10% số người lao động được chăm sóc sức khoẻ thường xuyên

18/04/2014 09:44 AM


Đó là số liệu được công bố từ Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế. Theo ThS. BS. Trưởng Phòng Sức khỏe lao động - Phòng chống thương tích Trần Anh Thành, khoảng 5 triệu người (trong tổng số khoảng 50 triệu lao động cả nước) ở gần 30 nghìn cơ quan, doanh nghiệp, được các cơ sở y tế và các cơ quan chức năng chuyên ngành kiểm soát về môi trường vệ sinh an toàn lao động, khám chữa bệnh định kỳ, giám định bệnh nghề nghiệp và các chế độ bảo hiểm lao động khác…

 


Việc khám sức khỏe định kỳ được các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện từ 1 - 2 năm tùy mức độ nặng nhọc, độc hại. Tuy nhiên, theo ông Thành, hiệu quả của công tác này "chưa kiểm soát” được, bởi tuy được luật hóa nhưng giới lao động và người sử dụng lao động không phải ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ và không phải đơn vị nào cũng có cán bộ y tế giám sát, tư vấn cho lãnh đạo đơn vị. Các đơn vị tốn khá nhiều tiền cho khám chữa bệnh định kỳ nhưng hiệu quả đến đâu, xử lý kết quả thế nào là những vấn đề còn bỏ ngỏ.

Luật Vệ sinh an toàn lao động đã có nhưng chưa "với” được đến số lao động "phi kết cấu”, chiếm 75 - 80% lao động cả nước gồm khu vực nông thôn, nông nghiệp, các doanh nghiệp gia đình nhỏ lẻ, các lao động tự do… "Không thể kiểm soát được việc bố trả lương cho con” - ông Thành cho rằng không thể kiểm soát được việc chăm sóc y tế, sức khỏe của họ dành cho nhau ra sao.

Thực ra ở đây là câu chuyện nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ quản lý chăm sóc sức khỏe. Theo Cục Quản lý Môi trường Y tế, năm 2013 các địa phương và bộ, ngành đã khám bệnh nghề nghiệp cho 101.700 trường hợp, phát hiện gần 7.500 trường hợp nghi mắc bệnh nghề nghiệp tập trung vào bệnh bụi phổi silic, viêm phế quản mạn tính, nhiễm độc benzen, bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ, điếc do tiếng ồn, sạm da nghề nghiệp, viêm gan virut. Có 482 trường hợp được đưa ra giám định bệnh nghề nghiệp, trong đó 41 trường hợp được hưởng trợ cấp một lần và 174 trường hợp được nhận trợ cấp thường xuyên. Tổng số trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp đến tháng 12-2013 đạt gần 28.000 người. Trong năm 2013, có gần 140.000 trường hợp bị tai nạn lao động trong đó có 455 trường hợp tử vong.

Dẫn đến hậu quả này có nguyên nhân các chủ sử dụng lao động không "đếm xỉa” đến những tư vấn, khuyến cáo sử dụng, sắp xếp, bố trí cho người lao động có công việc phù hợp với khả năng, sức khỏe và môi trường lao động. Ngoài ra, từ năm 2004, Nhà nước hợp nhất thanh tra vệ sinh an toàn lao động của Bộ Y tế với các bộ phận thanh tra khác của Bộ LĐTB&XH, nên "lãnh địa” này không mấy được các nhà chức trách quan tâm.

Theo Báo Đại đoàn kết