Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nên sửa theo hướng khẳng định cả quyền và trách nhiệm của công dân với hệ thống an sinh xã hội

18/02/2013 08:43 AM


Đề xuất sửa hai điều cụ thể liên quan trực tiếp đến chính sách an sinh xã hội và lao động trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trong đó có Điều 35, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI BÙI SỸ LỢI cho rằng, nếu quy định như dự thảo “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” là mới khẳng định được quyền mà chưa thể hiện được trách nhiệm của công dân trong việc tham gia vào hệ thống an sinh xã hội với quan điểm xã hội hóa. Do vậy, nên sửa lại thành “Công dân có nghĩa vụ tham gia và có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Có như vậy mới thể hiện rõ tư tưởng nhân văn, nhân ái của xã hội; thể hiện tư tưởng về quyền hưởng an sinh xã hội với tư cách là một quyền cơ bản của công dân. Và chuyển từ chỗ đặt Nhà nước ở vị trí chủ thể trong các quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 1992 sang tư tưởng công dân là chủ thể của quyền này đã được ghi nhận từ Hiến pháp năm 1946.

PV: Thưa Phó chủ nhiệm, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được đưa ra để lấy ý kiến nhân dân. Đóng góp vào dự thảo này, Phó chủ nhiệm quan tâm đến nội dung nào nhất?

PCN Bùi Sỹ Lợi: Dự thảo Hiến pháp năm 1992 lần này sửa đổi tương đối toàn diện và tập trung vào 9 nội dung cơ bản. Trong đó, tôi tâm đắc nhất với nội dung lấy giá trị và quyền con người làm cơ sở được thể hiện ở Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Với quy định này, dự thảo Hiến pháp sửa đổi tiếp tục khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân và trách nhiệm của Nhà nước, xã hội trong việc tôn trọng, bảo vệ quyền con người; đồng thời quy định quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Đây là nội dung sửa đổi hoàn toàn có khả năng đáp ứng được mục tiêu và quan điểm đã đề ra. Tuy nhiên, các điều thể hiện quyền, chính sách của các lĩnh vực chuyên sâu cần được viết thống nhất hơn theo một cấu trúc tương đương, tránh tình trạng có điều quy định quá cụ thể, có điều lại thể hiện khái quát quá mức.

PV: Phó chủ nhiệm có đề xuất cụ thể nào đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này hay không?

PCN Bùi Sỹ Lợi: Tôi xin đề xuất sửa đổi 2 điều cụ thể.

Thứ nhất, đề nghị sửa đổi Điều 35 (sửa đổi, bổ sung Điều 67). Điều 35 sửa đổi, bổ sung Điều 67 quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” là mới khẳng định được quyền bảo đảm mà chưa thể hiện được trách nhiệm của công dân trong việc tham gia vào hệ thống an sinh xã hội với quan điểm là xã hội hóa, vì an sinh xã hội của nước ta hiện tại bao gồm 3 trụ cột chính là:

+ Bảo hiểm xã hội (ngắn hạn, dài hạn);

+ Bảo hiểm y tế;

+ Bảo trợ xã hội bao gồm: trợ cấp thường xuyên cho trẻ em, người khuyết tật, người già cả, cô đơn, không nơi nương tựa; trợ cấp đột xuất: thiên tai, địch họa, hỏa hoạn đột xuất, bất thường;

Ngoài ra, đặc thù trong chính sách xã hội ở nước ta còn có ưu đãi xã hội là dành cho người có công với cách mạng.

Bản chất của các chính sách này đều có sự tham gia của công dân theo nguyên tắc đóng - hưởng (như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…), vì vậy cần quy định cả quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân khi sửa Điều 35. Tôi đề xuất sửa như sau:

“Công dân có nghĩa vụ tham gia và có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.

Theo tôi, sửa như trên mới thể hiện rõ tư tưởng nhân văn, nhân ái của xã hội; thể hiện tư tưởng về quyền hưởng an sinh xã hội với tư cách là một quyền cơ bản của công dân. Và chuyển từ chỗ đặt Nhà nước ở vị trí chủ thể trong các quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 1992 sang tư tưởng công dân là chủ thể của các quyền này đã được ghi nhận từ Hiến pháp năm 1946. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhấn mạnh khía cạnh bảo đảm sàn an sinh cơ bản (mức sống tối thiểu) phù hợp với sự phát triển của đất nước trong từng thời kỳ.

Thứ hai, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 38 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56). Theo đó, Điều 38, dự thảo sửa đổi, bổ sung như sau:

1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc.

2. Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật”.

