Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ góc nhìn xã hội hóa

10/06/2014 08:08 AM


Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường, vấn đề ATTP và các loại dịch bệnh phát sinh ngày càng phức tạp làm cho nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của người dân ngày càng tăng cao.


Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Với sự đầu tư của Nhà nước, hệ thống y tế công đã có nhiều thành tích trong công tác KCB và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống y tế công không thể đảm đương nổi nhu cầu KCB của người dân và đã xảy ra tình trạng quá tải ở các cơ sở KCB công lập. Bởi vậy, đẩy mạnh xã hội hóa để huy động  nguồn lực của xã hội phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn là một chủ trương đúng đắn và cần thiết hiện nay.

Thời gian qua việc thực hiện chính sách xã hội hóa công tác y tế trong lĩnh vực khám, chữa bệnh tập trung trên ba nội dung chủ yếu: Nhà nước tăng ngân sách đầu tư và tạo cơ chế để các cơ sở y tế công lập huy động vốn ngoài ngân sách nâng cấp cơ sở, đầu tư trang thiết bị, mở rộng hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh đa dạng của nhân dân; Huy động các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập; Vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật hoặc tự nguyện chi trả những chi phí khám, chữa bệnh của mình.

Việc xã hội hóa các cơ sở khám, chữa bệnh công lập đã huy động được nhiều nguồn lực để phát triển chuyên môn kỹ thuật, đầu tư mới các thiết bị chẩn đoán, điều trị kỹ thuật cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật y tế và nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong khi kinh phí và các điều kiện đầu tư cho ngành y tế còn hạn chế. Mặt khác, do nguồn vốn huy động từ cá nhân, tập thể, theo phương thức liên doanh, liên kết nên được kiểm soát chi tiêu chặt chẽ và ít bị thất thoát so với ngân sách Nhà nước. Các thiết bị được trang bị theo hướng xã hội hóa được tập trung sử dụng hết công năng và kịp thời xử lý khi có sự cố. Với gần 70% dân số tham gia BHYT và nguồn BHYT chiếm gần 80% kinh phí của các bệnh viện là một đóng góp quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh theo phương thức xã hội hóa. Về phía nguồn lực trong các thành phần xã hội, ngoài việc người bệnh tự mình trang trải các chi phí khám, chữa bệnh ngoài quy định của BHYT, nhiều tổ chức xã hội, tôn giáo, các nhà từ thiện đã thực hiện nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện trong lĩnh vực KCB đã làm tăng hiệu quả công tác xã hội hóa trong chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tuy nhiên công tác xã hội hóa y tế góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đang đặt ra những vấn đề cần quan tâm hiện nay: trong liên doanh, liên kết đầu tư cơ sở vật chất nâng cao kỹ thuật khám, điều trị tại các bệnh viện công lập còn xẩy ra tình trạng chỉ quan tâm đến khoa, phòng, lĩnh vực có thu để phát triển khu dịch vụ theo yêu cầu; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao chưa tương xứng với năng lực, trình độ chuyên môn, nhu cầu khám, chữa bệnh; lạm dụng dịch vụ y tế ở nhiều nơi có xã hội hóa để thu hồi vốn nhanh và kiếm lợi nhuận làm tăng chi phí cho người bệnh và quỹ BHYT. Do thiếu minh bạch về tài chính, sử dụng tài sản công và tư trong quá trình khám, chữa bệnh ở các bệnh viện công có xã hội hóa nên dễ sai phạm trong việc quản lý tài chính, xảy ra tiêu cực trong liên doanh, liên kết. Một số ít bệnh viện áp dụng biện pháp khoán thu cho các khoa làm tăng xu hướng nhận bệnh nhân không đúng tuyến hoặc cố tình giữ bệnh nhân để tăng bệnh nhân điều trị nội trú… gây quá tải bệnh viện. Còn nhiều bất cập trong việc thực hiện BHYT, đơn cử, theo quy định của  Luật BHYT thì người tham gia BHYT có quyền đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã, huyện hoặc tương đương. Trên cơ sở đó, việc phân thẻ BHYT hàng năm cho các cơ sở y tế phải thực hiện theo sự tự nguyện chọn lựa của nhân dân. Nhưng trên thực tế vẫn còn biểu hiện cơ chế xin - cho, phân biệt đối xử, chưa bảo đảm tính công bằng. Hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở hiệu quả chưa cao, tình trạng thiếu bác sỹ và việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho mạng lưới y tế cơ sở còn hạn chế nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và KCB ở tuyến dưới còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thực hiện các quy định pháp luật trong ngành y gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ, trong khi đó chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để các tổ chức xã hội nghề nghiệp thuộc ngành y tham gia vào quá trình giám sát nghiệp vụ cũng như y đức của đội ngũ cán bộ làm công tác y tế.

Để làm tốt xã hội hóa y tế, thiết nghĩ còn một số vấn đề đòi hỏi ngành y tế và các cơ quan hữu

Qua công tác xã hội hóa, đến nay có hơn 160 bệnh viện tư nhân, hơn 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế; hằng năm, các bệnh viên tư nhân đã cấp cứu, KCB cho khoảng trên 6 triệu lượt bệnh nhân.

quan cần có những giải pháp cụ thể từ khía cạnh xã hội hóa. Đầu tư nâng cao năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở để người bệnh tin và yên tâm. Mạng lưới y tế cơ sở này không những làm nhiệm vụ tiếp nhận, khám và điều trị người bệnh theo phân tuyến quy định mà còn phối hợp với các đoàn thể nhân dân làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn phương pháp chăm sóc sức khỏe thông thường để người dân có thể tự xử lý những vấn đề đơn giản về sức khỏe. Đẩy mạnh việc chấn chỉnh các hoạt động xã hội hóa ở cơ sở y tế công lập cùng với việc rà soát, bổ sung và điều chỉnh chính sách theo hướng vừa khuyến khích vừa quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ phục vụ KCB. Minh bạch hóa các hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh công lập: mỗi bệnh viện tuyến huyện và tỉnh được chia làm thành khu dành cho việc KCB theo tiêu chuẩn, chế độ nhà nước và khu khám chữa bệnh tự nguyện. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng bệnh viện tuyến huyện, vùng miền núi phục vụ đồng bào dân tộc. Thực hiện sự công bằng giữa cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân và công lập, đặc biệt là một số vấn đề về  thực hiện BHYT, hỗ trợ từ  tuyến trung ương về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật để các cơ sở KCB ngoài công lập có đủ điều kiện hoạt động hết năng lực.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo nên hiệu ứng xã hội bài trừ những tệ nạn tiêu cực trong ngành y. Khắc phục tình trạng “phong bì” đi đôi với tôn vinh y đức của người thầy thuốc ở các cơ sở khám, chữa bệnh; tuyên truyền nâng cao ý thức của người bệnh chấp hành nghiêm việc KCB theo phân tuyến của BHYT, tôn trọng, hợp tác với cán bộ y tế trong KCB. Tăng cường phối hợp giữa ngành y tế với các đoàn thể chính trị, xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và giám sát nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về KCB; thực hiện y đức của người thầy thuốc.

Ts Lê Bá Trình (Theo Báo ĐBND)