Xu hướng doanh nghiệp chỉ thích tuyển lao động phổ thông

19/06/2013 07:14 AM


Lý do là các doanh nghiệp muốn tự đào tạo lao động từ đầu, thay vì nhận lao động được các cơ sở dạy nghề của Việt Nam đào tạo sẵn chuyên môn, song không phù hợp.


Sự chuyển dịch người lao động bị thất nghiệp sang khu vực phi chính thức cho thấy tác động của khoảng 54,2 nghìn doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động  trong năm 2012 đến vấn đề việc làm trong khu vực chính thức. Theo báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, lao động - việc làm là một vấn đề xã hội cần quan tâm trong năm 2013, khi chỉ tiêu tạo việc làm năm vừa qua đã không đạt kế hoạch Quốc hội giao (kế hoạch giao là 1,6 triệu lao động, kết quả thực hiện chỉ đạt 1,52 triệu). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tại thành thị là 3,25%, và còn tăng trong quý 1/2013. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động phi chính thức năm 2012 tăng so với một số năm trước (từ 34,6% năm 2010 tăng lên 35,8% năm 2011 và 36,6% năm 2012). Một trong những nguyên nhân là tác động của khoảng 54,2 nghìn doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động  trong năm 2012 đến vấn đề việc làm trong khu vực chính thức.

Ngoài ra, năm 2012, do tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,03%, trong khi mức dự kiến tăng trưởng từ 6%-6,5% dẫn đến việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu cho khu vực công chỉ ở mức 1,15 triệu đồng/tháng (dự kiến là 1,3 triệu đồng/tháng). Mức lương này chỉ đạt 38,4% so với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2013 chỉ điều chỉnh tăng thêm bình quân 17,4%, thấp hơn so với mức dự kiến điều chỉnh là 36,4%. Quý 1 năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã nhích lên nhưng 4 tháng đầu năm lại có đến 19.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể, tiếp tục tác động đến tình hình việc làm trong khu vực chính thức. Đáng “giật mình” là số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 7,9 triệu người năm 2011 lên 8,3 triệu người năm 2012 (tăng 4,2% sau 1 năm). Số người được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trong 3 năm 2010 - 2012 tăng từ 145.000 lên 410.000, rồi tới 461.000 cuối năm qua. Tuy số người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp chỉ tăng khoảng 50.000 người so với năm 2011 nhưng số tiền chi bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng tăng tới 133% (từ 1.126 tỷ đồng lên mức 2.625 tỷ đồng trong cả năm 2012). Trong khi đó, ba năm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ người thất nghiệp được đào tạo nghề chỉ đạt 1% (0,5% số người thất nghiệp được đào tạo nghề trong năm 2012). Uỷ ban Về Các vấn đề xã hội cũng cảnh báo, ở một số địa phương đã có tình trạng lợi dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Số nợ bảo hiểm này đến hết năm 2012 là 4.639 tỷ đồng.

Trong phiên chất vấn của Quốc hội với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền vừa qua, đại biểu Trần Quốc Tuấn (tỉnh Trà Vinh) đề cập đến việc cần khai thác hiệu quả nguồn lực của công tác dạy nghề. Vì hiện nay các trường dạy nghề không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí khi có trường, có thày, nhưng thiếu trò. Các học viên sau khi đào tạo không có tay nghề đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, phải đào tạo lại. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền xác nhận, tại một số địa phương đây là tình hình thực tiễn. Hiện toàn quốc có hơn 1.000 cơ sở dạy nghề, trong đó của công lập là trên 800 cơ sở, của tư thục có trên 100 cơ sở, doanh nghiệp có vài chục cơ sở. Tình trạng thiếu học viên trong lĩnh vực dạy nghề, xuất phát từ nhận thức của các bạn trẻ không muốn học nghề lao động trực tiếp. “Do điều kiện các trường nên nội dung đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp cần”- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thẳng thắn- “Ở Bắc Ninh có doanh nghiệp nước ngoài đến xây dựng nhà máy, nhưng họ chỉ muốn chỉ tuyển lao động mới tốt nghiệp lớp 12 để tự đào tạo. Nguyên nhân do cơ sở dạy nghề của chúng ta chỉ đào tạo những cái đang có, mà chưa cập nhật được những cái mới, cái cần của doanh nghiệp; còn lao động kỹ thuật cao thì theo quy định doanh nghiệp nước ngoài được mang vào. Sắp tới sẽ tiến hành sơ kết 3 năm về vấn đề này, chỉ đạo hệ thống ngành dọc, các trường dạy nghề phải gắn với thị trường lao động. Phải chủ động tìm hiểu xem các doanh nghiệp quanh vùng cần gì rồi gắn với lĩnh vực mình có để đào tạo. Thêm vào đó, lao động nông thôn không hoặc chưa được đào tạo, chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, rất cần rèn luyện kỹ năng để nâng cao năng suất lao động".

Theo ANTĐ