Thực tiễn chi quản lý bộ máy BHXH trên thế giới - Cơ sở khoa học tham khảo, vận dụng cho Việt Nam

11/06/2014 02:19 AM


Một trong các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản trị hệ thống Quỹ BHXH là chi phí bộ máy. Thông thường chi phí bộ máy được sử dụng vào các mục đích chi trả lương và các khoản khác như đào tạo, tập huấn, thông tin truyên truyền, hỗ trợ thu, chi trả cho người tham gia bảo hiểm, hỗ trợ thực hiện đầu tư, lưu trữ hồ sơ cá nhân… cũng như các công tác hành chính khác.

Bài học tại các nước có hệ thống BHXH đang phát triển như Argentina, Bolovia, Hungary, Séc, Ba Lan, Thụy Điển, Mexico… cho thấy, việc quy định đủ chi phí quản lý là rất quan trọng. Nếu trần chi phí quản lý quá cao sẽ có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia, ngược lại, nếu quá thấp sẽ làm cho các quỹ mất động cơ duy trì chất lượng dịch vụ, thậm chí mất lòng tin vào Chính phủ.  Phí quản lý của hầu hết các quốc gia đều dựa chủ yếu trên 02 yếu tố, đó là tỷ lệ trên số thu hoặc tỷ lệ trên tổng tài sản và tỷ suất lợi nhuận từ kết quả đầu tư, nhằm tăng cường trách nhiệm, động cơ hoạt động đầu tư của các Quỹ BHXH. Trong cơ cấu chi phí bộ máy, phần chi cho con người chiếm tỷ trọng quan trọng, phụ thuộc chủ yếu vào số lượng nhân sự làm việc của hệ thống. Hiện không có một quy tắc hay nguyên tắc định biên nào có thể áp dụng chung cho mọi quốc gia, các quỹ BHXH. Số lượng nhân sự cũng ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của người tham gia. Tham khảo tỷ lệ cán bộ BHXH/1.000 người tham gia BHXH ở một vài quốc gia, sẽ phần nào cho thấy quy mô nhân sự mà các cơ quan BHXH tuyển dụng nhằm đáp ứng nhiệm vụ. Ví dụ, trong tài liệu Pensions in the Philippines: Challenges and waysforward của tác giả Carmelo Mesa-Lago, Verna Dinah Q. Viajar, Rolly Czar Joseph Castillo, Philippines là nước có tỷ lệ cán bộ BHXH/1.000 đối tượng thấp nhất trong 05 nước nghiên cứu (Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines), với tỷ lệ cán bộ bảo hiểm của quỹ quản lý công chức là 2,1/1.000 đối tượng (GSISS) và 0,57 cán bộ trên 1.000 đối tượng phục vụ khác. Tại Nam Phi, năm 2009, tỷ lệ cán bộ BHXH/1.000 đối tượng là 1/866, trung bình 01 nhân viên phụ trách 51 doanh nghiệp, chưa bao gồm hệ thống nhân viên làm công tác BHXH tại các doanh nghiệp (từ 01 -04 người/doanh nghiệp). Còn tại Việt Nam, số lượng cán bộ của toàn Ngành BHXH hiện có khoảng 20.500 người, trong khi đối tượng phục vụ BHXH, BHYT là 62.501.341 người (tính đến tháng 11/2013), tỷ lệ khoảng 0,3 cán bộ/1.000 đối tượng. Đó là chưa đề cập đến yếu tố cơ cấu tiền lương và đặc điểm địa lý đất nước (thông thường các Quỹ BHXH trên thế giới là 60% của tổng chi bộ máy). Có thể nói, với tỷ lệ 0,3 cán bộ/1.000 đối tượng cho thấy, cán bộ BHXH Việt Nam đang phải chịu áp lực rất lớn về khối lượng công việc phải hoàn thành.

