Đề xuất quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN

08/07/2014 03:27 AM


Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng. Theo đó, Dự thảo Nghị định đề cập tới việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; mức hỗ trợ từ NSNN vào Quỹ BHTN; quản lý, sử dụng Quỹ BHTN và tổ chức thực hiện BHTN. Đối tượng của Dự thảo Nghị định là người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHTN; tổ chức BHXH; trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHXH theo luật định.


Đăng ký BHTN tại Trung tâm Giới thiệu Việc làm Hà Nội (ảnh minh họa)

Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khi đủ các điều kiện sau: Đóng đủ BHTN liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến tháng liền kề thời điểm đề nghị hỗ trợ; gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất kinh doanh và dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có; không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm cho người lao động theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH.

Thời gian hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo phương án được phê duyệt và không quá 06 tháng. Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 01 triệu đồng/người/tháng, mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng khóa học và thời gian học thực tế. Đối với khoá đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ theo quy định, phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.

Quỹ BHTN và chi chế độ BHTN

Nguồn thu Quỹ BHTN bao gồm người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách Trung ương bảo đảm; tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ và các nguồn thu hợp pháp khác. NSNN hỗ trợ theo nguyên tắc bảo đảm duy trì số dư Quỹ BHTN hằng năm bằng 03 lần tổng số chi từ quỹ của năm trước liền kề (bao gồm chi trả các chế độ và chi phí quản lý BHTN) nhưng mức hỗ trợ tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN. Tháng 7 hằng năm, căn cứ tình hình kết dư của Quỹ BHTN năm trước và dự toán thu, chi các chế độ BHTN được cấp có thẩm quyền giao trong năm, Bộ Tài chính xác định số kinh phí hỗ trợ theo mức quy định và chuyển một lần vào Quỹ BTHN.

Chi chế độ BHTN bao gồm chi trợ cấp thất nghiệp; chi hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; chi hỗ trợ học nghề; chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; chi đóng BHYT cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nội dung và mức chi phí quản lý BHTN thực hiện theo quy định của Luật BHXH và quy định của pháp luật về quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam. Hội đồng Quản lý BHXH theo quy định của Luật BHXH thực hiện quản lý Quỹ BHTN (thẩm định kế hoạch thực hiện BHTN hằng năm, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch; quyết định hình thức đầu tư quỹ; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách, pháp luật về BHTN).

Tổ chức thực hiện BHTN

Người sử dụng lao động phải tham gia BHTN cho người lao động tại tổ chức BHXH trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực. Trường hợp đã giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng trước ngày Luật Việc làm có hiệu lực thi hành và đang thực hiện hợp đồng thì người sử dụng lao động phải đăng ký tham gia BHTN bổ sung ngay cho những người lao động này nếu thời hạn kết thúc hợp đồng còn ít nhất 01 tháng trở lên. Trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động đang tham gia BHTN theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên, khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng mà người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHTN thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN của hợp đồng lao động kế tiếp có trách nhiệm tham gia BHTN theo quy định của pháp luật.

Thời điểm đóng BHTN của người sử dụng lao động và người lao động cùng với thời điểm đóng BHXH bắt buộc. Người lao động có các tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương, tiền công tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH; người lao động có các tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị. Tháng đóng BHTN được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã đóng BHTN, người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ít nhất 01 ngày trong tháng đó. Hồ sơ theo dõi việc đóng, hưởng BHTN của người lao động theo quy định tại Nghị định này là Sổ BHXH, do BHXH Việt Nam ban hành, trong đó có một mục riêng về việc đóng, hưởng BHTN.

Người lao động đang đóng BHTN bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm. Kinh phí thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm của trung tâm dịch vụ việc làm được bố trí trong chi phí quản lý BHTN. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm. Trong thời hạn 05 ngày, tính theo ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tổ chức BHXH thực hiện chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp hằng tháng cho người lao động. Thời gian đóng BHTN của người lao động trong trường hợp hủy Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được cộng dồn để tính cho lần hưởng sau.

Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH. Các trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp được xác định như sau: hết thời hạn hưởng theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động; có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; sau 02 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp giới thiệu mà không có lý do chính đáng; trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, 03 tháng liên tục không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp; chết; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tòa án tuyên bố mất tích; bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù.

Quyền và trách nhiệm của tổ chức BHXH

Tổ chức BHXH có quyền thu bảo BHTN và kiểm tra việc tham gia BHTN theo quy định của pháp luật; từ chối yêu cầu chi trả các chế độ BHTN không đúng quy định của pháp luật; khiếu nại về BHTN; kiểm tra việc đóng, hưởng các chế độ BHTN đối với người lao động và người sử dụng lao động; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về BHTN và quản lý, sử dụng Quỹ BHTN; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về BHTN; các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của tổ chức BHXH là hằng năm thông báo cho từng người lao động về việc đóng BHTN của người lao động; tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về BHTN; hướng dẫn thủ tục thu BHTN đối với người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN; tổ chức thu BHTN; sau khi tiếp nhận hồ sơ tham gia BHTN của người sử dụng lao động, tổ chức BHXH gửi danh sách người lao động tham gia BHTN đến trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn; chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; dừng chi trả các khoản trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và thu hồi thẻ BHYT đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền; cấp thẻ BHYT và đóng BHYT cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật; chậm nhất 05 ngày (tính theo ngày làm việc) phải chốt và trả Sổ BHXH kèm theo trích lục về việc đóng BHTN cho người lao động, kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động; quản lý, sử dụng Quỹ BHTN theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng Quỹ BHTN theo quy định của pháp luật; trích từ Quỹ BHTN để thực hiện việc chi phí quản lý đúng thời hạn và đủ số tiền phải chuyển theo quy định; tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán về BHTN; ứng dụng CNTT trong quản lý BHTN, lưu trữ hồ sơ của người tham gia BHTN; cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc tham gia, đóng BHTN khi người lao động yêu cầu; cung cấp tài liệu, thông tin liên quan về BHTN theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện BHTN theo thẩm quyền; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý nhà nước về BHTN theo quy định của pháp luật; thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Nguồn TC BHXH