Nghịch lý Dược Việt Nam

19/06/2013 03:09 AM


Ở ngành Dược thực tế đang tồn tại một nghịch lý là giá thuốc vẫn cứ tăng dù thị phần của doanh nghiệp trên không cao.


Bà Trần Phương Lan, Trưởng Ban Giám sát và quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, theo quy luật thông thường, khi thị phần của doanh nghiệp ngành dược có mức độ tập trung thấp thì sự cạnh tranh sẽ gay gắt, kết quả tất yếu giá thuốc giảm và theo đó người tiêu dùng được hưởng lợi. Tuy nhiên, ở ngành dược thực tế đang tồn tại một nghịch lý là giá thuốc vẫn cứ tăng dù thị phần của doanh nghiệp trên là không cao. skCụ thể, các doanh nghiệp trong ngành dược được chia thành hai khối: Doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối. Theo thống kê của Ban giám sát và quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh, số doanh nghiệp sản xuất hiện có khoảng 274 đơn vị, doanh nghiệp phân phối gấp hơn 7 lần.

Thị phần của 10 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm cũng như của các doanh nghiệp phân phối là không lớn. Cụ thể, thị phần của doanh nghiệp sản xuất dược phẩm cao nhất chỉ chiếm 10,79%; doanh nghiệp phân phối là 12,09%. Với thị phần thấp như vậy, giá thuốc tăng cao là do nhiều nguyên nhân. Đối với sản phẩm thuốc, người tiêu dùng ở thế bị động. Bởi bệnh nhân phải uống, tiêm thuốc theo sự chỉ định của bác sỹ. Trong khi đó, người bệnh lại không đủ khả năng, trình độ chuyên môn để sử dụng loại thuốc thay thế. Hơn nữa, hầu hết các hãng nhập khẩu dược phẩm vào Việt Nam đều không trùng lặp dòng sản phẩm, do vậy sẽ dễ dẫn tới hiện tượng tăng giá thuốc bất thường.

Muốn giải quyết căn bản văn bản, quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực dược phẩm cần bổ sung quy định cụ thể để xác định hệ thống phân phối đồng nhất. Ngoài ra, quy định về pháp lý mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật cạnh tranh bao trùm cả các hoạt động diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động tới cạnh tranh trong lãnh thổ Việt Nam. Thời gian tới, doanh nghiệp cùng với việc nâng cao nhận thức về pháp luật cạnh tranh lĩnh vực dược phẩm còn phải lưu ý không nên đưa vào hợp đồng những quy định, điều khoản có thể dẫn tới thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Linh kiện y tế hưởng thuế suất nhập khẩu 0%

Linh kiện của thiết bị y tế sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% hoặc mức thuế sàn (nếu có khung thuế suất). Cụ thể là linh kiện cho các trang thiết bị y tế cần ưu tiên nghiên cứu, chế tạo, sản xuất như nội thất bệnh viện, máy X-quang, siêu âm, điện tim, máy thở, máy gây mê, dao mổ, bàn mổ, laser y tế, máy tán sỏi, thiết bị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, thiết bị nội soi… Ngay cả bông băng gạc, khẩu trang, trang phục phòng mổ, bơm kim tiêm, găng y tế, bao cao su… cũng được ưu đãi. Đây là quy định trong dự thảo về cơ chế hỗ trợ thuế nhập khẩu do Chính phủ công bố ngày 12/6. Để hưởng cơ chế này, doanh nghiệp nhập khẩu phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế; linh kiện nhập khẩu là loại trong nước chưa sản xuất được.

Theo SK&ĐS