Hỗ trợ người có công: Còn nhiều việc phải làm

03/04/2014 07:36 AM


Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, nhưng ở nước ta chính sách đối với người có công vẫn đang còn nhiều điều phải bàn, phải giải quyết. Đến nay Việt Nam đã có đầy đủ chính sách cho người có công; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã được thực hiện từ nhiều năm qua. Vậy nhưng vẫn còn những lỗ hổng, thậm chí tại nhiều địa phương còn tồn tại tình trạng bỏ sót gây bức xúc đối với những người có công.


Tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hạnh (Đông Hà - Quảng Trị) nhân 27/7

Nhiều sai phạm

Hiện cả nước có gần 1,4 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng tại hơn 11.000 xã, phường trong cả nước, với tổng kinh phí chi trả trong năm 2013 là trên 27.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, chính sách đối với người có công là một chính sách lớn, đối tượng đông, nhất là sau khi sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công năm 2012, cả đối tượng người có công và chính sách đều được bổ sung. Qua đánh giá thực hiện những năm vừa qua, đa số các địa phương thực hiện đúng, đủ và nghiêm túc các chế độ chính sách đối với người có công. Tuy nhiên, ở các địa phương vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xem xét. Trong quá trình thực hiện, cũng còn có những đối tượng chưa được hưởng, còn có những đối tượng hưởng chưa đầy đủ, nhưng cũng còn có những đối tượng hưởng sai chính sách.

Tại Hội nghị chuyên đề về rà soát công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách ưu đãi trong 2 năm 2012- 2013 và định hướng công tác những năm tới, theo báo cáo từ 63 tỉnh, thành phố, đã có 7.000 trường hợp bị cắt trợ cấp người có công do sai phạm và thu về cho ngân sách 75 tỷ đồng. Cũng qua thanh tra, kiểm tra công tác này tại 37 tỉnh, thành phố từ năm 2006 đến nay, với 4.623 hồ sơ được thanh tra, đã phát hiện 590 hồ sơ có sai phạm, trong đó có 372 hồ sơ phải cắt và thu hồi trợ cấp về ngân sách Nhà nước.

Thanh tra Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố cũng đã tiến hành 1.491 cuộc thanh tra về chính sách ưu đãi người có công, phát hiện 1.295 đối tượng hưởng sai chính sách với tổng số tiền thu hồi cho ngân sách là trên 5 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị xử lý kỷ luật 134 cán bộ có sai phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong việc lập và xác nhận hồ sơ. Không ít trường hợp được phát hiện là giả mạo, khai man hồ sơ thương binh (như giả mạo, khai man giấy tờ chứng minh bị thương, giả mạo giấy tờ y tế chứng minh điều trị vết thương tái phát; hồ sơ không đủ giấy tờ theo quy định, người làm chứng không hợp pháp, mâu thuẫn về thời gian ghi trong hồ sơ, trình tự xác lập hồ sơ; đối với hồ sơ nạn nhân chất độc hóa học thì giả mạo hồ sơ y tế như bệnh án giả, giả mạo giấy tờ gốc chứng minh tham gia kháng chiến như tẩy xóa, sửa chữa, viết thêm địa bàn hoạt động...) để được hưởng chế độ ưu đãi. Trong khi đó, người có công thật sự thì phải đòi quyền lợi của mình.

Phải chữa từ gốc

Việc xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng qua 3 thời kỳ cách mạng là công việc khó khăn, phức tạp do chiến tranh gian khổ, lâu dài; do thời gian quá lâu, nhiều trường hợp bị thương từ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến nay không còn giấy tờ, người làm chứng để làm căn cứ xác nhận. Hầu hết những trường hợp thất thoát, chi sai đối tượng đều do sai phạm ngay từ khâu thực hiện, quy trình và người thực hiện pháp lệnh, quy định của Nhà nước. Vì vậy, theo các chuyên gia, những sai phạm trong việc giải quyết các chính sách của người có công tại địa phương thường chủ yếu là ở khâu giám định, xác nhận đối tượng. Vì vậy, thời gian tới cần phải xác định rõ, rạch ròi nhiệm vụ của từng ban ngành để tìm ra nguyên nhân, bất cập, sai phạm ở khâu nào để có các giải pháp phù hợp, không để xảy ra tình trạng “trục lợi” từ chính sách. Để đánh giá được một cách toàn diện về tình hình thực hiện chính sách người có công, ngay trong tháng 4/2014, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để tiến hành tổng rà soát quy mô việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.

Đợt tổng rà soát này là một trong những cuộc tổng rà soát đầu tiên mang tính diện rộng với 7 đối tượng cơ bản đó là liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nạn nhân ảnh hưởng chất độc da cam, cựu thanh niên xung phong, người có công giúp đỡ cách mạng. Trong đó, nhóm đối tượng là các thanh niên xung phong, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người giúp đỡ cách mạng... sẽ được rà soát kỹ lưỡng. Việc rà soát sẽ làm rõ danh sách người có công, gia đình người có công đã được hưởng, hay chưa được hưởng đầy đủ chính sách hiện hành, từ đó xây dựng kế hoạch giải quyết trong các năm sau. Quan trọng hơn, sẽ phát hiện những vấn đề chưa hợp lý trong chính sách và thực hiện chính sách để điều chỉnh. Đây là cuộc rà soát có ý nghĩa và đầy trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với những người có công nhằm giải quyết kịp thời những trường hợp có công nhưng chưa được hưởng. Đồng thời xử lý những trường hợp khai man để hưởng chính sách.

Theo Hải Quan Online