Có tới hơn 100 triệu người lao động làm việc trong nền kinh tế ngầm

17/06/2013 08:07 AM


Văn phòng khu vực của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố một báo cáo cho biết có tới trên 47% lao động phi nông nghiệp tại Mỹ Latinh và vùng Caribe, tương đương với 100 triệu người, đang làm việc trong nền kinh tế ngầm, nơi họ không được hưởng bất cứ một chế độ chính sách BHXH nào.


Sòng bạc bất hợp pháp được coi là một trong những hoạt động kinh tế ngầm

Báo cáo tựa đề "Bước tiến và triển vọng 2013" của ILO nhận định, làm việc trong nền kinh tế ngầm là một biểu hiện của sự bất bình đẳng tại thị trường lao động; đồng thời kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực hãy cùng ILO xóa bỏ các loại lao động trong nền kinh tế ngầm, đặc biệt là lao động trẻ em. Đây là mục tiêu chiến lược cơ bản trong những năm tới và coi đây như một hình thức giảm nhẹ sự bất công hiện đang đè nặng lên khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Tài liệu trên sẽ được trình lên hội nghị toàn thể của ILO tại Geneva, Thụy Sỹ. Để cắt giảm lao động trong nền kinh tế ngầm, các nước khu vực cần đẩy mạnh các chương trình xã hội, tạo thêm việc làm trong nền kinh tế quốc gia, đặc biệt chú ý lao động nữ và lao động trẻ, song song với việc nghiên cứu, soạn thảo và thực hiện các chiến lược lao động toàn diện; trong đó có tính tới các yếu tố chính trị, xã hội, tâm lý và văn hóa của từng quốc gia.

Sau khi biểu dương sáng kiến của Chính phủ Mexico đề nghị Quốc hội thông qua điều luật tăng tuổi lao động tối thiểu từ 14 lên 15 và thông qua Công ước 138 của Liên hợp quốc, ILO đề nghị chính phủ các nước khu vực Mỹ Latinh và Caribe nhanh chóng áp dụng các biện pháp và chính sách hiệu quả nhằm giải quyết dứt điểm các mảng màu tối này trong bức tranh kinh tế hiện được đánh giá có nhiều triển vọng trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Kinh tế ngầm là bộ phận không được tính đến của một nền kinh tế, trong đó, các hoạt động thương mại được tiến hành mà không liên quan đến thuế, luật hoặc các quy định thương mại. Hoạt động kinh tế ngầm có cả hợp pháp như kinh tế gia đình, buôn bán vỉa hè lẫn bất hợp pháp như buôn lậu, cờ bạc.

Trong khi đó, World Bank tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 2,2% trong năm nay. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các thị trường mới nổi từ Trung Quốc đến Brazil tăng trưởng chậm hơn dự báo. Đồng thời, các biện pháp cắt giảm ngân sách và niềm tin của nhà đầu tư ngày càng suy giảm khiến kinh tế châu Âu càng lún sâu vào suy thoái. Đây là mức thấp hơn so với dự báo 2,4% được đưa ra hồi tháng 1 và cũng thấp hơn mức 2,3% của năm ngoái. World Bank dự báo GDP của Eurozone sẽ suy giảm 0,6% trong năm nay. Ngược lại, triển vọng tăng trưởng của Mỹ và Nhật Bản được nâng lên nhờ vào các chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ. Nỗ lực chấm dứt khủng hoảng nợ của các nhà hoạch định chính sách châu Âu vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sự ổn định của thị trường tài chính. Tuy nhiên, rủi ro đã giảm bớt do giá hàng hóa hạ nhiệt và ảnh hưởng của chính sách kích thích tiền tệ chưa từng có tiền lệ của các nền kinh tế phát triển (trong đó có Mỹ).

Cuộc tranh luận về việc khi nào và làm cách nào để rút dần ra khỏi chương trình mua 85 tỷ USD tài sản mỗi tháng của Mỹ đã khiến thị trường tài chính của các nước đang phát triển chao đảo. Hơn 2.500 tỷ USD vốn hóa thị trường đã bay khỏi các TTCK trên toàn cầu kể từ khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) Ben Bernanke phát biểu hôm 22/5 rằng Fed có thể thu hẹp chương trình kích thích nếu triển vọng của thị trường lao động cho thấy những bước tiến bền vững. Đối với năm 2014, WB dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% - giảm so với mức 3,1% được đưa ra hồi tháng 1. Kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2% trong năm 2013 – tăng so với mức 1,9% được đưa ra trước đó. Các nền kinh tế đang phát triển sẽ có mức tăng trưởng 5,1% - giảm mạnh so với mức 5,5% trước đó. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bị hạ từ 8,4% xuống còn 7,7%.

Theo Tin tức, VN Economy