Nguy cơ "mất" thị trường lao động Hàn Quốc

14/04/2014 09:10 AM


Việt Nam hiện có khoảng 14 nghìn lao động hết hạn hợp đồng không về nước và cư trú bất hợp pháp, chiếm 40% số lao động cư trú bất hợp pháp trong số 15 nước có người lao động ở Hàn Quốc. Và thị trường lao động hấp dẫn này có nguy cơ đóng cửa, nếu Việt Nam không có các biện pháp mạnh giảm tỷ lệ người lao động (NLÐ) bỏ trốn trong năm 2014.



Chọn... khe cửa hẹp

Gặp lại Kiều Văn Thuấn (sinh năm 1987), xã Ðồng Trúc, huyện Thạch Thất (Hà Nội) sau kỳ thi tiếng Hàn tháng 11-2013, em vui mừng cho biết, đã làm xong thủ tục ký quỹ và cuối tháng 4 này sẽ sang Hàn Quốc tiếp tục làm việc với chủ cũ. Tháng 1-2008, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Thuấn chọn học nghề cơ khí và tiếng Hàn trong trường dạy nghề quân đội. Vượt qua kỳ thi tiếng Hàn, Thuấn được tuyển dụng sang lao động tại Hàn Quốc từ tháng 10-2010 đến tháng 8-2013. Số tiền kiếm được trong bốn năm 10 tháng lao động được gần một tỷ đồng, Thuấn gửi về quê để trả nợ (trước khi đi xuất khẩu lao động, gia đình Thuấn thuộc hộ nghèo của xã), giúp đỡ bố mẹ và hai em trai ăn học; số còn lại, Thuấn xây được ngôi nhà khang trang cho gia đình. Thuấn cho biết, "phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều giữa việc về nước đúng hạn hay trốn ở lại kiếm tiền để hoàn thiện nhà, có một số vốn làm ăn rồi về". Nhưng khi biết chủ trương khuyến khích người lao động về nước đúng hạn, lao động mẫu mực sẽ có cơ hội trở lại làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, Thuấn quyết định về nước đúng thời hạn.

Tuy nhiên, rất nhiều lao động Việt Nam đã không lựa chọn đúng như Thuấn. Những người hết hạn không về, bỏ trốn ra ngoài làm việc mà Thuấn biết, đa số là những người trước khi đi Hàn Quốc phải vay mượn quá nhiều, chưa trả hết nợ; số tiền tích lũy ít; có người trốn ở lại do vợ chưa hết hạn hợp đồng; nhiều lao động chưa tin có thể tiếp tục được sang Hàn Quốc làm việc sau khi về nước đúng hạn...

Theo báo cáo của Trung tâm Lao động ngoài nước (đơn vị duy nhất được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc), tỷ lệ NLÐ Việt Nam không về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động trong tháng 10-2013 giảm xuống 38,2%. Nhưng đến tháng 11-2013 tăng lên tới 42,5% và tháng 1-2014 tăng vọt lên 49%... Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Lương Ðức Long cho rằng: Nhận thức và ý thức của nhiều người lao động Việt Nam còn hạn chế là một trong những nhân tố ảnh hưởng tiêu cực nhất. Mặc dù sau bốn năm 10 tháng hoặc sáu năm làm việc hợp pháp, số tiền mỗi lao động có được là không nhỏ, khoảng 50 nghìn đến 70 nghìn USD, cá biệt có người kiếm được 100 nghìn USD gửi về gia đình rồi, nhưng khi gần hết hợp đồng lao động, họ sẵn sàng phá hợp đồng ra ngoài làm việc hay ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp.

Nguyên nhân chủ yếu là, do mức chênh lệch thu nhập của NLÐ làm việc ở Hàn Quốc và ở trong nước còn cao, từ 7 đến 10 lần. Vì thế một bộ phận người lao động đã phải chi trả rất nhiều tiền (hơn 200 triệu đồng/người) để đi được, hoặc một số người do thiếu hiểu biết nên bị lừa đảo hoặc cố tình mất tiền để không phải "vất vả" làm hồ sơ hay không phải "vất vả" học và thi tiếng Hàn. Do đó, ngay khi sang Hàn Quốc, họ đã có ý định tìm cách ở lại lâu dài hay bỏ ra ngoài tìm kiếm việc làm có thu nhập cao để nhanh bù đắp lại khoản tiền đã chi. Nhiều lao động còn lo ngại có thể không được quay trở lại theo quy định nếu thi tiếng Hàn trên máy tính không đỗ, việc làm thủ tục còn nhiều phức tạp và rủi ro cao... Một yếu tố khác là do chính các chủ sử dụng lao động ở Hàn Quốc vẫn muốn sử dụng lao động không có giấy tờ hợp pháp để trục lợi. Thực tế, quy trình tuyển dụng lao động nước ngoài ở Hàn Quốc khá chặt chẽ, tốn kém và mất nhiều thời gian so với sử dụng lao động không giấy tờ hợp pháp, trong khi, chế tài xử phạt còn nhẹ đối với chủ sử dụng lao động. Các chủ sử dụng lao động còn cho những lao động không có giấy tờ hợp pháp sống cùng và làm việc cùng những lao động hợp pháp cho nên khó bị phát hiện...

