Người có công với cách mạng sẽ được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe

21/07/2014 01:08 AM


Người có công với cách mạng và thân nhân sẽ được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, trong đó mức chi đối với chế độ điều dưỡng tại nhà là 1.110.000 đồng/người/lần; mức chi đối với chế độ điều dưỡng tập trung là 2.220.000 đồng/người/lần.


Nội dung quan trọng trên được nêu tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC do liên Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính ban hành; trong đó hướng dẫn chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với người có công với cách mạng và thân nhân; quản lý các công trình ghi công liệt sĩ.

Đối tượng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe mỗi năm một lần gồm người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; cha đẻ, mẹ đẻ chỉ có một con mà người con đó là liệt sĩ hoặc cha đẻ, mẹ đẻ có hai con là liệt sĩ trở lên; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và thương binh loại B, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do ảnh hưởng của chất độc hóa học từ 81% trở lên; người có công giúp đỡ cách mạng được Nhà nước tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước”.

Đối tượng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần gồm cha đẻ, mẹ đẻ của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; vợ hoặc chồng của liệt sĩ; con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật dưới 81%; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do ảnh hưởng của chất độc hóa học dưới 81%; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Thời gian một đợt điều dưỡng từ 5 đến 10 ngày, không kể thời gian đi và về. Trong đợt điều dưỡng tập trung, vì lý do khách quan, đối tượng ở dưới 30% thời gian một đợt điều dưỡng thì Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định đi điều dưỡng vào đợt kế tiếp; trường hợp ở từ 30% thời gian trở lên trong một đợt điều dưỡng thì không được thanh toán số tiền điều dưỡng còn lại. Ngoài ra, trong thời gian điều dưỡng tập trung nếu đối tượng bị ốm đau phải cấp cứu thì được giới thiệu và đưa đi điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất theo chế độ bảo hiểm y tế hiện hành.

Đối với chế độ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, Thông tư quy định rõ nguyên tắc: cấp tiền để đối tượng mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình. Mức tiền cấp mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình (bao gồm cả tiền mua vật phẩm phụ, bảo trì phương tiện) theo phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh căn cứ vào khả năng ngân sách nhà nước có tính đến yếu tố trượt giá. Việc cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình (bao gồm cả tiền mua vật phẩm phụ, bảo trì phương tiện) cho cả niên hạn sử dụng được thực hiện cùng một lần. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2014.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Để thực hiện có kết quả Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo kế hoạch đề ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong thời gian trước mắt các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung làm tốt các công việc theo phân công. Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trong tháng 10/2014; tổ chức tập huấn cho các địa phương và các đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ trong phạm vi cả nước trong quý IV năm 2014. Đồng thời, hoàn thành điều tra, thống kê, tổng hợp, cập nhật, bổ sung thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ thí điểm tại 05 tỉnh (Hậu Giang, Ninh Thuận, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Hà Giang) trong quý III năm 2014; Trao kết quả giám định danh tính liệt sĩ đến thân nhân liệt sĩ.

Bộ Tài chính khẩn trương điều chuyển kinh phí từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sang để thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp các cơ sở giám định cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; phối hợp với Bộ Lao động  - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn các nội dung chi đặc thù thực hiện Đề án 150 trong quý III năm 2014. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp nhận kinh phí (47 tỷ đồng/cơ sở) và khẩn trương chỉ đạo việc đầu tư nâng cấp cơ sở giám định gen với mục tiêu đạt 4.000 mẫu/năm. Bên cạnh đó, 3 cơ sở giám định gen đẩy nhanh tiến độ phân tích ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; thực hiện lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ đã có một phần thông tin theo yêu cầu của  tỉnh Quảng Trị và tỉnh Bình Thuận trong  quý III năm 2014. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan truyền thông thực hiện công tác tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền; nâng cao hiệu quả công tác thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và những thông tin khác phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam chủ động cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ cho Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động các tổ chức thành viên, nhân dân và cộng đồng tích cực tìm kiếm, thu thập và cung cấp thông tin cho việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trên địa bàn. Về việc tăng đầu tư các cơ sở giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ, qua thực tiễn thời gian qua, để đạt mục tiêu xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định gen (10.000 đến năm 2015, 70.000 đến năm 2020) cần đầu tư nhiều cơ sở được trang bị đồng bộ và đội ngũ nhân lực hơn so với dự kiến. Do nguồn lực hạn chế, trước mắt Văn phòng Chính phủ báo cáo giải trình theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng mức đầu tư để hoàn thiện 02 cơ sở tại Bộ Công an và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (riêng cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng do chưa có địa điểm).

Theo ĐCSVN, Chinhphu.vn