệnh, Quỹ BHYT chi trả trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng, phần chênh lệch do người bệnh tự chi trả.

Quản lý và sử dụng Quỹ BHYT

Tổng số tiền thực thu BHYT trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là BHXH tỉnh) theo mức đóng, được phân bổ và sử dụng như sau:

+ 90% dành cho Quỹ khám, chữa bệnh BHYT, dùng để chi trả các khoản chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định; chi cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em dưới 06 tuổi, học sinh, sinh viên theo quy định (mức chi bằng 8% số tiền đóng BHYT tính trên tổng số trẻ em dưới 06 tuổi, học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục, BHXH cấp tỉnh tổng hợp số kinh phí này vào quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT của tỉnh).

+ 10% dành cho Quỹ dự phòng, chi phí quản lý Quỹ BHYT, trong đó dành tối thiểu 5% cho Quỹ dự phòng và được quy định như sau: tổng mức chi phí quản lý bảo hiểm y tế hằng năm do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định trong tổng chi phí quản lý của BHXH Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quỹ dự phòng là phần còn lại sau khi đã trích trừ chi phí quản lý BHXH.

Chi phí quản lý Quỹ BHYT gồm:

+ Chi thường xuyên của tổ chức BHYT, thực hiện theo quy định của Luật BHXH;

+ Chi đặc thù, không thường xuyên như tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT, phát triển đối tượng tham gia BHYT, hỗ trợ UBND các xã thực hiện lập danh sách tham gia BHYT trên địa bàn cho các đối tượng theo quy định… Mức chi năm 2015 là 05 tháng lương cơ sở/xã/năm, từ ngày 01/01/2016 trở đi, là 03 tháng lương cơ sở/xã/năm;

+ Chi thù lao cho tổ chức làm đại lý thu BHYT của các đối tượng theo quy định tại Khoản 4, 5, Điều 12 Luật Sửa đổi, bổ sung; mức chi bằng 5% tổng số thu tiền đóng của người tham gia, không bao gồm số thu tiền do Ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng;

+ Chi phí làm thẻ BHYT; in, mua biểu mẫu, chứng từ, báo cáo dùng cho chuyên môn;

+ Lệ phí chuyển tiền;

+ Các khoản chi khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam.

Điều khoản thi hành

Điều khoản chuyển tiếp đối với trường hợp người có thẻ BHYT vào viện điều trị trước ngày 01/01/2015 nhưng vẫn còn đang nằm viện, chưa được cơ sở y tế thanh toán thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Luật BHYT và Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/07/2009. Sau khi Nghị định có hiệu lực thi hành, các điều khoản, quy định khác trái với quy định tại Nghị định này đều bãi bỏ.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành các điều khoản được giao trong Luật Sửa đổi, bổ sung và Nghị định này; ban hành các văn bản hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật và quản lý chất lượng đối với cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện BHYT đối với các đối tượng quy định tại Tiết a, Điểm 1, Khoản 1, Tiết 1, Tiết n,  Điểm 3 và Tiết b, Điểm 4, Khoản 6 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng do Bộ quản lý.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND xã, phường, thị trấn thực hiện trách nhiệm quy định tại Khoản 1, Điều 8 Luật BHYT và Khoản 5, Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung.

Ngoài thực hiện trách nhiệm quy định tại các Điều 9, Điều 41 Luật BHYT và Khoản 25 Luật Sửa đổi, bổ sung, BHXH Việt Nam còn có trách nhiệm ban hành mẫu kê khai danh sách các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình chuyển UBND tỉnh, thành phố để tổng hợp.

Các Bộ, ngành khác có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nguồn TC BHXH