Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật BHXH sửa đổi

21/04/2014 09:52 AM


Nằm trong chương trình phiên họp thứ 27, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển nội dung, chiều ngày 18/4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Hai vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các đại biểu tại phiên họp là đảm bảo tính bền vững dài hạn của Quỹ BHXH và quy định chức năng thanh tra về BHXH.


Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tờ trình dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Tờ trình nêu rõ sự cần thiết phải sửa đổi Luật BHXH hiện hành. Cụ thể, hiện số người tham gia BHXH còn thấp (chiếm khoảng 20% lực lượng lao động); việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH đang gặp khó khăn, đặc biệt là mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ). Một số quy định trong Luật BHXH hiện hành không còn phù hợp với thực tế, bộc lộ những hạn chế, bất cập trong quy định về BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư tăng trưởng Quỹ BHXH chưa đạt hiệu quả cao, do hình thức đầu tư được quy định trong luật chưa đa dạng; quy định về chi phí quản lý của tổ chức BHXH chưa phù hợp; quy định về thủ tục, hồ sơ tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH chưa  thuận tiện. Luật BHXH chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý nhà nước về BHXH; Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần.

Dự thảo Luật BHXH gồm 09 Chương và 125 Điều, đã sửa đổi khắc phục những điểm hạn chế, kế thừa ưu điểm của Luật BHXH; bỏ 01 chương về bảo hiểm thất nghiệp; gộp Chương VIII về khiếu nại, tố cáo về BHXH và Chương IX về khen thưởng và xử lý vi phạm thành một chương về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHXH; gộp một số điều, bổ sung một số điều cho phù hợp, thuận tiện trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tại phiên họp, đa số các ý kiến tham gia thảo luận đều khẳng định tính cấp thiết phải sửa đổi Luật BHXH; nhiều nội dung sửa đổi cũng nhận được sự đồng tình của các đại biểu.

Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm tại phiên họp đó chính là quy định chức năng thanh tra, xử phạt vi phạt Luật BHXH. Dự thảo Luật BHXH quy định cơ quan BHXH có quyền thanh tra chuyên ngành khi có sự ủy quyền của Thanh tra LĐ-TB&XH. Thường vụ Quốc hội nhìn chung đều thừa nhận trong quá trình thực hiện Luật BHXH, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH còn diễn ra khá phổ biến. Cơ quan BHXH đã tích cực tiến hành kiểm tra nhưng không có chức năng thanh tra, xử phạt nên không đạt được hiệu quả. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ: BHXH Việt Nam cần thiết phải có công cụ thanh tra bởi cơ quan này được giao quản lý thu chi số tiền rất lớn. Đây cũng là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý khi cho rằng BHXH Việt Nam dù không phải là cơ quan quản lý Nhà nước, không hẳn là đơn vị sự nghiệp, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện có nhiều vấn đề nếu không có thanh tra sẽ không khắc phục được những tồn tại. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị phải trao cho BHXH một công cụ để thanh tra, kiểm tra, không cần biết là đơn vị sự nghiệp hay cơ quan quản lý nhà nước hay là một định chế tài chính. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng BHXH Việt Nam có làm một số nhiệm vụ thu và chi nhưng không phải là đơn vị sự nghiệp chỉ thu chi để tự nuôi sống bộ máy, đó là một đơn vị tay dài của cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện chính sách, do vậy cần có tổng kết đánh giá về hoạt động và tính chất của tổ chức BHXH để có những tính toán phù hợp cho chức năng thanh tra chuyên ngành.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh: Theo thống kê của của Bộ LĐ-TB&XH khoảng 16 triệu lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; trong đó còn khoảng 05 triệu lao động chưa được tham gia BHXH theo đúng quy định pháp luật. Báo cáo của Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, hiện có khoảng 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng có khoảng 50% doanh nghiệp không thực hiện đóng BHXH cho người lao động. Nợ đọng BHXH thường ở mức 4-5% tổng số phải thu. Thực trạng đó khiến Ngành BHXH đang phải chịu áp lực rất lớn, nhất là phải đạt mục tiêu 50% người lao động tham gia BHXH vào năm 2020. Nếu BHXH Việt Nam không được thực hiện chức năng thanh tra, xử phạt thì sẽ rất khó trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bên cạnh quy định chức năng thanh tra trong lĩnh vực BHXH, vấn đề đảm bảo tính cân đối dài hạn của Quỹ BHXH cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp. Các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại về sự bền vững của Quỹ BHXH trong tương lai.Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần tính tới khả năng cân bằng thu chi trong tương lai khi mà dự báo độ tuổi dân số vàng chỉ còn một giai đoạn ngắn. Chúng ta sắp bước vào giai đoạn đất nước chưa giàu mà dân số đã già, rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Việc đảm bảo an toàn Quỹ BHXH có ý nghĩa cả về mặt kinh tế, xã hội và chính trị.

Để ngăn ngừa khả năng mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất, nhiều ý kiến đồng tình với việc phải điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian đóng BHXH, nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động lên cao hơn so với quy định hiện hành. Tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện đang thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; thời gian đóng BHXH ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu dài do tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng tăng lên.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cũng không đồng tình với việc dự thảo Luật BHXH quy định mức chi phí quản lý BHXH tối đa không quá 3% tổng số thu. Ôngkhẳng định tư duy về mặt ngân sách rất dị ứng với tỷ lệ “cứng” như vậy. Việc quy định tỷ lệ phần trăm cần tùy thuộc vào từng giai đoạn, từng thời kỳ.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định tính cấp thiết phải sửa đổi Luật BHXH. Việc sửa đổi Luật BHXH phù hợp với quan điểm của Đảng về An sinh xã hội, cụ thể hóa Hiến pháp 2012 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thực tiễn. Ban soạn thảo Luật BHXH sửa đổi phải tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu trong phiên họp. Trong đó chú trọng vào các nội dung chủ yếu: quy định cụ thể về chế độ BHXH bắt buộc, chú ý đến vấn đề tăng mức đóng, thời gian đóng; cân nhắc lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đảm bảo tính bền vững của Quỹ BHXH. Về thẩm quyền thanh tra, xử lý vi phạm cần tiếp tục nghiên cứu nhưng nên quy định theo hướng mở, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện, qua đó đảm bảo quyền lợi cho người lao động hiệu quả hơn.

Nguồn TC BHXH