KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA DỰ THẢO LUẬT BHXH (SỬA ĐỔI)

28/05/2014 09:07 AM


Nằm trong chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều ngày 26/05, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật BHXH (sửa đổi). Dưới đây là nội dung sửa đổi của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).


Dự thảo Luật BHXH sửa đổi được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII

Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành có kết cấu gồm 11 chương và 141 điều. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) kế thừa kết cấu này trên cơ sở bỏ 01 chương về bảo hiểm thất nghiệp; gộp Chương VIII về khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội và Chương IX về khen thưởng và xử lý vi phạm thành một chương về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội và gộp một số điều, bổ sung một số điều cho phù hợp, thuận tiện trong quá trình tổ chức thực hiện. Theo đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm có 9 chương và 125 điều. Tất cả các điều đều đã được đặt tên, các chương được chia thành mục theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

1. Chương I: Những quy định chung

Chương I dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm có 16 điều (từ Điều 1 đến Điều 16) quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quyền và trách nhiệm của các bên trong quá trình tham gia quan hệ bảo hiểm xã hội, giải thích một số từ ngữ và một số quy định mang tính nguyên tắc. So với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, Chương này có một số điểm mới gồm:

- Phạm vi áp dụng: Không áp dụng đối với bảo hiểm thất nghiệp (Điều 1).

- Đối tượng áp dụng:

+ Luật hóa một số nhóm đối tượng đã được thực hiện ổn định theo các văn bản hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội như: học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương (điểm e, h khoản 1 Điều 2).

+ Bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản (điểm b khoản 1 Điều 2). Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện, nhóm đối tượng này sẽ được thực hiện từ ngày 01/01/2018 khi tổ chức bảo hiểm xã hội đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội.

+ Bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp (khoản 2 Điều 2).

+ Mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia (khoản 4 Điều 2).

- Về giải thích từ ngữ: Bỏ khái niệm “mức lương tối thiểu chung”; làm rõ hơn khái niệm “thân nhân” (khoản 5 Điều 3); bổ sung khái niệm “bảo hiểm hưu trí bổ sung” (khoản 6 Điều 3).

- Về nguyên tắc bảo hiểm xã hội: sửa đổi mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng bỏ quy định mức thu thập không thấp hơn mức lương tối thiểu chung nhằm hạ mức sàn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để tạo điều kiện có nhiều người hơn có khả năng tham gia (khoản 2 Điều 5).

- Về chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội: Bổ sung  một số nội dung sau: Quy định nhà nước khuyến khích thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung; Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng đặc biệt tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; quy định ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội (khoản 2, 3 và khoản 5 Điều 6).

- Về quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội: Bổ sung quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố (Điều 9, Điều 10 và Điều 11).

- Về thanh tra bảo hiểm xã hội: Bổ sung thanh tra tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về quản lý tài chính (khoản 2 Điều 12).

- Về quyền của tổ chức công đoàn: Bổ sung quyền khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (điểm d khoản 1 Điều 13).

- Về chế độ báo cáo, kiểm toán: Sửa đổi quy định báo cáo Quốc hội về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội từ định kỳ hàng năm sang định kỳ ba năm (khoản 1 Điều 15).

- Về các hành vi bị nghiêm cấm: Cụ thể hóa các hành vi bị nghiêm cấm theo nhóm các hành vi: (1) Về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (2) Về lập hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội; (3) Về sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội; (4) Gây phiền hà, trở ngại làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp  của người lao động, người sử dụng lao động; (5) Báo cáo sai sự thật, cung cấp sai lệch thông tin, số liệu về bảo hiểm xã hội (Điều 16).

2. Chương II: Quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội

Chương II dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm có 6 điều (từ Điều 17 đến Điều 22) quy định về quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội. Những nội dung sửa đổi, bổ sung của chương này gồm:

- Về quyền của người lao động: Bổ sung quyền được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi (điểm b khoản 5 Điều 17) và nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày (điểm d khoản 5 Điều 17); được người sử dụng lao động và tổ chức bảo hiểm xã hội định kỳ cung cấp thông tin về quá trình đóng bảo hiểm xã hội (khoản 7 Điều 17);

- Về trách nhiệm của người sử dụng lao động: Bổ sung quy định người sử dụng lao động định kỳ sáu tháng thông báo thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (khoản 8 Điều 20).

