Chưa đủ thông tin, chưa vội đi xuất khẩu lao động

15/04/2014 07:46 AM


Những ngày này hàng chục hộ dân ở huyện Yên Thành, Nghệ An đang rối như tơ vò khi biết chắc số tiền gần 7 tỷ đồng mà mỗi gia đình chắt chiu, vay mượn đã rơi vào tay bọn lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ) một cách trắng trợn.


Người lao động cần được trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn trước khi đi làm việc ở nước ngoài (Trong ảnh: Người dân xã Hà Bắc, Hà Trung-Thanh Hóa tìm hiểu thông tin tại UBND xã).

Thiếu thông tin, mù mờ về quy trình và thông tin về tổ chức đưa người đi làm việc ở nước ngoài, đã khiến những người nông dân lam lũ ước mơ đổi đời lâm vào cảnh bĩ cực. Thậm chí có nhiều lao động đi hết hợp đồng 3 năm về nước vẫn không biết công ty đưa mình đi mà chỉ nhớ tên người môi giới. Thiếu những hiểu biết, kỹ năng cần thiết trước khi đi, mà mục tiêu xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho gia đình, quê hương từ XKLĐ bị ảnh hưởng.

Vẫn thông qua các đường dây “cò” lao động

Sau 8 tháng làm việc cật lực tại Đài Loan, Tống Thị Thanh, xã Hà Bắc, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) phải trở về nước khi không thỏa thuận được với môi giới tại Đài Loan cho chuyển đổi chỗ làm việc. Thanh còn quá trẻ khi mới chân ướt chân ráo rời khỏi ghế nhà trường, thì được “người quen” ở quê giới thiệu đi làm việc ở Đài Loan. Công dẫn mối là 2 triệu đồng, rồi khi đến công ty Thanh còn phải trả thêm cho “người giới thiệu” tại chính công ty ở Hà Nội thêm một khoản tiền ngoài. Hành trình đến với Đài Loan của Thanh hết tổng cộng trên 6.000 USD, trong đó theo Thanh thì bao gồm cả khoản phí cho môi giới Đài Loan là 1.700 USD (khoảng gần 40 triệu đồng), nhưng khi sang Đài Loan, trong bảng lương hàng  tháng, Thanh tiếp tục bị trừ tiền cho môi giới.

Khi được hỏi vì sao với mức lương cả làm thêm giờ được từ 18 đến 21 triệu đồng/tháng, mà không cố ở lại làm việc, Thanh đã xúc động: “Ngoài công việc áp lực, em còn bị chủ đánh, nên nhiều lần đề nghị với anh môi giới xin được chuyển công ty, nhưng không giải quyết được cho em, họ khuyên em về nước rồi lại sang tiếp. Thế là em đành về nước, được công ty trả lại 3.000 USD. Coi như 8 tháng làm không công ở nước ngoài. Đến giờ em còn nợ l50 triệu đồng ngân hàng”.

May mắn hơn Thanh, anh Nguyễn Văn Kiên ở xã Yên Phong, huyện Yên Định cũng qua đường dây của người quen, để đi sang làm lái xe ở Arab Saudi. Gặp được chủ nhà tốt, lương lái xe thấp chỉ khoảng 7, 8 triệu đồng/tháng nhưng gia đình nhà chủ tin tưởng giao giấy tờ xe, có nhà cho ở riêng nên anh làm thêm được bên ngoài khá tốt. Sau 3 năm làm tại Arab Saudi, anh Kiên cho biết đã chứng kiến, trực tiếp cùng cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại đây đi đón lao động do các công ty trong nước đưa sang không có người đón. “Nhiều người sang không biết tiếng, đường sá không biết, rất có thể bị chủ sử dụng khác vợt mất, làm việc khổ sở. Nhiều lao động ra ngoài bị cảnh sát bắt…”, anh Kiên cho hay.

