Cải thiện quan hệ lao động: Bắt đầu từ ý thức của chủ doanh nghiệp

26/05/2014 02:05 AM


Trong 3 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm xảy ra hơn 500 cuộc đình công, trong đó số cuộc đình công xảy ra tại các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ khá lớn (67%). Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, mối quan hệ giữa chủ lao động và người lao động đã có nhiều cải thiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên, rất cần phải cải thiện mối quan hệ này hơn nữa.


Các doanh nghiệp cần quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người lao động Ảnh: Hoàng Long

Mất quyền lợi, tranh chấp là tất yếu

Nêu ra nguyên nhân gây nên vấn đề tranh chấp lao động và đình công thời gian qua, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, chủ yếu do DN chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động, như thực hiện không đúng quy định về hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thiếu minh bạch về chế độ tiền lương đối với người lao động… Bên cạnh đó, còn một bộ phận người lao động nhận thức pháp luật còn hạn chế, ý thức tổ chức kỷ luật chưa nghiêm. Còn có những DN chưa coi trọng việc đối thoại, thương lượng, thỏa thuận với người lao động. Ngoài ra, vấn đề bất đồng ngôn ngữ cũng ảnh hưởng đến quan hệ lao động.

Đi sâu vào mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến các vụ tranh chấp lao động, đình công, phần lớn giới chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân chính gây nên bức xúc cho người lao động chính là việc chủ DN thực hiện không đúng quy định về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động… Đây là một thực tế đã diễn ra lâu nay. Theo phản ảnh của nhiều người lao động, tổng thu nhập của người lao động không được DN đóng bảo hiểm mà DN chỉ đóng đúng phần lương tối thiểu, như vậy là rất thiệt thòi cho người lao động. Như vậy, có thể thấy trong mối quan hệ giữa chủ DN và người lao động vẫn còn hàng loạt những điểm nghẽn cần phải tháo gỡ.

Những sự vụ xảy ra ở các KCN, KCX tại Bình Dương, Đồng Nai… những ngày qua, một phần do người lao động thiếu hiểu biết, nghe theo lời xúi giục của một bộ phận phần tử xấu, song cũng cho thấy thực tế rằng, mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động chưa thực sự được hài hòa, còn nhiều mâu thuẫn mới dẫn đến thực trạng vừa qua.

Khi chủ DN đặt quyền lợi của mình lên trên

Mặc dù vậy, nếu so với thời điểm trước đây, số vụ đình công, tranh chấp lao động cũng đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Số liệu thống kê của Bộ LĐTB&XH cho biết, số cuộc đình công các năm đã giảm dần. Năm 2012 số vụ giảm 42,6% so với năm 2011, năm 2013 giảm 30% so với năm 2012. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho hay, phần lớn tranh chấp lao động và đình công chỉ xảy ra ở các DN có quy mô vừa và nhỏ, số lao động tham gia đình công không lớn. Hầu hết các cuộc đình công được giải quyết trong thời gian từ 1-2 ngày, không có tình trạng kéo dài.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia trong ngành, tuy số vụ đình công có giảm, song con số hơn 500 cuộc đình công xảy ra mỗi năm cũng vẫn là một con số đáng suy ngẫm. Bởi vậy, việc tăng thiết chế, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa không chỉ tránh gây thiệt hại về kinh tế cho DN mà còn giúp DN hoạt động ổn định cũng như tạo sự hứng khởi cho người lao động làm việc, như vậy cả DN cũng phát triển mà quyền lợi của người lao động cũng luôn được bảo đảm.

Nhấn mạnh về yêu cầu phải nâng cao hơn nữa mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, phía Chính phủ cũng đang tạo cơ chế chính sách để huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, công trình văn hóa, thể thao, nhà ở… để cải thiện nhu cầu ăn ở, tái sản xuất sức lao động của người lao động. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là việc trốn đóng bảo hiểm xã hội của nhiều DN gây nên bức xúc rất lớn cho người lao động. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cuộc đình công. Bởi vậy, Bộ trưởng đề nghị: "Các chủ DN cũng là con người, chủ DN lo bảo vệ quyền lợi của mình thì cũng nên nghĩ đến việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động”.

Theo Báo Đại đoàn kết