- Về quyền của tổ chức bảo hiểm xã hội: Bổ sung quyền được thanh tra chuyên ngành về chính sách bảo hiểm xã hội khi Thanh tra lao động - thương binh và xã hội ủy quyền (khoản 3 Điều 21); bổ sung quyền trong việc khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội (khoản 7 Điều 21).

- Về trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội: sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội ban hành quy trình thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội (khoản 1 Điều 22); giới thiệu thân nhân người lao động, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội đi giám định mức suy giảm khả năng lao động (khoản 4 Điều 22); thông báo thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (khoản 6 Điều 22).

3. Chương III: Bảo hiểm xã hội bắt buộc

Chương III dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm có 5 mục, 48 điều (từ Điều 23 đến Điều 70) quy định về chế độ ốm đau; chế độ thai sản; chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. So với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành thì nội dung chương này có một số điểm mới như sau:

a) Về chế độ ốm đau

- Sửa đổi mức hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp mắc bệnh cần chữa trị dài ngày theo hướng không quy định thời gian hưởng tối đa trong năm mà quy định tối đa hưởng một trăm tám mươi ngày, sau đó nếu vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn, không tính lặp lại hàng năm như quy định hiện hành (khoản 2 Điều 25).

- Bỏ quy định mức hưởng chế độ ốm đau của người bị mắc bệnh cần chữa trị dài ngày đối với trường hợp nghỉ từ ngày 181 trở đi nếu mức hưởng thấp hơn lương tối thiểu chung thì được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu chung.

- Bổ sung quy định cụ thể mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày (khoản 4 Điều 27).

b) Về chế độ thai sản

- Bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật (điểm đ khoản 1 Điều 30, khoản 2 Điều 33).

- Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài nhưng vì lý do thai không bình thường phải nghỉ việc nên không đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (khoản 3 Điều 30).

- Sửa đổi thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi theo Bộ luật Lao động năm 2012, bổ sung trường hợp lao động nam nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi cho tương đồng với quy định đối với lao động nữ (khoản 1 Điều 33, Điều 34, khoản 1 Điều 36).

- Sửa đổi quy định trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.

Bổ sung quy định trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn khả năng chăm sóc con có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi (khoản 4 Điều 33).

- Sửa đổi quy định về trợ cấp một lần khi sinh con theo hướng trong trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội khi sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con (Điều 36).

- Bổ sung quy định mức hưởng chế độ thai sản một ngày được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày (khoản 2 Điều 37).

c) Về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

- Về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động: Luật hóa các quy định từ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành; quy định các trường hợp loại trừ (Điều 41).

- Sửa đổi quy định về điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo hướng quy định người lao động khi bị bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành là được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp (Điều 42).

- Bổ sung quy định thời hạn được giới thiệu đi giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (khoản 3 Điều  43).

- Bổ sung quy định thời điểm hưởng trợ cấp trong trường hợp không điều trị nội trú và trường hợp không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện (khoản 1 Điều 46).

- Bổ sung quy định điều chỉnh trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế (Điều 47).

- Sửa đổi quy định cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo hướng cấp cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (Điều 48).

d) Về chế độ hưu trí

- Về tuổi nghỉ hưu:

+ Quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng theo hướng trước tiên từ năm 2016 trở đi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; sau đó từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại, cụ thể như sau:

Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Tuổi nghỉ hưu đối với lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân.

Riêng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như quy định hiện hành (Điều 53).

+ Sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động theo hướng: (1) đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên tuổi nghỉ hưu là nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi trở lên; (2) đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên tuổi nghỉ hưu là nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi; (3) đối với người có đủ mười lăm năm trở lên (trong 20 năm đóng bảo hiểm xã hội) làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không kể tuổi đời (Điều 54).

- Về công thức tính lương hưu:

+ Sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu theo hướng từ năm 2016 trở đi mỗi năm tăng thêm 01 năm cho đến khi 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% (khoản 2 Điều 55).

+ Tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi (khoản 3 Điều 55).

