Cơ cực mưu sinh ở những xóm nghèo nhặt rác...

17/06/2013 08:51 AM


Chúng tôi về “xóm nhặt rác” ở tổ 11, khu vực 4, phường An Cựu (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) vào ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch). Khác hẳn với sự tấp nập ngoài phố xá, nơi này đìu hiu, hoang vắng. Bên trong căn nhà xập xệ, bà Phan Thị Hường (54 tuổi) đang ăn dở bát cơm để chuẩn bị dọn… “đồ nghề” đi nhặt rác.


Dù rất cần mẫn với công việc nhặt rác nhưng bà Phan Thị Hường và con gái vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo khổ.

Bà Hường là một trong số gần 15 hộ dân (45 nhân khẩu) về định cư sớm nhất tại “xóm rác” nghèo này. Bà Hường tâm sự: “Tui về đây ở và lấy nghề nhặt rác mưu sinh từ năm 17 tuổi. Cuộc sống cực khổ, ban ngày nhặt rác tại các thùng rác di động trên đường phố, tối về lại đi theo xe rác bòn mót bao nilon, phế liệu. Giờ các con của tui cũng đi nhặt rác chứ không biết làm nghề chi để kiếm sống”.

Chị Lê Thị Thu Lan (30 tuổi), con gái đầu của bà Hường cũng “học” nghề nhặt rác từ mẹ và đã có 2 cô con gái nhỏ. Mỗi ngày, khi anh Lê Nam Bình (chồng chị Lan) đi phụ hồ thì chị Lan lại để các con nhỏ ở nhà, rồi đạp chiếc xe cà tàng đến bãi rác tập kết gần sân vận động đường Lê Quý Đôn (TP Huế) để bươi móc kiếm bao nilon phế thải. “Đồ nghề” của những người nhặt rác như chị Lan chỉ có đôi bao tay, chiếc khẩu trang chống mùi hôi và một chiếc móc sắt. Mỗi ngày cật lực nhặt rác, chị Lan bán thu nhập không quá 40 nghìn đồng...

Hoàn cảnh của bà Võ Thị Lê (57 tuổi), ở cạnh nhà chị Lan còn khốn khổ gấp bội lần. Chồng mất sớm, bà Lê một mình lam lũ với nghề nhặt rác để nuôi 3 người con khôn lớn. Gia cảnh cơ cực, các con của bà bỏ đi làm ăn xa, để lại cho bà 4 đứa cháu nội. Trong đó, đứa lớn nhất chỉ mới học lớp 3, đứa nhỏ nhất chưa đầy 1 tuổi.

Bà Lê nghẹn ngào: “Để có tiền nuôi các cháu, tui phải để các cháu ở nhà tự chăm sóc nhau rùi ra các bãi rác nhặt lượm các thứ về bán ve chai. Trời nắng còn chịu được chứ lúc trời mưa, mùi hôi thối từ các bãi rác bay lên nồng nặc… nhưng vẫn cố chịu đựng để kiếm ít tiền về đong gạo nuôi các cháu”.

Quanh năm “bán mặt cho rác, bán lưng cho trời” nên hầu hết những người làm nghề nhặt rác như bà Hường, chị Lan, bà Lê… ở “xóm rác” đều mắc chung một chứng bệnh như: viêm xoang mãn tính, đau đầu và viêm khớp…

Chúng tôi lại tìm đến “xóm nhặt rác” ở khu vực đường ray, cạnh trường Trung cấp Âu Lạc Huế. Những căn nhà mái tôn được che lợp tạm bợ, xung quanh đầy rẫy những bao tải rác chất đống dọc đường ray đã nói lên sự nghèo khó của những con người đang sống ở đây.

Bên trong căn nhà rộng chưa đầy 30m2 xây dở dang, ông Dương Văn Lộc chỉ tay về chiếc cột gỗ được chống tạm bợ giữa nhà, cho hay, năm 1999, vợ chồng ông từ Lâm Đồng chuyển về đây sinh sống. Ông đạp xích lô, còn vợ đi nhặt rác nên mãi vẫn không cất được mái nhà. May thay, vừa rồi có ông khách du lịch thương tình cho ít tiền mua gạch, ông vay mượn thêm một ít mua xi măng và tự tay xây nhà để thay thế cho căn nhà tạm dột nát đã mấy năm nay.

Thế nhưng, điều lo nhất của vợ chồng ông Lộc và một số hộ dân khác ở nơi đây là chuyện “hộ khẩu”. Bà Nguyễn Thị Đông, vợ ông Lộc cho biết: “Ở đây đã gần 14 năm nhưng gia đình tui vẫn chưa làm được hộ khẩu, cũng vì rứa mà hai con của tui không làm được giấy CMND”. Hiện em Dương Thị Mỹ Tự (con gái đầu ông Lộc), đã học lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Huế và người em kế là Dương Văn Hào, học lớp 9 Trường THCS Duy Tân, TP Huế, nhưng vẫn chưa làm được giấy CMND vì gia đình không có hộ khẩu. Cũng vì thế, việc nhập trường để xin cho các con đi học, đăng ký giấy tờ rất khó khăn...

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Bình Lương, Phó Chủ tịch UBND phường An Cựu (TP Huế) xác nhận rằng, cuộc sống của bà con tổ 11, khu vực 4 phụ thuộc vào nghề nhặt rác nên rất nghèo khó. Đặc biệt, vì nhiều lý do nên một số hộ dân vẫn chưa được cấp hộ khẩu. Về vấn đề này, phường cũng đang tìm hướng giải quyết để xử lý…

Theo Báo CAND