7 tháng đầu 2013: Hơn 47 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài

06/08/2013 03:24 AM


Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết 7 tháng đầu năm 2013, hơn 47 nghìn lao động đã được đưa đi làm việc ở nước ngoài.


Lao động học tập một trung tâm đào tạo trước khi xuất cảnh

Trong đó, báo cáo từ các doanh nghiệp cho biết riêng trong tháng 7/2013, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là hơn 7 nghìn lao động. Như vậy tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 07 tháng đầu năm 2013 là 47.095 lao động, trong đó có 16.800 lao động nữ (đạt 55% chỉ tiêu kế hoạch năm 2013). Xét về các thị trường trọng điểm gồm Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, số lượng lao động đi làm việc 7 tháng đầu năm 2013 đều tăng. Riêng thị trường Hàn Quốc, do phía bạn chưa ký tiếp Thỏa thuận Hợp tác thực hiện chương trình EPS với Việt Nam nên số lượng lao động đi làm việc tại Hàn Quốc 7 tháng đầu năm 2013 giảm.

Tuy nhiên, theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, trong cả hai năm 2011 - 2012, lượng lao động xuất khẩu đều không đạt chỉ tiêu đề ra. Có rất nhiều khó khăn cùng xuất hiện, gây cản trở mục tiêu xuất khẩu lao động, nhưng trong đó nguyên nhân chính là do kinh tế thế giới khó khăn, nhiều thị trường xuất khẩu lao động mới mà các doanh nghiệp của chúng ta vừa khai thác được thì lại xảy ra biến động về chính trị. Song cũng phải kể tới một nguyên nhân chủ quan, làm hạn chế đáng kể chỉ tiêu xuất khẩu lao động của chúng ta, là tình trạng lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng khi ra nước ngoài làm việc, mãn hạn nhưng không chịu về, ở lại lao động trái phép… Nếu so với chỉ tiêu về tạo việc làm cho lao động mới là 2 triệu người/năm, thì tỷ lệ người xuất khẩu lao động hiện nay vẫn chỉ chiếm khoảng 5%. Mục tiêu của Việt Nam trong những năm tới vẫn phải đảm bảo xuất khẩu được nhiều lao động, nhưng phải trên cơ sở đảm bảo chất lượng lao động đáp ứng được yêu cầu và quy định, pháp luật của nước tiếp nhận chứ không thể “xuất” ồ ạt như thời gian qua.

Hiện nay đang có tới gần 300 thị trường có nhu cầu tuyển lao động mà Việt Nam có thể đưa lao động tới. Thực ra, nhu cầu về lao động của các thị trường gồm cả mới khai thác và cũ vẫn còn rất cao, nhưng khổ nỗi việc đi đâu thì còn phụ thuộc nhu cầu của người lao động chứ doanh nghiệp không thể can thiệp, bắt buộc được. Và nhiều năm nay, lao động Việt Nam thường chỉ thích đi những nơi có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản... Cũng chính vì thế mà thời gian qua, nhiều người sẵn sàng chi tiền cho các doanh nghiệp “chui”, “cò mồi” để bằng mọi giá sang được Hàn Quốc. Thậm chí không học, không đào tạo về tay nghề, ngoại ngữ… cũng tìm cách sang Hàn Quốc để mong đổi đời. Do tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, làm việc chui tại Hàn Quốc vẫn còn khá cao nên thị trường này đã bị đóng. Hiện vẫn đang còn hơn 10.000 hồ sơ lao động đã thi tiếng Hàn còn “treo”.

Trong năm 2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến sẽ đưa khoảng 85 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để đạt mục tiêu này, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có nhiều giải pháp tăng số lượng lao động tại các thị trường truyền thống như Lybia, Malaysia, Đài Loan, Trung Đông… và tìm kiếm thêm các thị trường mới. Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xuất khẩu lao động đó là ngoại ngữ, cải thiện tác phong làm việc và tay nghề. Để tránh bị lừa, có được các thông tin minh bạch và chính xác, người lao động có thể tìm về các sở LĐTB-XH, cơ quan phụ trách hoạt động xuất khẩu lao động của địa phương, hoặc Cục Quản lý lao động ngoài nước để được tư vấn.

Theo NLĐO, SGGP