Những định hướng sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo thời gian tới

17/04/2014 07:02 AM


Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 08/04/2014 về truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững về định hướng sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo thời gian tới.


Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, việc có nhiều chính sách giảm nghèo trong thời gian qua là một thực tế do chúng ta luôn mong muốn có thêm nhiều chính sách để hỗ trợ người nghèo, các chính sách được bổ sung trong nhiều năm, do đó không tránh khỏi tình trạng tản mạn, có sự trùng lắp, một số không còn phù hợp với thực tiễn hoặc lạc hậu do chậm được sửa đổi. Vì vậy, cần rà soát, gom lại thành hệ thống để dễ bao quát và tổ chức thực hiện, thuận lợi cho cơ quan quản lý và người dân theo dõi, vận dụng. Sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo là một quá trình, vì vậy cần tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội; cần có lộ trình và tiến độ thực hiện hợp lý, không cầu toàn, thực hiện từ thấp đến cao, không làm gián đoạn các chính sách giảm nghèo hiện hành. Nếu phát hiện có sự chồng chéo về chính sách cần đề xuất bãi bõ hoặc điều chỉnh lại cho phù hợp. Việc thay đổi hẳn phương thức thực hiện chính sách giảm nghèo là vấn đề lớn, lâu dài, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thực hiện sau năm 2015.

Về nguyên tắc, việc rà soát, sửa đổi các chính sách bảo đảm không làm xáo trộn hệ thống chính sách nghèo hiện hành, cơ bản theo lĩnh vực, lấy mục tiêu giảm nghèo làm trung tâm, trong đó có phân loại đối tượng theo thứ tự ưu tiên: đối tượng hộ nghèo dân tộc thiểu số rất ít người đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ nghèo chung, hộ cận nghèo; từng bước phân định rõ đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo. Bên cạnh đó, việc sửa đổi chính sách giảm nghèo cần tính toán đến khả năng cân đối ngân sách từ nay đến năm 2015. Vì vậy, trước mắt thực hiện việc sửa đổi các chính sách quá bất hợp lý để bảo đảm sự công bằng, minh bạch; gom lại các chính sách theo tính hệ thống, nhất là giảm bớt các thủ tục hành chính; việc bổ sung, ban hành mới chính sách cần có lộ trình, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

Về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện các chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nghiên cứu thí điểm cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình ở các địa phương có điều kiện, làm cơ sở để sau năm 2015 Bộ Tài chính nghiên cứu tổng kết, sửa đổi Nghị định số 78/2002/NĐ-CP theo hướng tiếp tục phát huy các chính sách tín dụng có hiệu quả, tích hợp các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện hành thành chính sách cho vay tín dụng ưu đãi lấy đối tượng hộ gia đình làm trung tâm, xây dựng hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình, quy định mục đích và nội dung vay vốn để hộ gia đình lựa chọn các nhu cầu ưu tiên để vay vốn. Đối với các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo trên địa bàn các huyện theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, điều chỉnh hạ lãi suất và nâng mức cho vay đối với hộ nghèo và cận nghèo, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất, trình Chính phủ xem xét.

Về chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo đối với học sinh nghèo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2123/QĐ-TTg, ngày 22/11/2010 phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với dân tộc ít người giai đoạn 2010 - 2015 theo hướng mở rộng chính sách cho 16 dân tộc ít người và điều kiện thụ hưởng là người dân tộc ít người theo quy định hiện hành. Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính nghiên cứu, trình ban hành chính sách quy định vị trí việc làm đặc thù cho các trường phổ thông dân tộc bán trú, trong đó có vị trí nhân viên cấp dưỡng theo định suất 01người/ 30 học sinh có ăn bán trú tại trường.

Về chính sách hỗ trợ sản xuất đối với hộ nghèo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì rà soát các chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số hiện hành; đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ sản xuất chung đối với hộ nghèo sau năm 2015, trong đó có các mức hỗ trợ ưu tiên cho hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; trước mắt tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ hiện hành theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính... thực hiện trách nhiệm trợ giúp pháp lý cho người nghèo; chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; chính sách hỗ trợ chuyển giao khoa học, kỹ thuật; chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, chính sách giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng...

Về chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách hỗ trợ tiền điện cho tất cả hộ nghèo theo chuẩn quốc gia trên phạm vi cả nước theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ; đề xuất bãi bỏ chính sách hỗ trợ dầu thắp sáng đối với hộ dân tộc thiểu số ở những nơi chưa có điện lưới.

Phê duyệt danh sách 2.331 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của chương trình 135

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 08/04/2014 về điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của chương trình 135 năm 2014-2015. Theo đó, phê duyệt danh sách 2.331 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014-2015. Việc hỗ trợ đầu tư được thực hiện như sau: Ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư 2.295 xã của 44 tỉnh; ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư 36 xã của TP. Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điều chỉnh, bổ sung danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Cụ thể, đưa ra ngoài danh sách 02 thị trấn, 01 phường, 01 xã không thuộc diện đầu tư của Chương trình 135, gồm Thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên; thị trấn Long Bình, huyện An Phú và phường Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang; Xã Xuân Nha, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Điều chỉnh tên và đơn vị hành chính của các tỉnh Thái Nguyên (xã Hương Sơn, huyện Phú Bình sửa lại là xã Kha Sơn, huyện Phú Bình); Tỉnh Sơn La (các xã Chiềng Xuân, Chiềng Yên, Liên Hòa, Mường Men, Mường Tè, Quang Minh, Song Khủa, Suối Bàng, Tân Xuân, Tô Múa, thuộc huyện Mộc Châu giờ sửa lại là thuộc huyện Vân Hồ); Tỉnh Tây Ninh (xã Hòa Thạch, huyện Châu Thành sửa lại là xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành); Tỉnh An Giang (xã Vĩnh Phương sửa lại là xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu); Tỉnh Sóc Trăng (xã An Hiêp sửa lại là xã An Hiệp, huyện Châu Thành); Tỉnh Đồng Tháp (các xã Tân Hội, Bình Thạnh, huyện Hồng Ngự sửa lại là thị xã Hồng Ngự); Tỉnh Long An (xã Khánh Hưng huyện Mộc Hóa sửa lại là huyện Vĩnh Hưng).

Điều chỉnh tổng số xã, tỉnh Sơn La từ 106 sửa lại là 102; tỉnh Thanh Hóa từ 118 sửa lại là 114; tỉnh An Giang từ 18 sửa lại là 17; tỉnh Kiên Giang 10 sửa lại là 9.

Theo ĐCSVN