Chính sách giảm nghèo: Cần quan tâm hơn đến nghèo đa chiều

22/04/2014 01:36 AM


Đối với Việt Nam, công tác giảm nghèo không chỉ quan tâm tới nghèo về tài sản, nghèo về thu nhập, mà còn phải quan tâm đến nghèo đa chiều.


Chuẩn nghèo là thước đo, là tiêu chí để xác định đối tượng nghèo hay không nghèo, trên thế giới hiện đang áp dụng các hình thức chuẩn nghèo như sau:

- Chuẩn nghèo dựa vào thu nhập hay chi tiêu, được qui đổi thành tiền, xuất phát từ quan niệm là để thỏa mãn các nhu cầu cơ bản tối thiểu, mỗi người cần phải có một khoản thu nhập/chi tiêu ở mức độ tối thiểu để thỏa mãn các nhu cầu đó. Chuẩn nghèo dựa vào thu nhập/chi tiêu được nhiều quốc gia sử dụng, trong đó có Việt Nam, nhằm làm cơ sở xác định đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp của nhà nước;

- Chuẩn nghèo quy ra 1USD hoặc 2 USD (theo sức mua tương đương) là cách Ngân hàng thế giới đưa ra nhằm để so sánh mức độ nghèo đói giữa các quốc gia, đây không phải chuẩn nghèo các quốc gia sử dụng để hoạch định chính sách giảm nghèo;

- Chuẩn nghèo đa chiều, là tiêu chí đo lường sự thiếu hụt các nhu cầu cơ bản của mỗi con người, phụ thuộc vào điều kiện phát triển cụ thể của mỗi quốc gia, trong từng giai đoạn nhất định.

Hiện nay, khái niệm nghèo đa chiều đang được các tổ chức quốc tế như UNDP, WB sử dụng để giám sát, đo lượng sự thay đổi về mức độ tiếp cận nhu cầu cơ bản giữa các quốc gia, thông qua các chỉ số HDI (thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ) hay hiện nay là chi số MPI (chỉ số nghèo đa chiều); Chỉ số nghèo đa chiều đánh giá được một loạt các yếu tố quyết định hay những thiếu thốn, túng quẫn ở cấp độ gia đình: từ giáo dục đến những tác động về sức khỏe, đến tài sản và các dịch vụ. Theo OPHI và UNDP, những chỉ số này cung cấp đẩy đủ hơn bức tranh về sự nghèo khổ sâu sắc so với các thang đo về thu nhập giản đơn. Thang đo này biểu lộ cả tính tự nhiên và quy mô của sự nghèo khổ ở các cấp độ khác nhau: từ cấp độ gia đình đến cấp độ khu vực, cấp độ quốc gia và cấp độ quốc tế. Cách tiếp cận đa chiều mới trong việc đánh giá mức độ nghèo khổ được điều chỉnh để sử dụng ở cấp quốc gia ở Mexico và hiện nay đang được xem xét áp dụng ở Chile, Colombia.

Vì sao cần thay đổi cách tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều?

Việc sử dụng chuẩn nghèo (dựa vào thu nhập/chi tiêu) kéo dài trong một thời gian dài (từ năm 1993 đến nay) không còn phù hợp, bộc lộ nhiều hạn chế như bỏ sót đối tượng, độ bao phủ chưa cao, thiếu công bằng trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo, chưa đánh giá, đo lường mức độ chuyển biến về tiếp cận các nhu cầu xã hội cơ bản của người dân. Tiếp cận đo lường nghèo đa chiều nhằm mục đích đánh giá một cách toàn diện hơn kết quả giảm nghèo của cả nước cũng như từng địa phương, làm cơ sở để ban hành các chính sách giảm nghèo phù hợp cho từng nhóm đối tượng, cũng như phân bổ ngân sách hợp lý, hiệu quả hơn. Xu hướng đo lường nghèo đa chiều đã được nhiều quốc gia trên thế giới từng bước áp dụng (khoảng 20 nước), và được UNDP, WB khuyến cáo các quốc gia nên sử dụng thay vì đo lường nghèo đơn chiều. Chủ trương này cũng đã được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững đồng ý (tại công văn số 7125/VPCP-KGVX ngày 26/8/2013 của Văn phòng Chính phủ), đồng ý giao cho Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đói ở Việt nam từ đơn chiều sang đa chiều, báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Việt Nam sẽ tiến tới áp dụng đo lường nghèo đa chiều như thế nào?

Trước hết, cần khẳng định, Việt Nam đã thực hiện các chính sách giảm nghèo theo hướng đa chiều từ nhiều năm nay, các chính sách giảm nghèo cơ bản đã bao phủ được mọi mặt đời sống của người nghèo, được thể hiện qua các nhóm chính sách hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, điều kiện và môi trường sống, trợ giúp thông tin...; công việc sắp tới cần tiến hành là nghiên cứu, xây dựng phương pháp đo lường nghèo đa chiều ở Việt nam sau năm 2015, làm cơ sở giám sát nghèo đói, xác định đối tượng, hoạch định chính sách giảm nghèo và giám sát đánh giá. Cơ sở để xây dựng đo lường nghèo đa chiều dựa vào các quyền cơ bản của con người được quy định trong Hiến pháp, nhất là quyền được bảo đảm về an sinh xã hội; dựa trên cơ sở Nghị quyết 15-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, đáp ứng các nhu cầu tối thiểu về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở và thông tin. Các bước và nội dung tiến hành bao gồm:

Xác định các chiều thiếu hụt và chỉ số đo lường thiếu hụt, công việc này được tiến hành dựa trên cở sở quyền được bảo đảm về an sinh xã hội và các nhu cầu tối thiểu được thể hiện trong Nghị quyết 15-NQ/TW, việc lựa chọn đúng các chiều và chỉ số sẽ hết sức quan trọng, nhằm giám sát được sự thay đổi về mức độ tiếp cận các nhu cầu cơ bản qua từng năm; tuy nhiên, việc xác định các chiều, chỉ số phụ thuộc vào dữ liệu sẵn có thông qua số liệu điều tra mức sống hộ gia đình do Tổng cục Thống kê thực hiện, công việc này chỉ có ý nghĩa đo lường xấp quốc gia, phân tích những yếu tố làm tăng/giảm tỷ lệ thiếu hụt theo các chiều, và phải được bổ sung thêm các chỉ tiêu điều tra để có thêm thông tin và dữ liệu phân tích. Công việc này về tương lai sẽ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện để làm cơ sở so sánh quốc tế;

Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều dựa trên cơ sở việc xác định mức độ các chiều thiếu hụt (tùy theo khả năng và mức độ đáp ứng ngân sách); xây dựng chuẩn mức sống tối thiểu, chuẩn nghèo lương thực thực phẩm (mức sống cùng cực) để phân loại đối tượng. Như vậy, người nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều sẽ được hiểu là người có thu nhập bình quân đầu người dưới mức sống tối thiểu (hoặc mức sống cùng cực) và thiếu hụt ít nhất từ X chiều trở lên. Để xác định chuẩn nghèo đa chiều, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Tổng cục Thống kê, các bên liên quan tiến hành nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành. Xây dựng phương án, công cụ điều tra, xác định đối tượng nghèo đa chiều, công việc này do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tập huấn, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện; tổng hợp kết quả điều tra, phân loại đối tượng.

Trên cơ sở kết quả điều tra nghèo đa chiều, đề xuất chính sách giảm nghèo theo hướng: Đối với nhóm đối tượng có thu nhập dưới mức sống tối thiểu và thiếu hụt ít nhất từ 1 chiều trở lên (giả định), sẽ áp dụng một số chính sách về an sinh xã hội như y tế, giáo dục và chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi, tạo việc làm, tạo thu nhập; đối với nhóm đối tượng có thu nhập dưới mức sống cùng cực và thiếu hụt từ X chiều trở lên (tập trung vào nhóm dân tộc thiểu số), ngoài các chính sách nêu trên, sẽ ban ban hành các chính sách đặc thù để trợ giúp; đối với nhóm đối tượng có thu nhập cao hơn chuẩn mức sống tối thiểu nhưng thiếu hụt ít nhất từ 1 chiều trở lên, sẽ hỗ trợ để tiếp cận để bù đắp chiều thiếu hụt; việc hỗ trợ và mức độ tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách và định hướng phổ cập để giải quyết; đối với nhóm đối tượng tiếp cận đầy đủ các chiều nhưng thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu (thất nghiệp tạm thời) sẽ sử dụng chính sách hỗ trợ tiếp cận thị trường để trợ giúp như BHTN, đào tạo lại); đối với nhóm đối tượng có thu nhập trên mức sống tối thiểu và tiếp cận đầy đủ các chiều, sẽ sử dụng chính sách kinh tế vĩ mô để tác động, không thuộc đối tượng giảm nghèo và an sinh xã hội.

Xây dựng các công cụ để giám sát, đánh giá chính sách, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ chính sách không hiệu quả. Việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều trước hết phải tạo được sự đồng thuận về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội; cần xây dựng được lộ trình thực hiện cụ thể, đồng thời không làm xáo trộn hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành, không làm tăng ngân sách, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả trong thực hiện tiến trình giảm nghèo thời gian tới.

Một vài số liệu tham khảo

- Thu nhập bình quân đầu người tính theo giá thực tế của năm 2012 đạt xấp xỉ 2 triệu đồng/tháng, tăng 44,2% so với năm 2010, tăng bình quân 20,1%/năm trong giai đoạn 2010 - 2012.

- Thu nhập của hộ gia đình năm 2012 có cơ cấu là 46,2% từ tiền công, tiền lương; 19,8% từ nông, lâm nghiệp - thủy sản; 17,3% từ dịch vụ; 4,8% từ công nghiệp - xây dựng; 11,9% từ các nguồn khác.

- Chênh lệch giữa thu nhập và chi tiêu bình quân đầu người/tháng năm 2012 đạt 397.000 đồng, bằng 19,8% thu nhập.

- Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đã giảm liên tục qua các năm (từ 18,1% năm 2004 xuống 15,5% trong năm 2006, xuống 13,4% năm 2008, còn 14,2% năm 2010 và 11,1% năm 2012).

- Thu nhập bình quân đầu người/tháng ở khu vực thành thị đạt 3 triệu đồng, cao gấp gần 2 lần con số tương ứng (1,6 triệu đồng) ở khu vực nông thôn.

- Thu nhập bình quân đầu người/tháng ở vùng Đông Nam Bộ (vùng cao nhất) cao gấp gần 2,5 lần con số tương ứng của vùng trung du và miền núi phía Bắc (thấp nhất).

- Nếu chia hộ dân cư thành 5 nhóm theo thu nhập bình quân đầu người/tháng, thì thu nhập của nhóm hộ giàu nhất (4,8 triệu đồng) cao gấp 9,4 lần thu nhập của nhóm nghèo nhất (512.000 đồng).

Theo HNMO, PL&XH