- Về thời điểm hưởng lương hưu: bổ sung một điều quy định cụ thể về thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động (Điều 58);

- Về bảo hiểm xã hội một lần:

+ Sửa đổi quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng chỉ giải quyết bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp; bổ sung quy định giải quyết bảo hiểm xã hội một lần đối với người mắc bệnh hiểm nghèo (khoản 1 Điều 59). Riêng đối với lực lượng vũ trang thực hiện như quy định hiện hành, được giải quyết ngay khi phục viên, xuất ngũ, nếu không đủ điều kiện để hưởng lương hưu và người lao động có nhu cầu.

+ Tăng mức trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần lên mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (khoản 2 Điều 59).

- Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần: Sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu theo hướng đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành trở đi thì tính bình quân toàn bộ thời gian đóng như người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (điểm đ khoản 1 Điều 61).

- Về điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội:

Sửa đổi theo hướng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội vẫn thực hiện như quy định hiện hành. Đối với người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật này có hiệu lực thi hành thì tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ áp dụng cho mọi người lao động, không phân biệt người lao động thuộc khu vực nhà nước hay ngoài nhà nước (khoản 1 Điều 62).

- Về tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng: bổ sung quy định về việc tiếp tục thực hiện khi đã chấp hành xong hình phạt tù hoặc người xuất cảnh trở về định cư hợp pháp; đồng thời quy định việc truy lĩnh lương hưu, trợ cấp trong trường hợp người được toà án tuyên bố là mất tích trở về, người chấp hành án tù giam được tòa án tuyên bố là oan sai (khoản 2 Điều 63).

- Bổ sung một điều quy định giải quyết trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu ra nước ngoài để định cư (Điều 64).

đ) Về chế độ tử tuất

- Bổ sung đối tượng giải quyết chế độ tử tuất đối với người đang bị dừng hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng do phải chấp hành hình phạt tù mà bị chết trong tù (điểm d khoản 1 Điều 65, điểm đ khoản 1 Điều 66).

- Bổ sung quy định cho phép thân nhân người lao động được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần (khoản 3 Điều 68).

- Bổ sung quy định trường hợp người lao động không có thân nhân quy định tại Khoản 5 Điều 3 của Luật này thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế (khoản 4 Điều 68).

- Tăng mức trợ cấp tuất một lần đối với trường hợp người lao động đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chết từ 1,5 tháng lên 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi (khoản 1 Điều 69).

4. Chương IV: Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Chương IV dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm có 2 mục, 11 điều (từ Điều 71 đến Điều 81) quy định về chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. So với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành thì nội dung chương này có một số điểm mới như sau:

a) Về chế độ hưu trí

- Về tuổi nghỉ hưu:

+ Quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu tương đồng với chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc (khoản 1 Điều 72).

+ Sửa đổi quy định cho phép người lao động đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội được đóng cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu, không khống chế tuổi trần tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như hiện hành (khoản 2 Điều 72).

- Về công thức tính lương hưu: Sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu tương đồng với chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc (khoản 2 Điều 73).

- Thời điểm hưởng lương hưu: bổ sung một điều quy định về thời điểm hưởng lương hưu theo hướng thời điểm hưởng lương hưu được tính kể từ tháng liền kề sau tháng người tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định (Điều 75).

- Về bảo hiểm xã hội một lần: sửa đổi quy định về điều kiện hưởng và mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần tương đồng với chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điều 76).

b) Về chế độ tử tuất

Chế độ tử tuất của bảo hiểm xã hội tự nguyện được sửa đổi, bổ sung tương đồng với chế độ tử tuất của bảo hiểm xã hội bắt buộc như bổ sung đối tượng giải quyết chế độ tử tuất đối với người đang bị dừng hưởng lương hưu do phải chấp hành hình phạt tù mà bị chết trong tù (điểm c khoản 1 Điều 79, Điều 80); tăng mức trợ cấp tuất một lần (khoản 2 Điều 80); bổ sung quy định trường hợp người lao động không có thân nhân hưởng trợ cấp (khoản 1 Điều 80).

5. Chương V. Quỹ bảo hiểm xã hội

Chương V dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 11 điều (từ điều 82 đến điều 92) quy định nguồn hình thành, các nội dung chi quỹ bảo hiểm xã hội, các hình thức đầu tư quỹ và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội. So với quy định hiện hành thì nội dung chương này có một số điểm mới như sau:

- Sửa đổi theo hướng hợp nhất quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện với quỹ hưu trí và tử tuất của quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc.

