Tiếp tục thực hiện thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân tại ngũ theo hình thức bảo hiểm y tế

07/07/2014 09:14 AM


Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vừa được Quốc hội thông qua, trong đó bổ sung đối tượng là quân nhân tham gia BHYT. Đây là một vấn đề mới đối với quân đội. Để có thời gian chuẩn bị, tích lũy kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện BHYT đối với quân nhân tại ngũ theo quy định của pháp luật; Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định tiếp tục triển khai Đề án thí điểm chăm sóc sức khỏe (CSSK) quân nhân tại ngũ theo hình thức BHYT giai đoạn 2. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Hồ Thủy, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Bộ Quốc phòng về vấn đề này.


Thiếu tướng Hồ Thủy, Giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng (người đứng), kiểm tra việc thực hiện công tác BHXH, BHYT tại Quân khu 9. Ảnh: Huy Hoàng

- Thưa đồng chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần này có những điểm gì mới?

- Thiếu tướng Hồ Thủy: Ngày 13-6-2014, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với 82,73% phiếu tán thành, trong đó đã điều chỉnh bổ sung đối tượng quân nhân tại ngũ. Theo đó, sĩ quan, QNCN, hạ sĩ quan, binh sĩ đang tại ngũ thuộc đối tượng tham gia BHYT. Luật quy định: Quân nhân tham gia BHYT không phải đóng BHYT mà hoàn toàn do ngân sách Nhà nước bảo đảm; được BHXH Bộ Quốc phòng cấp thẻ BHYT và thẻ có giá trị trên toàn quốc; được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) (không phải đồng chi trả như các đối tượng khác) và chi trả phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong việc cấp thẻ BHYT đối với đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý (bao gồm cả CNVCQP, lao động hợp đồng phục vụ trong quân đội và thân nhân quân nhân); trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các đối tượng tham gia BHYT; trách nhiệm trong việc phối hợp với các bộ, ngành chức năng hướng dẫn các cơ sở KCB của Bộ Quốc phòng ký kết hợp đồng KCB BHYT với tổ chức BHYT đúng quy định.

Đó là những nội dung cơ bản, mấu chốt về việc quân đội tham gia BHYT thể hiện trong Luật lần này. Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành văn bản quy định cụ thể lộ trình thực hiện BHYT, phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT, quản lý sử dụng kinh phí KCB BHYT đối với quân nhân.

- Việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm CSSK quân nhân tại ngũ theo hình thức BHYT có tác động như thế nào đến việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, thưa đồng chí?

- Thiếu tướng Hồ Thủy: Đây là bước chuẩn bị rất chủ động của Bộ Quốc phòng nhằm triển khai thực hiện một cách có hiệu quả nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT phần đối với quân nhân. Theo đánh giá tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Đề án thí điểm CSSK quân nhân tại ngũ theo hình thức BHYT được triển khai tại 3 đơn vị: Học viện Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và Bộ đội Biên phòng giai đoạn 1 (từ tháng 12-2012 đến hết năm 2013) đã có nhiều tác động tích cực, trong đó đạt được hai vấn đề lớn: Quân nhân được thuận lợi hơn trong tiếp cận các dịch vụ KCB; đồng thời tăng cường hơn quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm và năng lực chuyên môn của hệ thống quân y tuyến cơ sở.

Quyền lợi CSSK tăng lên do quân nhân được đăng ký KCB ban đầu hoặc chuyển tuyến chuyên môn ở bất kỳ cơ sở quân y, dân y nơi thuận tiện nhất và được hưởng 100% chi phí KCB theo chỉ định chuyên môn, với mức hưởng cao nhất từ quỹ BHYT và từ ngân sách quốc phòng; được thụ hưởng các kỹ thuật y tế hiện đại hơn, giảm chi phí, thời gian và công sức đi lại. Quân nhân tham gia Đề án được cứu chữa kịp thời ở những cơ sở y tế gần nhất mà không phải vận chuyển xa như trước đây. Theo thống kê trong 13 tháng thực hiện Đề án thí điểm, Bộ đội Biên phòng đã có 63% quân nhân đi KCB ở tuyến bệnh viện đã điều trị tại bệnh viện dân y. Con số này ở Học viện Quốc phòng là 28%.

Đề án còn là cơ sở tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở KCB quân y với dân y; tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động chuyên môn. Vì vậy, Đề án đã góp phần phát huy năng lực, trình độ của đội ngũ thầy thuốc; tận dụng được cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành y tế, nâng cao chất lượng KCB cho các đối tượng. Bên cạnh đó, với việc thay đổi hoàn toàn phương thức bảo đảm tài chính phục vụ việc KCB của quân nhân, số kinh phí BHYT (do ngân sách nhà nước cấp) được cấp trực tiếp về quân y cơ sở qua hệ thống tài chính để CSSK cho quân nhân tại đơn vị và hệ thống bệnh viện, bệnh xá quân đội khi quân nhân đi KCB; đồng thời tăng quyền tự chủ cho các cơ sở y tế, góp phần tăng thu nhập chính đáng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên.

- Vậy, để thực hiện quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã có chủ trương gì, thưa đồng chí?

- Thiếu tướng Hồ Thủy: Việc thực hiện BHYT đối với quân nhân tại ngũ phải có lộ trình để bảo đảm khi triển khai sẽ đạt được kết quả tốt nhất. Do đó, Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định cho phép tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm, để có thời gian phổ biến các quy định mới về tổ chức KCB cho quân nhân, thay đổi nhận thức tư duy, thống nhất việc tổ chức thực hiện, chuẩn bị và tích lũy thêm kinh nghiệm. Thời gian thực hiện Đề án thí điểm giai đoạn 2 từ ngày 1-7-2014 và mở rộng thêm một số đơn vị cấp trung đoàn, sư đoàn thuộc: Tổng cục Chính trị, Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 3, Quân đoàn 4 và Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel.

Cùng với việc tăng thêm đơn vị tham gia, Đề án thí điểm giai đoạn 2 có một số điểm bổ sung, phát triển, như: Bổ sung đối tượng sĩ quan, QNCN trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án; giải quyết chế độ tiền ăn bệnh lý khi quân nhân điều trị nội trú tại cơ sở KCB dân y; vận dụng linh hoạt việc chuyển tuyến chuyên môn...

- Xin trân trọng cám ơn đồng chí !

Theo báo QĐND