Ông Lương Ðức Long cho biết thêm: Người lao động ở lại cư trú bất hợp pháp thường xuyên phải đối mặt nhiều rủi ro: phải sống chui lủi, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị bắt và trục xuất về nước bất cứ lúc nào... Nhưng quan trọng hơn, lợi ích riêng của những người này lại đang làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng, hàng chục nghìn lao động mất cơ hội sang Hàn Quốc làm việc. Chương trình EPS đối với lao động Việt Nam có nguy cơ ngày càng thu hẹp, lao động Việt Nam đã và đang bị lao động của 14 nước khác tại Hàn Quốc dần thay thế.

Nguy cơ mất thị trường

Cuối năm 2013, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ đặc biệt nối lại Chương trình EPS cho ba nhóm đối tượng đặc biệt. Tuy nhiên, hạn ngạch cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2014 sẽ không nhiều. Phía Hàn Quốc cũng yêu cầu, trước khi Bản ghi nhớ đặc biệt hết hiệu lực (tháng 11-2014), căn cứ vào tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, hai bên sẽ xem xét tiếp tục hay không ký kết Bản ghi nhớ về Chương trình EPS bình thường như những năm trước. Ông Choi Byung Gie, Giám đốc Văn phòng Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tại Việt Nam cho biết: Chỉ tiêu lao động nước ngoài phía Hàn Quốc tiếp nhận năm 2014 là 53 nghìn người, việc phân chỉ tiêu cho 15 nước cử lao động phụ thuộc vào tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của nước đó, cũng như mức độ hài lòng của các nhà tuyển dụng Hàn Quốc. Lao động Việt Nam đã từng được đánh giá cao, là nước có số lao động được tiếp nhận nhiều nhất. Nhưng vị trí số một của Việt Nam hiện đã rơi vào tay các nước In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia...

Số lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hiện vẫn còn khoảng 14 nghìn người, chiếm 40% lao động cư trú bất hợp pháp trong số 15 nước phái cử. Chỉ có khoảng hơn 3.000 lao động trở về nước trước ngày 10-3-2014 (thời gian gia hạn khi quyết định xử phạt hành chính 100 triệu đồng đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài có hành vi bỏ trốn, làm việc và cư trú bất hợp pháp). Ông Choi Byung Gie băn khoăn: Sau thời gian gia hạn xử phạt, người lao động vẫn đang chờ các động thái từ chính quyền. Liệu rằng lao động Việt Nam có sợ, bởi có phải nộp phạt, người lao động vẫn chấp nhận, vì chỉ vài ba tháng làm việc trái phép là họ có thể gỡ lại số tiền đó. Ông Choi Byung Gie cho rằng, "Việt Nam cần tiến hành thêm nhiều biện pháp nữa và tiến hành xử phạt triệt để và quyết liệt hành vi vi phạm này".

Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa đề nghị, Hàn Quốc cần phối hợp Việt Nam tăng cường quản lý lao động ngoài nước, không chỉ tạo điều kiện cho người lao động chấp hành tốt mà cần có biện pháp xử lý đối với người vi phạm. Các cơ quan chức năng của Hàn Quốc hoàn toàn có thể kiểm tra, quản lý được lao động bỏ trốn. "Nếu Hàn Quốc không làm quyết liệt việc này, có thể hiểu họ đang dung túng cho điều đó", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa khẳng định. Ðồng thời, Hàn Quốc cần nghiên cứu sửa đổi, để việc chi trả trợ cấp thôi việc (tương đương khoảng 5.000USD) cho người lao động được chi trả tại Việt Nam. Ðây là một trong những điều kiện giúp Việt Nam có điều kiện cưỡng chế lao động bỏ trốn. Theo Thứ trưởng, nếu khoản tiền này được chi trả ở Việt Nam, tỷ lệ người lao động bỏ trốn sẽ giảm xuống. Việc chi trả có thể do cơ quan Hàn Quốc đứng ra tổ chức, và việc chi trả cũng như quản lý khoản tiền này sẽ được thực hiện công khai, minh bạch... Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động đến người lao động và thân nhân người lao động, vì yếu tố gia đình là khá quan trọng khi họ quyết định ở lại hay về nước. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Ngoại giao triển khai Nghị định số 95/2013/NÐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam sẽ thực hiện quy định xử phạt 100 triệu đồng đối với lao động bỏ trốn.

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp vận động người lao động hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc về nước năm 2014, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết: Nếu tỷ lệ người lao động Việt Nam bỏ trốn trong năm 2014 vẫn cao, nguy cơ đóng cửa thị trường lao động Hàn Quốc là khó tránh khỏi. Nếu không có biện pháp quyết liệt người lao động trốn ở lại Hàn Quốc sẽ "nhờn thuốc".

 

Theo Báo Nhân dân