Gia đình trẻ chật vật vì thất nghiệp

22/04/2014 01:32 AM


Nhiều gia đình trẻ ở TPHCM đang lâm vào cảnh chật vật khi chồng hoặc vợ thất nghiệp mà đời sống thì đắt đỏ. Những gia đình cả 2 vợ chồng cùng thất nghiệp, tình cảnh càng khốn khó hơn.


H. và vợ cùng tốt nghiệp ĐH KHXH&NV cách đây 6 năm. Sau khi tốt nghiệp, H. làm nhân viên truyền thông của 1 công ty lớn, còn vợ H. làm nhân viên thu ngân ở siêu thị. Ngày vợ H. có thai, thấy vợ vất vả, H. quyết định cho vợ nghỉ sớm để sinh con và nuôi con lớn hẳn mới đi làm. Khi đứa con được 18 tháng thì công ty H. gặp khó khăn, phải giảm lương nhân viên. Lâu nay lương của H. cũng chỉ đủ chi tiêu gói gém cho gia đình nhỏ của mình, nay lương giảm gần một nữa thì cuộc sống bắt đầu chật vật. H. than: "Tiền nhà, điện nước, xăng xe và tiền sữa cho con bình thường đã chiếm 50% lương của em. Nay lương giảm 30% thì chi tiêu hàng tháng của 2 vợ chồng chẳng còn lại bao nhiêu. Lâu nay một mình em nuôi cả nhà nên cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu để gắng qua giai đoạn khó khăn này. Vợ em tính đi làm lại để đỡ đần em một tí mà tìm việc gần 6 tháng này vẫn chưa có, nộp bao nhiêu hồ sơ mà chẳng thấy ai gọi hỏi han gì!".

Hoàn cảnh gia đình chị L. còn khó khăn hơn khi chị tốt nghiệp đại học đã hơn 5 năm nhưng chưa có công việc ổn định. Chị đã kết hôn nhưng chồng chị mất việc hơn 1 năm nay chưa tìm được việc khác. Sự việc càng tệ hơn khi cách đây 6 tháng, cơ quan chị quyết định tinh giản nhân sự trong văn phòng và chị nằm trong nhóm "được" lựa chọn đầu tiên: "Cứ mỗi lần em nhắc chồng đi tìm việc là chồng giận, tìm cớ bỏ về nhà bố mẹ. Còn em thì gửi thư xin việc suốt 6 tháng nay mà chẳng thấy có cơ hội gì hết. tiền nhà, tiền nước mấy tháng nay đều trông chờ vào số tiền tiết kiệm được từ lúc hai vợ chồng còn đi làm. Giờ tiền cũng đã hết, trong đầu em suốt ngày cứ quay cuồng tiền và việc làm. Em thật sự nản quá!".

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), trong tổng số ứng viên tìm việc trong quý I/2014 thì chỉ có 20% người là lực lượng mới gia nhập thị trường lao động, chưa có kinh nghiệm làm việc. 80% số người còn lại đều có kinh nghiệm từ 1 năm trở lên, tức là họ đã từng trải qua 1 hoặc nhiều công việc trước đó rồi vì thất nghiệp hay chuyển chỗ làm mà phải đi tìm công việc mới. Điểm đáng chú ý là 60% lực lượng tìm việc trong quý I/2014 đều là những người có 1 - 5 năm kinh nghiệm làm việc, tức là những người trẻ trong độ tuổi từ 24 - 30. Một tỷ lệ rất lớn trong nhóm nhân lực này đều đã có gia đình và mang gánh nặng chi tiêu cho cuộc sống gia đình. Nhiều hồ sơ xin việc là phụ nữ có con nhỏ tìm việc lại sau thời gian nghỉ chăm con.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Falmi, trong quý II/2014, thị trường lao động TPHCM cần đến 75.000 chỗ làm việc. Trong đó, 35% nhu cầu lao động phổ thông, 38% nhu cầu lao động có trình độ sơ cấp đến trung cấp, nhu cầu lao động có trình độ cao đẳng, lao động có trình độ đại học và trên đại học là 27%. Tuy nhiên, cơ hội giải quyết việc làm cho số lao động thất nghiệp trước đây là rất nhỏ. Bởi quý II/2014 cũng được Falmi dự báo là sẽ tăng thêm 40% lượng người tìm việc so với quý I/2014. Nguyên nhân là do một lượng lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp và thu hút nhân lực từ các tỉnh thành phố khác. Bên cạnh đó tình trạng dịch chuyển nơi làm việc cũng là một phần nguyên nhân làm tăng nhu cầu tìm việc.

