Sau Tết, mùa “giáp hạt” của công nhân

28/02/2013 03:00 AM


(NLĐO) - Đi làm kiếm tiền nhưng nhiều CNLĐ hằng tháng vẫn phải nhận “trợ cấp” là gạo, thực phẩm từ gia đình ở quê. Những ngày làm việc sau kỳ nghỉ tết càng khó khăn hơn đối với CNLĐ xa nhà khi tiền đã tiêu trước tết, còn lương vẫn chưa được lĩnh.

 


Một khu nhà trọ của công nhân tại Đà Nẵng (ảnh minh họa)

TPHCM: Thực phẩm đắt, giá nhà trọ “dọa” tăng

Tại phòng trọ trên đường Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TPHCM, chị Hà - CN may KCN Tân Bình - bận rộn xếp gạo, cá khô vừa mang từ Thanh Hóa vào. Dù được nghỉ tết qua rằm tháng giêng vì Cty ít đơn hàng, nhưng chị Hà vẫn vào sớm để tìm công việc mới. Chị cho biết: “Nghỉ tết không lương thì chỉ có hít khí trời, uống nước lã, tôi phải mang lương thực từ quê vào để cầm cự. Ăn nhịn để dành một chút cũng chẳng sao”. Bạn cùng phòng trọ với chị Hà cho hay: “Mang lương thực từ quê vào như chị Hà là lựa chọn thông minh, bởi giá cả sau tết cái gì cũng tăng, từ nhà trọ, điện, nước, bó rau... Không mang gạo, cá khô vào thì chỉ có nhịn ăn thôi chị à”.

Đi phiên chợ đầu tiên sau tết, chị Vân - CN Cty Freetrend, KCX Linh Trung, Q.Thủ Đức - thấy chóng mặt vì giá cả tăng nhiều sau tết. Chị liệt kê: “Trứng tăng 1.000 đồng/quả, rau muống 3.000 đồng/bó giờ lên 5.000 đồng, đậu phụ thay vì 10.000 đồng/3 miếng như trước đây thì bây giờ chỉ được 2 miếng, cơm bụi quán nào cũng tăng ít nhất 3.000 đồng/đĩa. Kiểu này thì không biết sống sao khi mà sau tết lương của bọn em chưa có, để dành được bao nhiêu tết đã tiêu sạch”.

Về đến nhà trọ, CN lại phải đối mặt với giá phòng trọ, điện, nước đang “dọa tăng”. Một CN cho biết: “Vừa đi làm được 2 ngày, bà chủ nhà trọ đã thông báo phòng trọ sẽ tăng từ 700.000 đồng/tháng lên 900.000 đồng/tháng. Bà chủ còn bảo, lẽ ra tăng từ tháng 1, nhưng chủ nhà đợi sau tăng lương cơ bản mới tăng giá phòng trọ- coi như lì xì đầu năm”. Như vậy chỉ riêng phòng trọ, chi phí sinh hoạt mỗi tháng của CN phải đội thêm từ 200.000 đến 400.000 đồng, chưa kể rau, cá thịt cũng đang tăng ào ào.

Tại tỉnh Đồng Nai, năm nay do kinh tế khó khăn, lượng CN về quê ăn tết ít nên từ ngày mùng 2 tết, nhiều khu chợ phục vụ công nhân đã nhộn nhịp. Chị Trần Thị Liên - công nhân KCN Song Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) - cho biết: “Đầu năm tôi có đến các chợ lớn, nhưng giá cả cao nên quay về chợ gần KCN vì chợ này phục vụ CN nên có hàng giá rẻ”.

Chị Phạm Thị Nhị (P.Long Bình, TP. Biên Hòa) đã chi tiêu hết số tiền tiết kiệm trong những ngày về quê Nghệ An đón tết, nên bây giờ phải chi tiêu dè sẻn. Chị Nhị cho biết: “Chưa có lương nên chị không dám mua thực phẩm tươi sống mà chủ yếu mua thịt heo, trứng vì giá không tăng, còn rau xanh bây giờ cũng tăng lên 1.000 - 5.000 đồng/1kg nên cũng phải ăn ít lại. Cố gắng tiết kiệm trong 1 - 2 tháng đầu tiên”.

Hà Nội: Thực phẩm không đắt, bữa ăn vẫn giảm

Ngày 10/3 mới là ngày nhiều Cty ở KCN Thăng Long (Hà Nội) trả lương cho CN. Chiều 17.2, chị Đào Thị Dung (quê Phú Thọ) đi phiên chợ đầu tiên sau kỳ nghỉ tết. Hàng cá là nơi chị Dung dừng chân đầu tiên. Nhưng sau một hồi mặc cả, đắn đo, chị Dung chép miệng: “Thôi, con cá bằng hơn tuần mua rau”. Khoản tiền chị Dung cầm không cho phép bữa cơm tối có nồi canh cá, đây được coi là món ăn “xa xỉ” trong lúc này không chỉ với chị Dung mà với nhiều CN khác.

Dọc các khu chợ “cóc” ở thôn Bầu, xã Kim Chung, mặt hàng bán chạy nhất là rau xanh, đậu phụ. Một tiểu thương cho biết, sau tết rau xanh không tăng giá quá nhiều như những năm trước nên vẫn được các CN chấp nhận. Bữa cơm chiều đó của chị Dung và bạn cùng phòng trọ có canh rau cải trắng, lạc rang và đĩa trứng rán. Món ăn được coi là “sang trọng” nhất mâm được chế biến bằng trứng gà mà bạn cùng phòng chị Dung mang từ quê lên. Liếc nhìn rổ trứng, Dung nhẩm tính còn chừng 7 ngày nữa chưa phải lo đến món thịt, cá. Chị Dung bảo: “Từ giờ đến khi được nhận lương, chúng em chỉ còn hơn 500.000 đồng. Đừng nói đến thịt, cá, việc mua rau gì, ăn mấy bìa đậu bây giờ cũng phải tính anh ạ”.

Vừa trở lại Hà Nội, khoản lớn nhất hai chị em chị Nguyễn Thị Trang (quê Hưng Yên) phải chi tiêu là 600.000 đồng tiền nhà trọ. Theo quy định thuê trọ, ngày mùng 10 đầu tháng phải đóng tiền cho chủ nhà; nhưng ngày 8.2 CN đã về quê ăn tết nên chủ nhà trọ để đến sau tết đóng. Vậy là ngân sách chi tiêu tháng này của hai chị em chị Trang lại vơi đi đáng kể, trong khi khoản tiền lương tháng trước và thưởng tết đã dùng để chi tiêu ở gia đình từ trước tết. Chị Trang cho biết: “Cty em đến ngày 10/3 mới trả lương của tháng 2. Từ nay đến lúc có tiền lương phải chắt bóp chi tiêu mới đủ sống anh ạ”. Dù đã đi làm kiếm tiền, nhưng hằng tháng hai chị em Trang vẫn phải nhận gạo, thực phẩm và có khi là cả rau xanh từ quê gửi lên qua xe khách.

May mắn hơn các đồng nghiệp phía nam đang phải đối mặt với việc tăng giá phòng trọ, nhiều CN thuê trọ ở khu vực xã Kim Chung (huyện Đông Anh) vừa được chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng. Do nhiều nhà trọ đang “ế phòng” nên chủ nhà trọ giảm giá 50.000 đồng/phòng/tháng để thu hút CN, nhưng hiện vẫn còn nhiều phòng để trống.