Đi qua người quen giới thiệu, điều này lý giải thực tế vì sao ở các địa phương, như Thanh Hóa có đến 30 DN về tuyển lao động nhưng không lại được với tổ chức, cá nhân môi giới bất hợp pháp (còn gọi là cò XKLĐ). Theo một khảo sát của Tổ chức lao động Quốc tế ILO tại hai tỉnh Quảng Ngãi và Thanh Hóa đã chỉ ra, các đối tượng này thường có mức chi phí thấp hơn so với DN dịch vụ chính thức do không chi nhiều khoản (không ký quỹ ngân hàng, không chi phí đào tạo, không phí thẩm định hợp đồng, không chi phí cho bộ máy cán bộ nhân viên, cơ sở vật chất,…). Một lợi thế khác là các “cò” thường là người địa phương, lợi dụng mối quan hệ thân quen, gây dựng lòng tin của người dân. Khi họ đưa thành công một số người dân của địa phương đi làm việc ở nước ngoài với công việc ổn định, mức lương cao… thì càng tạo được sự hấp dẫn đối với những người dân thiếu hiểu biết.

Người dân cũng cần nâng cao trách nhiệm kiểm chứng thông tin

Qua tìm hiểu của chúng tôi tại một số xã có đông người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa thì cuộc sống của nhiều gia đình đã thực sự thay đổi nhờ XKLĐ. Anh Nguyễn Văn Kiên ở xã Yên Phong, sau 3 năm đi Arab Saudi cũng dành dụm được 700 triệu đồng, anh Hoàng Văn Tĩnh (xã Yên Phong) đi Cộng hòa Séc giờ về xây dựng được nhà cửa khang trang, hai vợ chồng mở được quán cơm bình dân, thu nhập rất ổn định. Anh Tĩnh chia sẻ “mình xác định đi làm việc ở nước ngoài 3 năm bằng 10 năm làm nông nghiệp ở quê, rút ngắn thời gian để thay đổi cuộc sống.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Đăng Nhượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết, năm 2013, huyện có 644 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nguồn tiền từ XKLĐ đóng góp lớn vào xóa đói giảm nghèo của địa phương, có gia đình trở nên giàu có. Ban chỉ đạo XKLĐ của huyện có chủ trương khuyến khích Ban chỉ đạo xã, mỗi xã cứ có từ 6 người đi XKLĐ trở lên là được thưởng. Các DN khi đến địa phương đặt vấn đề tuyển lao động, Ban chỉ đạo đều xuống tận Hà Nội, kiểm tra xác minh đầy đủ năng lực của công ty mới giới thiệu để bà con đăng ký đi. Đây cũng là cách làm hiệu quả của Yên Định, để bà con không bị các tổ chức, cá nhân không có chức năng XKLĐ lợi dụng.

Bà Nguyễn Mai Thủy, chuyên viên Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho biết, trong quá trình đi thực tế ở nhiều địa phương và tiếp xúc lao động Việt Nam ở nước ngoài, thấy rõ tình trạng thanh niên nông thôn bị các đối tượng và công ty môi giới lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, đã dụ dỗ họ đưa ra nước ngoài với chiêu bài hứa hẹn công việc ổn định, thu nhập cao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì người lao động thiếu thông tin về di cư an toàn hợp pháp. Chính vì thế, ILO tại Việt Nam đã thực hiện chiến dịch truyền thông nâng cao kỹ năng tự bảo vệ khi đi làm việc ở nước ngoài ở một số tỉnh tỉnh có đông người dân đi XKLĐ như  Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Ngãi…

Bà Thủy cho biết, những thông tin liên quan đến đi và làm việc hợp pháp, kiểm tra thông tin về công ty tuyển dụng, ký kết hợp đồng với công ty tuyển dụng và với người sử dụng lao động, giữ và chụp các giấy tờ trước khi đi, chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp, các số điện thoại của các tổ chức hỗ trợ lao động ở nước ngoài và trong nước,… là những điều không thể thiếu. Nếu mọi thông tin được kiểm chứng rõ ràng, người lao động chuẩn bị hành trang trước khi đi XKLĐ một cách trách nhiệm thì sẽ hạn chế được rủi ro.

Theo Báo CAND