Như trên đã đề cập, một yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng, uy tín của cơ quan BHXH là hệ thống cơ sở vật chất và vận hành của bộ máy. Thông thường Quỹ BHXH hình thành trên cơ sở đóng góp của các chủ thể như người lao động, chủ sử dụng lao động và Nhà nước. Cơ chế duy trì, vận hành bộ máy dựa trên tỷ lệ phần trăm trích từ số đóng hàng năm, người tham gia vào Quỹ BHXH hoặc trên giá trị tổng tài sản mà cơ quan BHXH đang quản lý. Chi phí bộ máy phụ thuộc vào mô hình tổ chức, hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ, số lượng người tham gia (tính kinh tế nhờ quy mô)…; có sự khác biệt rất lớn giữa các quỹ trong cùng một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau nhưng không phụ thuộc vào thời gian hoạt động của quỹ (nhiều năm hay ít năm). Hiệu quả quản lý có thể đưa đến sự khác biệt tới 20% lương hưu ở những quỹ hoạt động hiệu quả so với quỹ quản lý kém (Jacob Bikker, 2013). Một nghiên cứu lớn tại 21 quốc gia cũng cho thấy, quốc gia nào cho nhiều cơ quan thực hiện BHXH tham gia vào lĩnh vực này sẽ đẩy chi phí quản lý lên cao, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, chứ không phải cơ chế cạnh tranh làm giảm chi phí quản lý bộ máy.

Mô hình quỹ hưu trí cũng có tác động đến chi phí bộ máy. Trong tài liệu Operating costs of pension schemes, tác giả J.A.Bikker - J.de Dreu, khi so sánh 05 quỹ hưu trí tại Hà Lan cho thấy, mức chi phí trung bình Quỹ BHXH là 4,4% tổng thu hay 0,15% tổng giá trị tổng tài sản của công ty, trong khi mức này ở các công ty bảo hiểm nhân thọ là 12,9% và 1,27% . Tại tài liệu so sánh chi phí quản lý của 20 nước, quỹ hưu trí gồm 11 nước Nam Mỹ, 08 nước châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel theo phương thức trả một lần khi về hưu (DB), mức phí quản lý trung bình là 8,12% (cao nhất là 17,7% và thấp nhấp là 2,21%). Một nghiên cứu khác năm 2009 cho thấy chi phí quản lý tại Chile năm 2007 lên đến 36%, trong khi tại Singapore chỉ là 6,5%. Phần lớn các nước ở Trung và Đông Âu đều đưa vào luật, ví dụ như Bulgary không quá 5% tổng thu hàng năm; Hungary 4,5% (năm 2007) và 6% (năm 2008); Ba Lan 7%. Luật Philippines ghi rõ phí quản lý không vượt quá 12% tổng thu. Các nước Mỹ La tinh quy định ngoài trần quỹ quản lý theo tỷ lệ phần trăm số thu còn thu thêm lệ phí thu. Ví dụ, tại Argentina không quá 1% tiền lương của người lao động; Costarica không quá 4% tiền lương; Elsanvado 3% tiền lương; Bulgary 0,25% tiền lương; Hungary 0,44% và Ba Lan 0,4% tiền lương của các cá nhân nhằm đảm bảo công tác hành chính của quỹ. Trong tài liệu tác động của quy mô, sự phức tạp của công việc và chất lượng dịch vụ lên chi phí quản lý của nhóm tác giả Jacob Bikker, Onno Steenbeek, Federico Torracchi, cho thấy khi đối tượng tăng gấp đôi thì chi phí quản lý tăng thêm 76%, hay nói cách khác, khi số đối tượng cần quản lý tăng thêm 100% thì chi phí quản lý cần để vận hành bộ máy tăng 176%. Đây là một con số khá lớn, có thể khác xa với con số của chúng ta vẫn hình dung khi xây dựng kế hoạch mở rộng và phát triển đối tượng.