- Bổ sung nội dung quy định về sử dụng quỹ theo hướng bổ sung mục chi chi phí giám định y khoa đối với trường hợp do tổ chức bảo hiểm xã hội giới thiệu đi giám định mức suy giảm khả năng lao động (khoản 4 Điều 84).

- Bổ sung phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm một năm một lần, một lần cho nhiều năm về sau theo hướng thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu theo hướng cao hơn và quy định Chính phủ hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội đối với một số trường hợp đặc biệt (khoản 2 Điều 87).

- Bổ sung quy định về việc thực hiện đóng bù cho thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sau khi hết thời hạn tạm dừng đóng  theo quy định (khoản 2 Điều 88).

- Về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc: tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được thiết kế theo hướng từ khi luật này có hiệu lực thi hành đến hết năm 2017 tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động (khoản 2 Điều 89).

- Về chi phí quản lý: sửa đổi theo hướng quy định chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng số thực thu bảo hiểm xã hội hàng năm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; mức cụ thể do Chính phủ quy định, tối đa không quá 3% (Điều 90).

- Về các hình thức đầu tư: sửa đổi hình thức đầu tư “Cho ngân hàng thương mại của Nhà nước vay” bằng hình thức “gửi tiền tại ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ” (khoản 3 Điều 92) cho phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng; bổ sung hình thức đầu tư “ủy thác đầu tư thông qua các hợp đồng quản lý đầu tư” (khoản 5 Điều 92).

6. Chương VI. Tổ chức bảo hiểm xã hội

Chương VI dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 3 điều (từ điều 93 đến điều 95) quy định tổ chức bảo hiểm xã hội, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội. So với quy định hiện hành thì nội dung chương này về cơ bản không có thay đổi lớn, chủ yếu là cụ thể hóa các quy định tại các văn bản hướng dẫn.

7. Chương VII. Thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội

Chương VII dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 23 điều (từ điều 96 đến điều 118) quy định về thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội, cấp sổ bảo hiểm xã hội, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

- Việc sửa đổi, bổ sung các nội dung thủ tục được thực hiện trên cơ sở pháp điển hóa các quy định về thủ tục, hồ sơ từ các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các các văn bản hướng dẫn của tổ chức bảo hiểm xã hội, quá trình thực hiện đã đi vào cuộc sống, được sự đồng thuận từ phía người lao động, người sử dụng lao động.

- Nghiên cứu, tiếp thu các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính ban hành kèm theo các Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2010, Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội;  Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 9 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về việc đơn giản hóa các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

8. Chương VIII. Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội

Chương VIII dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 4 điều (từ điều 119 đến điều 122) quy định về khiếu nại bảo hiểm xã hội, tố cáo bảo hiểm xã hội và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội. Nội dung chương này được thiết kế trên cơ sở gộp Chương VIII về khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội và Chương IX về khen thưởng và xử lý vi phạm thành một chương về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, đồng thời bỏ Điều 133 về khen thưởng. Ngoài ra, nội dung chương này có một số điểm mới như sau: sửa đổi quy định về việc phạt đối với số tiền chưa đóng, chậm đóng bằng 02 lần lãi suất liên ngân hàng (khoản 3 Điều 122).

9. Chương IX. Điều khoản thi hành

Chương X dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 3 điều (từ điều 123 đến điều 125) quy định về quy định chuyển tiếp, hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành. So với quy định hiện hành thì nội dung chương này có một số điểm mới như sau:

- Về quy định chuyển tiếp:

+ Sửa đổi quy định tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 (khoản 4 Điều 123).

+ Bổ sung quy định chuyển 50% số kết dư của quỹ ốm đau, thai sản; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và toàn bộ số kết dư quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được chuyển sang quỹ hưu trí và tử tuất (khoản 6 Điều 123).

+ Bổ sung quy định đối với các trường hợp đã nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (khoản 7 Điều 123).

- Về hiệu lực thi hành (Điều 124):

Quy định hiệu lực thi hành áp dụng riêng đối với đối tượng người lao động giao kết hợp đồng lao động dưới 3 tháng và người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018).

Nguồn TC BHXH