ILO: Việt Nam cần có biện pháp bảo vệ lao động di cư tìm việc làm

26/05/2014 07:42 AM


Theo Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), trong số 105 triệu lao động di cư toàn thế giới có khoảng 30 triệu lao động từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó có khoảng 14 triệu lao động di cư từ các nước ASEAN và 6 triệu lao động di cư tới làm việc tại Malaysia, Thái Lan, Singapore và Brunei.


Số người di cư tìm việc làm sẽ tăng trong những thập kỷ tới do các thay đổi về cơ cấu dân số và chênh lệch lớn về thu nhập bình quân đầu người và lương. Bên cạnh đó, việc hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015 cho phép lao động nội khối có tay nghề cao tự do di chuyển có thể, sẽ đóng góp thêm cho xu hướng này. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Quý I/2014, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 2,3 vạn người, mỗi năm gửi về quê hương gần 2 tỉ USD. Bộ LĐTB&XH phối hợp với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR) tổ chức Hội thảo khu vực về thúc đẩy dịch vụ xã hội cho phụ nữ di cư. Đây là hoạt động bên lề của Lễ thành lập mạng lưới doanh nghiệp nữ ASEAN (AWEN). Tại hội thảo, các chuyên gia đều nhận định, phụ nữ di cư thường không dễ tiếp cận các hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và những người làm việc trong các khu vực có tay nghề thấp.

Ngoài ra, vẫn còn khoảng cách về các chính sách, pháp luật bảo vệ lao động di cư giữa các nước trong khu vực. Phụ nữ di cư có thể có nguy cơ rơi vào tình trạng không có quốc tịch trong nhiều tình huống khác nhau. Chính phủ Việt Nam đã tích cực hợp tác với chính phủ các nước nhận lao động để bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam làm việc ở các nước này. Ngoài ra, Việt Nam cũng là thành viên tích cực của Ủy ban ASEAN về thực hiện Tuyên bố ASEAN bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư. Đặc biệt, Luật Quốc tịch của Việt Nam đã được sửa đổi nhằm hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi về quốc tịch và công dân cho phụ nữ lấy chồng nước ngoài, tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao hiểu biết, phòng tránh rủi ro cho người di cư trong nước và nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thanh Hòa nhận định, nhiều lao động di cư vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sinh hoạt và điều kiện lao động, một số trường hợp bị lạm dụng về thể chất, tình dục, bị giữ lương và bóc lột sức lao động. Lao động di cư còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và tiếp cận sự hỗ trợ về pháp lý. Đáng lưu ý, một bộ phận lao động ý thức tổ chức kém, vi phạm hợp đồng, pháp luật nước sở tại, bỏ việc ra ngoài làm, hết hạn hợp đồng không về nước, trộm cắp tài sản, nấu rượu lậu... ảnh hưởng đến cơ hội đi làm việc nước ngoài của nhiều người khác, làm xấu hình ảnh lao động Việt Nam. Đại diện của ILO cho rằng, Việt Nam hiện có lực lượng lao động dồi dào, trẻ, cần cù, việc đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài là một trong những chiến lược quốc gia. Di cư lao động quốc tế là một "hiện tượng không thể tránh khỏi" trong xu hướng toàn cầu hóa, các tổ chức công đoàn, với vai trò một tổ chức đấu tranh cho công bằng xã hội và quyền con người, cần tiến hành các biện pháp tích cực nhất nhằm đảm bảo di cư an toàn và bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Theo NLĐO