Trình Quốc hội xem xét Dự án Luật BHXH (sửa đổi)

28/05/2014 08:50 AM


Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIII, chiều ngày 26/5/2014, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật BHXH (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật BHXH (sửa đổi) của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.


Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: qua 06 năm thực hiện Luật BHXH đối tượng tham gia BHXH tăng (năm 2006 có 6,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, đến nay đã có hơn 10,6 triệu người, tăng gần 1,6 lần; năm 2008 có 6.110 người tham gia BHXH tự nguyện, đến nay đã có 156.000 người tham gia); các chế độ BHXH đã được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật, góp phần ổn định đời sống của người lao động...Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH còn chậm, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ). Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh...

Để khắc phục được những hạn chế, bất cập, đồng thời thể chế hóa được các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách BHXH, việc sửa đổi Luật BHXH hiện hành là cần thiết, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới, đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, bảo đảm An sinh xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị trên cơ sở quán triệt những quan điểm: Tiếp tục thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước (thể hiện trong Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 15-NQ/TW; Kết luận số 63-KL/TW, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, Nghị quyết số 21-NQ/TW); Hoàn thiện hệ thống BHXH đa dạng và linh hoạt; mở rộng đối tượng tham gia BHXH; Hoàn thiện các chế độ chính sách, bảo đảm sự bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng BHXH...

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) (gồm có 09 chương và 125 điều) bỏ 01 chương về bảo hiểm thất nghiệp; gộp Chương VIII về khiếu nại, tố cáo về BHXH và Chương IX về khen thưởng và xử lý vi phạm thành một chương về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHXH, gộp một số điều, bổ sung một số điều cho phù hợp, thuận tiện trong quá trình tổ chức thực hiện

Cụ thể, Chương I (Những quy định chung) gồm có 16 điều. So với Luật hiện hành,chương này có một số điểm mới như: quy định không áp dụng đối với bảo hiểm thất nghiệp (Điều 1); Luật hóa một số nhóm đối tượng như: học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương (điểm e, h khoản 1 Điều 2); bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 01 đến dưới 03 tháng được giao kết bằng văn bản (sẽ được thực hiện từ ngày 01/01/2018); mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia (khoản 4 Điều 2)...

Chương II (Quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức BHXH)gồm có 06 điều (từ Điều 17 đến Điều 22). Một số nội dung sửa đổi, bổ sung của chương này gồm: bổ sung quyền người lao động được hưởng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi và nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày; được người sử dụng lao động và tổ chức BHXH định kỳ cung cấp thông tin về quá trình đóng BHXH. Về quyền của tổ chức BHXH: bổ sung quyền được thanh tra chuyên ngành về chính sách BHXH khi Thanh tra LĐ-TB&XH ủy quyền (khoản 3 Điều 21)...

Chương III (BHXH bắt buộc) gồm có 05 mục, 48 điều (từ Điều 23 đến Điều 70) sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ ốm đau; chế độ thai sản; chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.

Chương IV (BHXH tự nguyện) gồm có 2 mục, 11 điều (từ Điều 71 đến Điều 81) sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.

Chương V (Quỹ BHXH) gồm 11 điều (từ điều 82 đến điều 92) sửa đổi, bổ sung quy định nguồn hình thành, các nội dung chi quỹ BHXH, các hình thức đầu tư quỹ và chi phí quản lý BHXH.

Chương VI (Tổ chức BHXH) gồm 03 điều (từ điều 93 đến điều 95) quy định tổ chức BHXH, Hội đồng quản lý BHXH. So với quy định hiện hành thì nội dung chương này về cơ bản không có thay đổi lớn, chủ yếu là cụ thể hóa các quy định tại các văn bản hướng dẫn.

Chương VII. Thủ tục thực hiện BHXH gồm 23 điều (từ điều 96 đến điều 118) quy định về thủ tục tham gia BHXH, cấp sổ BHXH, hưởng các chế độ BHXH.

Chương VIII (Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHXH) gồm 04 điều (từ điều 119 đến điều 122) quy định về khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về BHXH. Nội dung chương này được thiết kế trên cơ sở gộp Chương VIII về khiếu nại, tố cáo về BHXH và Chương IX về khen thưởng và xử lý vi phạm thành một chương về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm vềBHXH của Luật BHXH năm 2006, đồng thời bỏ Điều 133 về khen thưởng. Ngoài ra, nội dung chương này có một số điểm mới như: sửa đổi quy định về việc phạt đối với số tiền chưa đóng, chậm đóng bằng 02 lần lãi suất liên ngân hàng (khoản 3 Điều 122)...

Chương IX. Điều khoản thi hành gồm 03 điều (từ điều 123 đến điều 125) quy định về quy định chuyển tiếp, hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật BHXH; nhấn mạnh việc sửa đổi Luật BHXH cần quan tâm đến mục tiêu bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn diện bao phủ BHXH, có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, điều chỉnh công thức tính lương hưu và cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ BHXH theo hướng bảo đảm tuân thủ nguyên tắc đóng – hưởng và khả năng cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho ý kiến đánh giá về các nội dung cụ thể liên quan đến chế độ bảo hiểm hưu trí (mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện; giải quyết chế độ BHXH một lần; về điều kiện hưởng lương hưu; điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng; mức đóng, mức hưởng và tính hấp dẫn của BHXH tư nguyện); Vấn đề đảm bảo an toàn, cân đối Quỹ BHXH, Hội đồng Quản lý BHXH, chi phí quản lý BHXH; Về các chế độ BHXH ngắn hạn.

Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, dự kiến các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) tại tổ vào sáng ngày 29/05, thảo luận tại hội trường vào sáng ngày 17/06./.

Nguồn TC BHXH