Có tổng cộng... 6 bằng cử nhân, thạc sỹ loại giỏi, hai vợ chồng vẫn thất nghiệp

Hai vợ chồng Minh - Hồng với 2 tấm bằng thạc sỹ loại giỏi chuyên ngành lý luận văn học (Đại học Khoa học Huế), 4 bằng cửa nhân, ngoại ngữ thành thạo đã xin việc nhiều nơi nhưng chưa đâu nhận. Năm 2008, Minh tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Huế chuyên ngành Hán Nôm. Gần 2 năm rong ruổi xin việc khắp trong Nam ngoài Bắc nhưng không nhận được tin tức nào từ nhà tuyển dụng Minh hoang mang vì bị thất nghiệp. Ước mơ của Minh tốt nghiệp sẽ xin được một công việc đi làm phụ giúp bố mẹ đã nuôi mình ăn học nhưng không thành. Minh quyết định học văn bằng 2 tiếng Anh (Trường ĐH Ngoại ngữ Huế): “Ban đầu đi xin việc, cầm tấm bằng cử nhân Hán Nôm đến đâu cũng lắc đầu. Nhiều cơ quan tuyển dụng còn không hiểu bằng Hán Nôm là học cái gì ra. Tôi xác định, với tấm bằng Hán Nôm mà xin việc sẽ rất khó khăn, tôi đã quyết định học thêm văn bằng hai tiếng Anh. Tôi hi vọng học tiếng Anh đang thông dụng nên ra trường sẽ dễ xin việc hơn”. Cầm tấm bàng cử nhân Hán Nôm và Anh Văn, Minh đã gõ cửa nhiều cơ quan vẫn nhận được điệp khúc “không có chỉ tiêu; tuyển được rồi”. Học lên thạc sĩ được Minh lựa chọn như là một “lối thoát” trong ước mơ xin việc. Thế là, dù cầm trên tay tấm bằng thạc sỹ loại giỏi nhưng Minh vẫn phải đi bưng bê trong một nhà hàng ở Huế.

Vợ Minh tên là Hồng, đến từ mảnh đất hiếu học Thanh Hóa cũng có hoàn cảnh tương tự giống như chồng. Ngày vào đại học, Hồng trở thành niềm tự hào cho gia đình, nhưng ra trường mấy năm không xin được việc Hồng cảm thấy tự ti. Hoàn cảnh khó khăn, nhưng cha mẹ Hồng cũng quyết nuôi con ăn học. Hồng học xong văn bằng 2 và thạc sỹ, Hồng có tổng cộng 2 bằng cử nhân Văn học, Ngoại ngữ và một tấm bằng thạc sỹ Văn học. Hồng Kể: “Hai vợ chồng tôi, với từng ấy bằng cấp, cộng thêm anh Minh còn biết thêm hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Trung, còn tôi là con thương binh, nhưng đến nay chưa nơi nào nhận”. Hành trình vừa xin việc, vừa học của hai vợ chồng trẻ, tính đến nay đã hết năm thứ 5 rồi. Minh và Hồng đã gửi chưa biết bao nhiêu hồ sơ nhưng vẫn bất thành. Minh chia sẻ một câu chuyên vui nhưng có thật, giờ đi lên chính quyền xã xin công chứng hồ sơ, mấy bác trong xã vẫn hỏi “đến giờ chưa xin được việc cháu ơi?”. Lo cho cuộc sống hằng ngày của hai vợ chồng và cũng để có chi phí xin việc, Minh đã xin đi làm bưng bê cho nhà hàng. Môi tháng, nhà hàng trả cho Minh hai triệu đồng. Giờ đây, hai vợ chồng Minh và Hồng đã khăn gói lên Gia Lai tham gia kỳ xét tuyển giáo viên. Minh nói: “Tìm hiểu trên mạng, tôi thấy Sở Giáo dục đang tuyển giáo viên. Hai vợ chồng vội vay mượn được ít tiền lên để nộp hồ sơ. Giờ xin việc mãi các tỉnh đồng bằng không được, hai vợ chồng quyết lên Tây Nguyên xem thử thử tình hình có đổi khác không”. Hành trình xin việc mới của hai vợ chồng trẻ có 2 bằng thạc sỹ, 4 bằng cử nhân, thông thạo 2 ngoại ngữ lại bắt đầu. Chúng tôi cũng chúc và hi vọng cho Minh và Hồng may mắn trong dịp tuyển giáo viên Gia Lai lần này.

Theo DTO, PNO