Loay hoay bài toán nhân lực - việc làm

05/03/2013 08:10 AM


(SGGP) - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo việc làm ổn định đã được đặt ra từ nhiều năm qua, thế nhưng cho đến nay vẫn là đề tài nóng khi TPHCM đang phải đối mặt với nhiều bất cập trên thị trường lao động, nhất là trong thời điểm kinh tế chưa vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự.


Lao động thất nghiệp đang đăng ký hưởng trợ cấp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM.

Thiếu kết nối

Theo đề án phát triển nhân lực đến năm 2020, TPHCM sẽ ưu tiên phát triển nhân lực những ngành có hàm lượng công nghệ cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ trọng điểm (tài chính - tín dụng - ngân hàng, giáo dục, du lịch, y tế - chăm sóc sức khỏe, thị trường bất động sản, thị trường công nghệ, thương mại quốc tế, dịch vụ cảng - kho bãi, logistic và bưu chính viễn thông) và 4 ngành công nghiệp chủ lực (cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; điện tử và công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; hóa chất - hóa dược và mỹ phẩm).

Tuy nhiên, thị trường lao động lại đang tồn tại nhiều nghịch lý đã đẩy người lao động vào tình trạng thất nghiệp, kể cả những lao động đã được đào tạo. Nguyên nhân lao động thất nghiệp còn ở chỗ người học ra trường vẫn chưa định hướng đúng về nghề nghiệp và việc làm. Một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Đặc biệt, ngoại ngữ và kỹ năng là những yêu cầu rất thiết thực từ phía nhà tuyển dụng nhưng rất đông sinh viên chưa đáp ứng được. Đó là chưa kể một số ngành hiện nay đang khủng hoảng thừa như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán…

“Trong một thời gian dài, nguồn nhân lực của TPHCM phát triển một cách tự phát, thiếu định hướng, thiếu sự kết nối giữa đào tạo và sử dụng dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu nguồn nhân lực: Một lực lượng lớn lao động không thể tìm kiếm việc làm; trong khi đó, các doanh nghiệp lại luôn trong tình trạng thiếu lao động đúng với yêu cầu sản xuất kinh doanh của họ” - một chuyên về gia nhân sự phân tích.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) cho biết, có khoảng 80% sinh viên, học viên ra trường tìm được việc làm, 20% còn lại tìm việc rất khó khăn. Khảo sát của Falmi cho thấy, khoảng 60% học sinh chọn sai ngành học; 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học, việc sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc vẫn còn khá phổ biến.

“Hiện nay hầu hết các trường chỉ đào tạo, không cần biết nhân lực từng ngành nghề thừa thiếu ra sao và cũng không biết trách nhiệm thuộc về ai. Do hướng nghiệp không tốt dẫn đến hiện tượng đa số học sinh không có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên khi rớt đại học đã chọn đại một ngành, một trường để học. Ngành thị trường lao động đang thừa thì đổ xô, chen nhau vào học; ngành xã hội đang cần lại thiếu người học. Điều này tạo gánh nặng cho xã hội, vừa mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng trên thị trường lao động vừa gây lãng phí nguồn nhân lực” - ông Trần Anh Tuấn băn khoăn.

Cần giải pháp căn cơ

Thực trạng đã rõ, giải pháp khắc phục thế nào? Theo ông Trần Anh Tuấn, ngành giáo dục cần sắp xếp lại hệ thống các trường đào tạo cho rõ ràng. Hàng năm các doanh nghiệp phải báo với cơ quan nguồn nhân lực nhu cầu lao động họ cần. Trong công tác đào tạo, cần có sự tham gia của doanh nghiệp. Ngoài ra, cần chú trọng nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực đối với những ngành nghề chủ lực của thành phố. Cân đối chỉ tiêu đào tạo tổng thể và chỉ tiêu đào tạo của từng trường gắn kết nhu cầu thực tế của xã hội. Hạn chế đào tạo tự phát, không đảm bảo chất lượng gây tình trạng thiếu thừa lao động và gia tăng thất nghiệp. Bên cạnh đó, để giải quyết tốt bài toán cung - cầu lao động cần giải quyết vấn đề giá nhân công, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Còn ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐTB-XH) cho rằng, để khắc phục sự “lệch pha” trong đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực khan thì doanh nghiệp và nhà trường phải bắt tay tương hỗ lẫn nhau. Doanh nghiệp tạo điều kiện để sinh viên đến thực tập, thực hành nghề, nhà trường đào tạo nghề doanh nghiệp cần thay vì đào tạo những nghề mình có. Muốn có sản phẩm nhân lực đáp ứng các tiêu chí tuyển dụng, doanh nghiệp phải chủ động đặt hàng nhà trường với những thông số cụ thể như ngành nghề, số lượng, trình độ, kỹ năng, tính cách, tác phong… Thế nhưng, để thực hiện được các giải pháp trên, quả thật không dễ dàng chút nào.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên tuyển dụng nhân sự đặt vấn đề, hàng năm họ đều nhận được báo cáo TPHCM năm nay giải quyết được 270.000 việc làm nhưng khi hỏi con số thực tế là thêm bao nhiêu lao động có việc làm và việc làm đó có ổn định hay không, hay chỉ là việc làm thời vụ thì khó có câu trả lời. Bởi theo con số từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM năm 2012, số người được đóng BHXH tăng 1,7% (khoảng 28.000 người) trong khi số người thất nghiệp hưởng trợ cấp 115.743 người (tăng 31%). Hơn nữa, TPHCM ước tính trên 5 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng chỉ mới 1/3 người lao động tham gia BHXH cũng đặt ra câu hỏi về chính sách an sinh xã hội cho người lao động.