Sức cạnh tranh của xuất khẩu lao động Việt Nam chưa cao

23/07/2014 09:00 AM


Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), trong 6 tháng đầu năm 2014 các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và các tổ chức khác đã phái cử 55.206 người đi làm việc ở nước ngoài.

 

Việt Nam hiện có khoảng 560.000 lao động đang làm việc tại 49 quốc gia, vùng lãnh thổ, theo 30 nhóm ngành nghề. Bình quân mỗi năm có 80.000 lao động được đi làm việc tại nước ngoài, chiếm 5% số lao động được giải quyết việc làm hàng năm. Trong đó cao nhất vẫn là thị trường Đài Loan với 33.323 người, Nhật Bản 9.233 người, Hàn Quốc 3.238 người và 9.412 người cho các thị trường khác. Số liệu thống kê cho thấy, kết quả hằng năm tăng lên nhưng thị trường lao động ngoài nước của VN vẫn còn nhỏ so với các nước xuất khẩu lao động trong khu vực. Các cơ quan chức năng trong và ngoài nước vẫn còn nhiều hạn chế về kinh nghiệm, thông tin thị trường. Bên cạnh đó năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kém, tính chuyên nghiệp chưa cao. Nguồn lao động thấp cả về trình độ, tay nghề và ngoại ngữ, ý thức, tác phong kỷ luật kém, khó hòa nhập... Đây chính là những yếu tố làm hạn chế việc phát triển thị trường lao động ngoài nước. Đồng thời, Việt Nam mới có chính sách đưa lao động đi xuất khẩu lao động, nhưng chưa có chính sách cụ thể cho người lao động tái hòa nhập khi trở về để tận dụng kỹ năng, kinh nghiệm họ đã được làm tại nước ngoài; cũng như chính sách tận dụng nguồn vốn họ tích lũy được để đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho thấy, gần 35% số tiền tích lũy được của người đi xuất khẩu lao động là dành cho trả nợ, gần 29% cho sửa chữa nhà ở, xây dựng; khoản đầu tư cho giáo dục và sản xuất kinh doanh rất thấp. Lao động sau khi về nước có việc làm ngay chiếm trên 80% nhưng chỉ có 10% tìm được công việc phù hợp liên quan đến việc đã làm ở nước ngoài, điều này cho thấy  một sự lãng phí rất lớn nguồn lực. Đại diện Tập đoàn Manpower (một công ty tuyển dụng nhận sự) cho rằng, việc chưa tận dụng nguồn lực sau khi đi lao động tại nước ngoài về là một sự lãng phí, bởi thực tế các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu rất lớn đối với nguồn lực này: "Bất cập lớn nhất của Việt Nam là chưa có nguồn dữ liệu thông tin về lao động đi xuất khẩu trở về để khớp nối với nhu cầu tuyển dụng trong nước. Do đó, Việt Nam sớm tổ chức đơn vị làm dịch vụ hỗ trợ lao động sau khi về nước tái hòa nhập như tăng cường kết nối thông tin thị trường lao động; đào tạo chuyển đổi kỹ năng nghề đã làm tại nước ngoài phù hợp với thị trường lao động trong nước".

Theo NLĐO