Bộ trưởng LĐ-TB&XH trả lời chất vấn về đào tạo nghề, việc làm

14/06/2013 03:54 AM


Chiều 13/6, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh &Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Phần lớn nội dung chất vấn liên quan đến đào tạo nghề và việc làm cho người dân.


Giờ thực hành của lớp điện tử trường Cao đẳng nghề Hà Nội

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) chất vấn Bộ trưởng về giải quyết thực trạng hiện nay, nhiều nguồn lực đầu tư cho dạy nghề nhưng cơ sở không phát huy hiệu quả như có trường có thầy nhưng không đủ trò hoặc ngược lại. Nhiều học viên tốt nghiệp nhưng không đáp ứng được nhu cầu xã hội, của doanh nghiệp. Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, mục tiêu phấn đấu của Việt Nam đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần phải có đủ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập với các nước trên thế giới. Trong những năm gần đây, đầu tư cho dạy nghề được tăng cường, với trên 1.000 cơ sở dạy nghề. Tuy nhiên, việc phát huy nguồn lực này chưa đạt được như mong muốn, nhiều học viên tốt nghiệp nhưng trình độ, tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ sẽ chỉ đạo các trường nghề không phải dạy nghề theo những gì mình có mà phải gắn với thị trường lao động, nhu cầu của doanh nghiệp. Trường dạy nghề cần phải tìm hiểu nhu cầu thị trường để thay đổi cách thức giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực. Đây việc làm cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đề cập vấn đề mất việc hoặc đang không có việc làm. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, người dân bị mất việc làm hoặc đang không có việc làm thì cần phải được đào tạo lại để họ chuyển đổi nghề sao cho phù hợp với khả năng hơn. Trên cơ sở này, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương tìm hiểu số lượng lao động ở nhóm đối tượng trên cũng như nắm bắt khả năng, trình độ lao động để có phương án đào tạo lại nghề cho họ một cách hiệu quả nhất. Đối với nhóm những người nghèo, Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ, đào tạo nghề miễn phí và tìm việc phù hợp cho nhóm đối tượng này.

Về đề nghị làm rõ chức năng đào tạo nghề giữa Bộ LĐ-TB& XH và Bộ GD-ĐT của đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh), Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, đào tạo nghề cho những ngành nghề phục vụ cho mục tiêu sản xuất thì do Bộ LĐ-TB&XH trực tiếp quản lý; còn đào tạo nghề từ Trung cấp chuyên nghiệp trở lên thì Bộ GD-ĐT quản lý. Sự phân công như Chính phủ quy định như hiện nay là hợp lý. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến thắc mắc về sự chồng chéo phân công giữa đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp với Trung cấp nghề; Cao đẳng chuyên nghiệp và Cao đẳng nghề. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang được Chính phủ giao cho đề án Đổi mới cơ bản về GD-ĐT. Do vậy, những vấn đề mà các đại biểu nêu về sự chồng chéo trong đào tạo nghề sẽ được xem xét một cách kỹ lưỡng.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), có 26,2% số cử nhân được khảo sát chưa hoặc không tìm được việc làm. Trong số này, có tới 58,2% không biết xin việc ở đâu, 42% còn lại cho hay bị nhà tuyển dụng từ chối do không đáp ứng được yêu cầu. Còn tại các tỉnh, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Thanh Hóa có gần 25.000 học sinh, sinh viên ra trường chưa xin được việc làm, con số này với Nghệ An là hơn 11.000 người, tỉnh Đồng Tháp 2.000 người... Tình trạng này cũng đang phổ biến tại Đà Nẵng, An Giang, Quảng Nam... Nhiều cử nhân ĐH, thậm chí là thạc sĩ, chua chát nói rằng tấm bằng ĐH đã trở nên vô dụng, chẳng nơi nào nhận. Theo Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng, tại mỗi phiên giao dịch việc làm, nhu cầu tuyển dụng dành cho lao động phổ thông chiếm gần 70%, còn cử nhân chỉ dao động ở mức 5%-10%.

Theo Tổng cục thống kê, tính đến thời điểm 1/10/2012, cả nước có 53,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, tuy nhiên có đến hơn 1,1 triệu lao động thất nghiệp trong cả nước. Số người thất nghiệp lớn, còn doanh nghiệp cũng thi nhau đóng cửa, ngừng hoạt động. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2013 cho biết, chỉ trong 20 ngày đầu năm (tính từ ngày 1-20/1/2013), cả nước có gần 4.300 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt  động. Con số này tăng 6,9% so với tháng 12/2012 và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Cùng thời gian đó, chỉ có hơn 3.800 doanh nghiệp thành lập mới. Như vậy, so con số thành lập mới và số giải thể, ngừng hoạt động, tính ra, chỉ trong 20 ngày đầu năm đã có thêm 441 doanh nghiệp biến mất khỏi thị trường. Còn trong năm 2012,  số doanh nghiệp giải thể, phá sản lên tới trên 54.200 đơn vị, tăng 0,5% so với năm 2011.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, tỷ lệ thất nghiệp lớn như hiện nay sẽ dễ dẫn đến mất ổn định xã hội: "Cả một thế hệ học sinh, sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, thậm chí việc quét dọn, rửa chén cũng đã có người làm rồi. Người nông thôn ra thành thị không kiếm được việc làm nhưng cũng không thể quay về vì ở quê không còn đất để canh tác (thu hồi đất cho các dự án khu công nghiệp mà với tình hình kinh tế như hiện nay thì khó mà phát triển). Xã hội sẽ đi tới chỗ bất ổn định, từ chỗ mất an sinh xã hội sẽ dẫn tới mất an ninh xã hội".

Theo VOV News