Xu hướng tuyển dụng lao động năm 2013 nhìn từ chuyển động quý I

28/02/2013 09:46 AM


(SGTT) - Sau Tết Nguyên đán thường là thời điểm các doanh nghiệp lo lắng về chuyện thiếu hụt lao động do nhảy việc để tìm kiếm mức lương cao hơn và chậm trở lại nhà máy. Tuy nhiên, khó khăn kinh tế từ cuối năm trước đã khiến chuyện như vậy không còn xảy ra trong đầu năm nay.


Việc chăm lo tới đời sống của người lao động trước Tết giúp doanh nghiệp tránh được thiếu hụt lao động sau Tết (Ảnh: Cửa hàng phục vụ giá ưu đãi cho công nhân của công ty Taekwang Vina Industrial)

Trở lại công ty để làm việc sau thời gian nghỉ tết Nguyên đán, anh Nguyễn Đức Y quê ở Bắc Giang, hiện đang làm tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội cho biết anh và nhiều bạn bè tuân thủ đúng lịch của công ty, đến làm đúng ngày và đúng giờ: “Những năm trước còn có tâm lý nhìn công ty nọ công ty kia tuyển dụng xem mức lương bao nhiêu, nhưng năm nay thì tập trung làm yên ổn ở công ty này là được”.

Lao động cấp thấp: Ít nhảy việc

Theo ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch công đoàn Các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội, năm nay tình trạng chuyển việc, “nhảy việc” đầu năm rất ít. Tại các công ty đang sử dụng số lượng lớn lao động như công ty Canon Việt Nam với 23.500 lao động thì đã có 98% lao động trở lại làm việc, công ty Nissei Việt Nam có 6.600 lao động cũng đã có 97% trở lại làm việc... Nhiều công ty khác do chăm lo tới đời sống của người lao động trước tết bằng các phần quà, đưa đón lao động về quê ăn tết, không nợ lương, nợ bảo hiểm nên lao động đã quay lại làm việc từ khoảng 90 – 100%.

Tại Bình Dương, nơi hầu như năm nào cũng xảy ra khan hiếm lao động sau tết, năm nay tình trạng này có giảm. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp thông qua trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh là 422 người, trong khi đó có 158 người đăng ký tìm việc làm. Biến động lao động ở đây năm nay giảm hẳn so với các năm trước. Tại TPHCM, trong quý 1 năm nay, nhu cầu tuyển dụng lao động không thay đổi nhiều so với quý 1 năm trước. Thị trường lao động này đặc biệt gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động ngành marketing, dịch vụ, pháp lý, phục vụ. Theo ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM, phần lớn nhu cầu tuyển dụng tập trung vào lao động đã có tay nghề, kinh nghiệm hoặc yêu cầu người lao động phải làm được nhiều việc khác nhau trong doanh nghiệp. Mức lương cho lao động có tay nghề, có kinh nghiệm từ 4 – 25 triệu đồng/tháng, mức lương bình quân cho lao động có tay nghề là 5,9 triệu đồng/tháng, không tăng đáng kể so với năm trước.

Các chuyên gia nhận định, tiếp diễn quý 4/2012, quý 1/2013 thị trường lao động không có biến động đáng kể cả về cung – cầu lao động và mức lương. Nguyên nhân chính do khó khăn kinh tế từ năm trước đến năm nay vẫn còn tiếp diễn, lao động mất việc tăng, vì thế ổn định nơi làm việc và mức lương là tâm lý chủ yếu của người lao động.

Lao động cấp cao: Tiếp tục khan hiếm

Do thị trường lao động nước ta chưa có đủ số lao động trình độ cao ở cấp quản lý nên hiện tại số lượng lao động này vẫn tiếp tục khan hiếm, thiếu hụt. Theo bà Nguyễn Thị Việt Thanh, Giám đốc điều hành Mạng cộng đồng các nhà quản lý Anphabe với kênh tìm kiếm nhân sự cao cấp Anphabe Top Headhunt, tại thời điểm này nhiều việc làm cao cấp vẫn cần lao động nhưng để tìm được người giỏi rất khó. Mạng cộng đồng này đã xây dựng một cơ chế hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các công ty “săn đầu người” hàng đầu và các nhà quản lý cao cấp để tạo cơ hội dễ hơn cho nhà tuyển dụng và các ứng viên gặp nhau. “Có những vị trí quản lý cao cấp mà doanh nghiệp tìm trong nửa năm vẫn chưa được người phù hợp”, bà Thanh nói.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty Navigos Search chuyên cung cấp các dịch vụ về nhân sự cao cấp cho rằng thị trường lao động Việt Nam vẫn thiếu hụt lao động cao cấp và thiếu hụt lao động theo ngành nghề. Theo nhận định của bà Vân Anh, năm nay lao động lành nghề các ngành cơ khí, công nghệ thông tin và lao động quản lý bậc trung cao cấp sẽ có nhu cầu tuyển dụng lớn.

TPHCM sàng lọc nhiều hơn

Theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TPHCM, những năm trước doanh nghiệp khu vực này hay tuyển công nhân thời vụ, nhưng năm nay rất ít tuyển, hầu như là tuyển để thay thế công nhân nghỉ việc do bệnh hay thai sản. Việc chọn lựa khi tuyển dụng lại rất kỹ: trình độ văn hoá ít nhất hết PTTH, tuổi đời hạ xuống, tuyển nam hay nữ là theo yêu cầu doanh nghiệp. Lúc thiếu lao động, trên 30 tuổi cũng nhận, nam nữ gì cũng tuyển. Năm nay, cận tết không tăng ca nhiều. Năm qua, có doanh nghiệp một tuần cho công nhân nghỉ hai ngày như công chức.

Cũng theo ông Định, thu hút đầu tư vào các khu chế xuất – khu công nghiệp năm rồi không đạt kế hoạch không phải do không có nhà đầu tư quan tâm mà do phải chọn lọc những nhà đầu vào những lĩnh vực không ô nhiễm môi trường, không thâm dụng lao động. Nếu TPHCM muốn hoàn chỉnh 20 khu công nghiệp mà không gác cổng, với hàng triệu công nhân thì áp lực xã hội sẽ rất lớn, không lo nổi hạ tầng xã hội phục vụ cho một lực lượng lao động lớn nên ưu tiên ngành ít thâm dụng lao động. Vì gạn lọc rất dữ nên chỉ tiêu không đạt, chứ không phải kêu gọi đầu tư kém. Năm rồi, chỉ đạt trên 80% vì từ chối một số dự án lớn với số vốn hàng trăm triệu USD nhưng không đạt tiêu chí thành phố mong muốn.