Tháo gỡ ngay những rào cản pháp lý

10/06/2014 03:50 AM


Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, luôn được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng và Hiến pháp qua các thời kỳ. Để tổ chức thực hiện chính sách này, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật BHXH năm 2006 đã đánh dấu một bước quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả thực thi chế độ, chính sách BHXH, pháp điển hóa các quy định hiện hành, bổ sung các chính sách BHXH phù hợp với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng nguyện vọng đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) và hội nhập quốc tế.


Khám chữa bệnh cho bệnh nhân tham gia BHYT ở Hà Tĩnh

Sau sáu năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Trong quá trình triển khai thực hiện, Luật BHXH đã giúp cho nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và xã hội có những chuyển biến tích cực. Với việc bổ sung thêm hình thức BHXH tự nguyện, Luật BHXH đã tạo điều kiện để mọi người lao động đều có thể tham gia vào hệ thống BHXH. Đối tượng tham gia ngày càng tăng: nếu năm 2006 mới có 6,7 triệu người tham gia thì đến nay đã có hơn 10,6 triệu người (tăng gần 1,6 lần). Năm 2008, năm đầu tiên triển khai BHXH tự nguyện có 6.110 người tham gia, đến nay đã có 156 nghìn người tham gia. Các chế độ BHXH được thiết kế phù hợp hơn, bảo đảm tốt hơn nguyên tắc đóng - hưởng, đã góp phần ổn định đời sống của người lao động trong thời gian làm việc và khi hết tuổi lao động.

Bên cạnh đó, việc giải quyết chi trả các chế độ BHXH cho người lao động đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật hơn; việc quản lý chặt chẽ các đối tượng, các hình thức chi trả lương hưu, trợ cấp ngày càng được cải tiến, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia thụ hưởng các chế độ BHXH.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các chính sách, chế độ BHXH cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Trong việc mở rộng đối tượng tham gia, tốc độ mở rộng còn chậm, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia còn thấp (hiện tại mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động). Đối với BHXH tự nguyện, mặc dù có đối tượng thuộc diện tham gia rộng nhưng số người tham gia mới chỉ chiếm khoảng 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do một số quy định chính sách chưa thật sự hấp dẫn, chưa có cơ chế để khuyến khích người lao động tham gia, công tác tuyên truyền để mở rộng đối tượng còn chưa được quan tâm đúng mức.

Trong thực tế, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài. Số đối tượng này chiếm hơn 70% tổng số nợ, làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do Luật BHXH hiện hành quy định lãi chậm đóng bằng mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH trong năm (thường thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay của các ngân hàng). Mặt khác, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH theo quy định còn thấp... nên nhiều DN cố tình nợ đóng, chậm đóng, chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền đóng BHXH.

Bên cạnh đó, một số quy định trong chế độ BHXH hiện hành không còn phù hợp với thực tế, bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đối với BHXH bắt buộc, một số quy định hiện hành còn chưa phù hợp, như quy định về điều kiện hưởng lương hưu, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ chưa tạo sự bình đẳng và tạo điều kiện để lao động nữ có thể tiếp tục làm việc và nâng cao mức thu nhập; quy định cho phép người lao động có dưới 20 năm đóng BHXH nhận trợ cấp một lần, chưa phù hợp với mục tiêu nhằm bảo đảm cuộc sống cho người lao động khi hết tuổi lao động; quy định về tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ tính hưởng BHXH còn có sự khác biệt giữa khu vực hành chính, sự nghiệp, DN nhà nước, lực lượng vũ trang và các DN ngoài nhà nước; quy định về trợ cấp tuất hằng tháng và một lần hiện nay còn có sự chênh lệch lớn, một số trường hợp thân nhân hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bị thiệt thòi hơn rất nhiều so với việc hưởng trợ cấp tuất một lần.

Đối với BHXH tự nguyện, mức đóng còn khá cao so với đại bộ phận người dân ở khu vực nông thôn và lao động tự do có thu nhập hằng tháng thấp và không ổn định. Theo điều tra, nhóm đối tượng người lao động từ 45 tuổi trở lên đối với nam và từ 40 tuổi trở lên đối với nữ không thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu, do họ không thể đóng góp BHXH tự nguyện đủ 20 năm theo phương thức mà luật quy định. Việc quy định quỹ BHXH tự nguyện độc lập với quỹ hưu trí và tử tuất trong quỹ BHXH bắt buộc gây khó khăn cho cơ quan BHXH khi giải quyết chế độ cho những người nghỉ hưu vừa có thời gian tham gia loại hình bắt buộc vừa có thời gian tham gia loại hình tự nguyện.

Trong hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH, hiệu quả còn chưa cao, lãi thu được từ hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH chưa bảo tồn được giá trị của quỹ. Lãi suất đầu tư luôn ở dưới chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI): lãi suất đầu tư bình quân của giai đoạn 2007 - 2012 chỉ khoảng 9,5%/năm, trong khi CPI bình quân là 13,2%/năm, tỷ lệ điều chỉnh lương hưu bình quân là 15,2%/năm. Một trong những nguyên nhân của hiệu quả đầu tư quỹ chưa cao là do hình thức đầu tư được quy định trong luật chưa thật đa dạng, đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư của cơ quan BHXH chưa chuyên nghiệp. Quy định về chi phí quản lý của tổ chức BHXH còn chưa phù hợp, khi mà Luật BHXH hiện hành quy định tổ chức BHXH là tổ chức sự nghiệp nhưng lại vận hành theo quy định chi phí quản lý bằng mức chi phí quản lý của cơ quan hành chính nhà nước. Quy định về thủ tục, hồ sơ tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH còn chưa thật thuận tiện, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, thống kê, điều hành, giám sát còn hạn chế, chưa có sự liên thông trong hệ thống. Từ đó dẫn tới những khó khăn trong đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với người tham gia và thụ hưởng BHXH. Bên cạnh đó, Luật BHXH chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành trong QLNN về BHXH.

Ngoài ra, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hằng năm có xu hướng tăng nhanh. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành thì quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm, để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn trên, để khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật BHXH hiện hành, đồng thời thể chế hóa được các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách BHXH thì việc sửa đổi Luật BHXH là cần thiết, phù hợp yêu cầu phát triển KT-XH trong tình hình mới, đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, bảo đảm ASXH và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, đặc biệt lưu ý là những quy định về thể chế tổ chức BHXH và cơ chế tài chính mới cho Quỹ BHXH cần được giải quyết triệt để, để khi hệ thống được vận hành theo hành lang pháp lý mới sẽ có hiệu quả tốt trong thực thi nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong việc mở rộng đối tượng tham gia, tốc độ mở rộng còn chậm, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia còn thấp (hiện tại mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động).

Theo Mỹ Hà (Báo Nhân dân)