Áp lực tạo việc làm mới ngày càng cao

03/04/2014 07:32 AM


Lực lượng lao động đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng dân số dẫn đến áp lực tạo việc làm mới cao.


Quang cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: VGP/Phan Trang

Thông tin được đưa ra trong Nghiên cứu “Nhìn lại nguồn cung lao động Việt Nam giai đoạn 2002-2012” của nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Văn Thuật làm Trưởng nhóm công bố tại Hội thảo quốc tế “Thị trường lao động Việt Nam: Những phát hiện từ tiếp cận vi mô” sáng 1/4 tại Hà Nội.

Theo các số liệu trong nghiên cứu nói trên, dân số Việt Nam năm 2012 là gần 88,8 triệu người, tăng hơn 9,1 triệu người so với năm 2002. Trong khi đó, lực lượng lao động năm 2012 là 52,3 triệu người, tăng khoảng 11,6 triệu người.

Tỷ lệ lực lượng lao động trong dân số ngày càng tăng thể hiện ở sự chênh lệch qua tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm là 1,05%, trong khi tốc độ tăng lực lượng lao động hàng năm là 2,64%.

Xét theo khu vực thành thị/nông thôn, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn đang trong xu hướng giảm dần, trong khi ở khu vực thành thị lại trong xu hướng tăng. Đây là hai xu hướng tích cực phản ánh thành quả trong tiến trình phát triển nói chung của Việt Nam. Đồng thời, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là nữ giới tại Việt Nam cao hơn so với phần lớn các nước trên thế giới. Tỷ lệ này đang trong xu hướng tăng kể từ năm 2006 và trái ngược với xu hướng của nam.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, những năm qua, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, quy mô nền kinh tế lớn hơn và đã đứng vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, mô hình phát triển theo chiều rộng đã bộc lộ một số khiếm khuyết, cần điều chỉnh để hướng nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển bền vững, theo chiều sâu, trong đó có vấn đề quan trọng là chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thiết lập một thị trường lao động đáp ứng được yêu cầu chung.

Các nghiên cứu tại hội thảo đều chỉ ra hạn chế của thị trường lao động tại Việt Nam hiện nay là tỷ lệ lao động qua đào tạo rất thấp, với khoảng 83% tổng số lao động chưa qua đào tạo chuyên môn, khó đáp ứng yêu cầu trong các dây chuyền sản xuất hiện đại. Vì thiếu lao động có trình độ tốt nên mức lương cho những người trình độ cao vẫn tiếp tục sẽ tăng, thể hiện mức cầu lớn của nhà tuyển dụng.

Cụ thể, trong nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH quốc gia (NCSEIF) và chuyên gia Viện Nghiên cứu KT-XH Ireland (ESRI) về “Lợi tức giáo dục và cầu lao động ở Việt Nam”,  lợi tức giáo dục ở nam và nữ đều thể hiện ở mức thu nhập tăng lên cùng với trình độ học vấn.

Điều này cho thấy sự thay đổi lợi tức giáo dục tại Việt Nam trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2002-2010 phù hợp với lý thuyết “thay đổi công nghệ dựa trên kỹ năng” (skill-based technological change). Theo quan điểm này, khi nền kinh tế tăng trưởng thì các ngành công nghệ sẽ ưu tiên lao động có kỹ năng hơn so với nhóm không có kỹ năng.

Các nhà phân tích nhất trí khuyến nghị Việt Nam cần kiên quyết cải cách giáo dục, đào tạo nghề cũng như loan tải rộng rãi về lợi ích từ giáo dục và đào tạo với người dân.

Theo Báo điện tử Chính phủ