Quỹ BHYT thường được quản lý riêng và thường có tỷ lệ phần trăm cao hơn so với quỹ hưu trí. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2010, chi phí bộ máy Quỹ BHYT do Nhà nước quản lý trung bình khoảng từ 11- 12% so với tổng chi trả cho cơ sở khám, chữa bệnh trong năm (thấp nhất 6,2% và cao nhất khoảng 23%). Chi phí bộ máy quản lý Quỹ BHYT thường cao gấp 03 lần so với các quỹ bảo hiểm hưu trí vì đây là các quỹ ngắn hạn, thanh quyết toán trong năm, hoạt động nghiệp vụ khá phức tạp. Ngoài ra, chi phí quản lý của các Quỹ BHYT còn phụ thuộc vào phương thức thanh toán với cơ sở khám, chữa bệnh và các quy định khác như đồng chi trả, gói dịch vụ được hưởng… Một phần lớn chi phí quản lý ở các Quỹ BHYT thường dành cho công tác giám sát chất lượng dịch vụ y tế, thẩm định chi phí, làm cơ sở cho việc thanh toán giữa cơ quan bảo hiểm và cơ sở khám chữa bệnh. Trước đây, riêng chi phí quản lý bộ máy của BHYT Việt Nam (khi chưa chuyển giao vào hệ thống BHXH) theo quy định của Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 15/08/1998 của Chính phủ ban hành Điều lệ BHYT đã là 8,5% của tổng thu từ người tham gia BHYT. Còn BHXH Việt Nam, một tổ chức thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện 02 chính sách trụ cột của hệ thống An sinh xã hội, là BHXH, BHYT. Mô hình kết hợp BHXH, BHYT vào một tổ chức thực hiện có nhiều tiện ích nhưng cũng gia tăng tính phức tạp trong việc vận hành và quản trị hệ thống. Chi phí quản lý bộ máy cần đáp ứng đầy đủ mới đảm bảo đạt được mục tiêu BHYT toàn dân và BHXH cho mọi người lao động. Hơn nữa, việc tính toán chi phí bộ máy cho BHXH Việt Nam còn cần tính đến yếu tố chi phí để mở rộng đối tượng, đặc biệt là đối tượng BHXH tự nguyện. Thực tế cho thấy, việc vận động, quản lý đối tượng BHXH tự nguyện không có nhiều khác biệt so với quản lý một đầu đơn vị doanh nghiệp, do nhóm đối tượng này có sự biến động và thay đổi việc làm liên tục (thời gian có việc làm, nơi làm việc). Tiến tới mục tiêu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2020, là một thách thức vô cùng lớn, đòi hỏi việc tổ chức mạng lưới thu, vận động tuyên truyền hết sức rộng lớn, tốn kém và các hoạt động nghiệp vụ khó khăn, phức tạp khác.

Khái niệm quản trị dịch vụ công ở hầu hết các nước đã chuyển từ quản lý, chi trả theo quá trình sang quản lý theo kết quả thực hiện (performance based payment), nhằm đảm bảo hiệu quả, sự năng động, tự chủ của các cơ quan bảo hiểm, sự cạnh tranh bình đẳng trong việc chi trả lương giữa khu vực công - khu vực tư, đang là một xu thế có tính toàn cầu hóa. Một cơ chế quản lý dịch vụ công theo quy trình như mô hình quản lý hành chính của các cơ quan nhà nước ở Việt Nam chắc chắn không còn phù hợp với các đơn vị mà kết quả thực hiện có thể lượng hóa, được đo lường, được đánh giá được một cách cụ thể. Do đó, cơ chế chuyển đổi, xác định chi phí bộ máy phù hợp dựa trên kết quả hoạt động với trần tối đa là một đòi hỏi tất yếu khách quan cần được khẳng định trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi./.

Tài liệu tham khảo

1. DNB Working Paper No. 376 / April 2013. Jacob Bikker. Is there an optimal pension fundsize? A scale-economy analysis of administrative and investment costs.

2. Comparison of Costs + Fees in Countries with  Private Defi ned Contribution Pension Systems.

3. Tác động của quy mô, sự phức tạp của công việc và chất lượng dịch vụ lên chi phí quản lý, nhóm tác giả Jacob Bikker, Onno Steenbeek, Federico Torracchi, 2013.

4. Paper No. 67, COMPARING PENSION  SCHEMES IN CHILE, SINGAPORE, BRAZIL AND  SOUTH AFRICA, Armando Barrientos, University of Manchester, May 2002.

5. NATIONAL PENSION STUDY, Pension Scheme Administration – A South African context, results from a 2009 study, Anton Davies, 12 October 2010.

6. FEES IN INDIVIDUAL ACCOUNT PENSION SYSTEMS: A CROSS-COUNTRY COMPARISON, Waldo Tapia and Juan Yermo, September 2008.

7. WHO, 2010, Administrative costs  of health insurance schemes:  Exploring the reasons for their variability, DISCUSSION PAPER NUMBER 8 – 2010.

8. Ulas MOĞULTAY, 2006, Making Performance Pay More Successful in Public Sector.

Nguồn TC BHXH