Quy định như trên mới khẳng định quyền làm việc của mọi công dân và nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử để phù hợp với các Công ước mà Việt Nam là thành viên. Cơ bản mới đáp ứng một phần vì nội dung Chương II là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Và nên giữ khoản 1 như Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và đặt ngay đầu khoản 1 Điều 38 sửa đổi, bổ sung: “Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân”, vì đây là quy định tiến bộ, còn nguyên giá trị và đạt độ chuẩn mực về kỹ thuật lập hiến, cần được kế thừa, tiếp thu trong sửa đổi Hiến pháp lần này. Việc thể chế hóa ở tầm hiến định đối với quyền lao động của công dân thể hiện sự tôn trọng và cam kết tối cao của Nhà nước đối với việc bảo đảm quyền cơ bản của con người. Việc ghi nhận lao động vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân đặt trong mối quan hệ đặc biệt giữa 3 chủ thể: Nhà nước - công dân - xã hội phản ánh quan hệ hài hòa, thống nhất lợi ích giữa ba chủ thể.

Tôi cũng đề nghị bổ sung vào Điều 38 mới một khoản sau Khoản 1: “Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động; quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động” để thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động. Trong Hiến pháp 1992 đã bước đầu đề cập đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động nhưng chưa rõ. Hiến pháp phải thể hiện được mục tiêu hướng tới xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không nên duy trì quy phạm cấm tại Điều 38 bởi ba lý do. Thứ nhất, theo thiết kế mới thì Điều 38 nằm trong Chương II là thể hiện sâu sắc ý tưởng về sự tôn trọng của Đảng và Nhà nước ta đối với các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, do đó, đặt quy phạm cấm trong Điều này là không nên.Thứ hai, không nên tiếp tục hiến định quy định cấm này, bởi tầm mức của quy phạm chỉ nên quy định trong văn bản luật, và thực tế là đã được quy định cụ thể, chi tiết trong Bộ luật Lao động 2012. Thứ ba, quy định cấm này không bao phủ được hết các hành vi nghiêm cấm trong việc bảo đảm quyền lao động của công dân.

Từ phân tích trên, tôi đề nghị sửa Điều 38 như sau:

1. Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân. Công dân có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc.

2. Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động”.

Tôi ủng hộ việc bổ sung thiết chế Hội đồng Hiến pháp trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này

PV: Liên quan đến chế định QH (Chương V), có thể thấy, trong dự thảo, những quy định về vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của QH, các cơ quan của QH cơ bản được giữ như quy định của Hiến pháp năm 1992; và chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung nhằm bảo đảm phù hợp với chức năng của cơ quan thực hiện quyền lập pháp và mối quan hệ giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Phó chủ nhiệm nhìn nhận như thế nào về chế định QH được sửa đổi, bổ sung lần này?

PCN Bùi Sỹ Lợi: Tôi đánh giá cao các chế định QH được dự kiến đưa ra sửa đổi, bổ sung lần này và nếu được thông qua sẽ phù hợp với chức năng của cơ quan lập pháp và làm rõ mối quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nội dung sửa đổi tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của QH thông qua quyền quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phân định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và mối quan hệ giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp; tăng cường thẩm quyền QH trong việc phê chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán tòa án nhân dân tối cao; thẩm quyền giám sát, quy định tổ chức và hoạt động, quy định nhân sự đối với Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Kiểm toán Nhà nước; đặc biệt là quy định về lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn.

Tuy nhiên, tôi còn băn khoăn với quy định giao cho UBTVQH phê chuẩn các chức danh Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Hội đồng Dân tộc, Phó chủ nhiệm và Ủy viên Ủy ban là chưa phù hợp với cơ chế hoạt động của cơ quan dân cử, có thể dẫn đến hệ lụy không khách quan.

PV: Một trong những điểm mới của dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này là việc bổ sung thiết chế về Hội đồng Hiến pháp (Điều 120). Theo dự thảo, Hội đồng Hiến pháp với vai trò là cơ quan do QH thành lập có nhiệm vụ giúp QH kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan ở Trung ương ban hành… Ý kiến của Phó chủ nhiệm về thiết chế này như thế nào? Thực tế thời gian qua cho thấy, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn được đánh giá là một trong những khâu yếu trong thực hiện chức năng giám sát của QH, các cơ quan của QH?

PCN Bùi Sỹ Lợi: Việc bổ sung thiết chế Hội đồng Hiến pháp là nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp. Bởi lẽ, thực tiễn hiện nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật ban hành trái với Hiến pháp nhưng công tác giám sát của QH, các cơ quan QH và ĐBQH còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện để xảy ra sai phạm trong thực thi pháp luật gây bức xúc và dư luận xấu trong xã hội làm cho việc chấp hành pháp luật không nghiêm minh. Nhiều nội dung văn bản trái pháp luật không được phát hiện hoặc phát hiện không kịp thời. Vì vậy, bổ sung thêm hình thức và công cụ kiểm soát là nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm Hiến pháp để kiến nghị QH xem xét lại luật hoặc yêu cầu cơ quan ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ.

PV: Xin trân trọng cám ơn Phó chủ nhiệm!

Theo Đại biểu nhân dân