Quốc hội thảo luận Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)

26/05/2014 08:20 AM


Sáng nay 22/5, trong ngày làm việc thứ 3 kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật BHYT (sửa đổi). Ý kiến các đại biểu đều tập trung về quy định bắt buộc người dân tham gia BHYT để đạt mục tiêu BHYT toàn dân.


Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tập trung vào một số nội dung quan trọng, đó là sửa đổi các quy định về bắt buộc tham gia BHYT; về quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình; về quản lý, phân bổ sử dụng và xử lý kết dư, bội chi Quỹ bảo hiểm y tế; về quy định giảm mức cùng chi trả đối với thân nhân người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; về thanh toán khám chữa bệnh BHYT với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Theo các đại biểu, đây là sự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhưng qua thực tế tổ chức triển khai thực hiện cho thấy còn nhiều quy định vướng mắc, bất cập. Nhất trí với Luật BHYT sửa đổi quy định bắt buộc mọi người tham gia BHYT, các đại biểu cho rằng, qua thực tế triển khai Luật BHYT cho thấy, mặc dù trong Luật đã quy định cụ thể các đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT nhưng việc tuân thủ pháp luật của các đối tượng này chưa cao. Để thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân thì cần phải quy định bắt buộc tham gia đối với tất cả các đối tượng, Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT, cũng như cơ chế chính sách về giá dịch vụ y tế để thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT.

Các Đại biểu cũng đề nghị các cơ sở y tế cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thủ tục hành chính, cần quy định trong bệnh viện chỉ có một danh mục thuốc, vật tư tiêu hao thống nhất để người bệnh dù thuộc đối tượng nào cũng được chăm sóc sức khỏe như nhau.

Luật sửa đổi lần này cũng quy định, nâng mức hưởng BHYT của người nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn Luật BHYT quy định được hưởng 95% chi phí KCB nay dự thảo mới nâng lên 100%; thân nhân liệt sĩ từ 80% lên 100%; người thuộc hộ gia đình cận nghèo, thân nhân người có công khác từ 80% lên mức 95%. Người tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí KCB khi có thời gian tham gia liên tục 5 năm và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở(trừ dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn và thuốc ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục. Đồng thời, quy định thanh toán cho các trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến với tỷ lệ chi trả 20% đối với tuyến trung ương, 50% đối với tuyến tỉnh và 70% đối với tuyến huyện. Do quyền lợi hưởng ngày càng mở rộng, với mô hình bệnh tật ngày càng đa dạng, các đại biểu lo ngại hành vi trục lợi Quỹ BHYT ngày càng tinh vi nhưng công cụ kiểm soát chi phí còn thiếu là một thách thức đối với công tác giám định và quản lý sử dụng Quỹ BHYT.../.

Nguồn TC BHXH