Y dược chờ vốn FDI

05/03/2013 08:34 AM


Trong quý I/2013, nếu dự kiến của một số nhà đầu tư nước ngoài đưa ra trước đó được thực hiện đúng, khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận sẽ có thêm ít nhất hai dự án bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, nghĩa là chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc quý I/2013, khả năng các kỳ vọng này được thực hiện rất thấp.


Việt Nam còn thiếu rất nhiều bệnh viện chất lượng cao. Ảnh: Đức Thanh

Một là, Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội được cấp phép đầu tư năm 1997 với quy mô 300 giường sẽ được khánh thành. Cũng phải nói thêm rằng, thời điểm dự kiến khánh thành vào quý I/2013 (được công bố chính thức trên trang web của Dự án) đã rất chậm so với dự kiến trước đó mà chủ đầu tư đưa ra là tháng 11/2011.

Hai là, lễ khởi công Dự án Bệnh viện quốc tế Đại An Việt Nam - Canada tại Hải Dương, với quy mô 200 giường, tổng vốn đầu tư đăng ký giai đoạn I khoảng 160 triệu USD.

Trả lời phỏng vấn trên Báo Đầu tư giữa năm ngoái, ông Marc Kealey, Tổng giám đốc Tập đoàn Triple Eye Infrastructure (Canada), chủ đầu tư đã chia sẻ hy vọng về lộ trình hoàn tất mọi thủ tục trong năm 2012 để khởi công Dự án vào quý I/2013.

Theo ông Marc Kealey, đây là lĩnh vực đầu tư có nhiều lợi nhuận. “Việt Nam còn thiếu rất nhiều bệnh viện chất lượng cao. Theo tính toán của chúng tôi, thì người Việt Nam đã phải chi tới 5 tỷ USD để ra nước ngoài chữa bệnh. Chỉ cần thu hút được khoảng 1-2% trong số này thì đã rất thành công”, ông Marc Kealey phân tích.

Có thể đây là nguyên do thúc đẩy sự sốt sắng của ông Marc Kealey khi muốn nhanh chóng khởi công dự án trên, với sự hỗ trợ của đối tác phía Việt Nam là Công ty cổ phần Đại An. Trước đó, ông Rick Evans, Chủ tịch Columbia Asia Group, chủ đầu tư một bệnh viện ở Bình Dương, một bệnh viện và một phòng khám ở TP.HCM khi phân tích về cơ hội đầu tư vào lĩnh vực y tế của Việt Nam cũng đã nhắc tới mức tăng đáng kể, tới 80-85% bệnh nhân người Việt trong các bệnh viện của ông, thay vì tỷ lệ 20% vào năm 2001, thời điểm bắt đầu mở cửa bệnh viện đầu tiên.

“Mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng kéo theo nhu cầu y tế tăng theo. Cộng với tỷ lệ sinh ở Việt Nam đang có xu hướng giảm, dân số già hoá tăng thì rõ ràng, đầu tư vào y tế ở Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn”, ông Rick Evans chia sẻ quan điểm.

Tuy vậy, không phải mọi kế hoạch đều hoàn tất như mong muốn. Cho tới thời điểm này, những thông tin từ phía đối tác Việt Nam là Công ty cổ phần Đại An cho biết, việc hoàn tất các thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Bệnh viện quốc tế Đại An Việt Nam - Canada có thể hoàn thành vào tháng 4/2013.

“Trong tháng 4, Triple Eye Infrastructure sẽ sang Việt Nam để bàn chi tiết về kế hoạch khởi công. Mặc dù vậy, điều chắc chắn là Dự án sẽ được khởi công trong năm 2013, với quy mô và tổng vốn đầu tư không thay đổi”, vị đại diện này cho biết và cũng khẳng định, sự chậm trễ trong hoàn tất hồ sơ xin giấy chứng nhận đầu tư do khách quan và nhà đầu tư Canada đang nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội này.

Ngược với sự háo hức của nhà đầu tư Canada, đại diện chủ đầu tư Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội tỏ ra khá mệt mỏi khi cho biết, nhanh nhất thì cũng phải 1 năm nữa Dự án mới có thể đi vào hoạt động và không chia sẻ lý do.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chủ đầu tư dự án này vừa có công văn xin miễn tiền thuê đất theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP theo chính sách khuyến khích xã hội hoá với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá… Theo đó, chủ đầu tư là Công ty Keystone Development Management S.A muốn được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho Dự án.

Với tiến độ của 2 dự án được nhắc tới khá nhiều trong năm 2012 nêu trên, báo cáo về tình hình đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực y tế mà Bộ Y tế công bố cuối năm ngoái là 6 dự án 100% vốn nước ngoài đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 94 triệu USD sau hàng chục năm thu hút đầu tư, vẫn chưa thể thay đổi nhiều.

Có thể thực tế trên cũng khiến Tập đoàn Mercatus Capital Pte Ltd sẽ phải dự liệu thêm về những khó khăn mà họ đã tính khi khảo sát thị trường Việt Nam vào năm 2012. Khi đó, trao đổi với báo giới, ông Ravidran Govindan, Chủ tịch Công ty Mercatus lo là hệ thống pháp luật chưa rõ ràng, đặc biệt là việc thực thi các chính sách ưu tiên, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này tại địa phương chưa thống nhất.

Cũng phải nói thêm, các dự án kêu gọi vốn FDI vào ngành dược phẩm, nhất là sản xuất hoá dược làm nguyên liệu cho sản xuất thuốc ở Việt Nam, các dự án sản xuất thuốc mới có dạng bào chế đặc biệt, dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học... vẫn chưa có được lời đáp. Trong thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về các dự án y dược thì chưa có bất cứ dự án FDI nào vào lĩnh vực này, dù Việt Nam được đánh giá là một trong 4 vùng có sự đa dạng sinh học phong phú nhất trên thế giới.

Theo Báo Đầu tư