Thất nghiệp, cử nhân chấp nhận làm lao động chân tay

09/06/2014 04:07 AM


Câu chuyện về việc tân kỹ sư, cử nhân, Thạc sĩ... thất nghiệp hàng loạt đã được đề cập nhiều trên mặt báo. Song gần đây, lại ghi nhận thêm nhiều tình cảnh dở khóc dở cười của những người trẻ tuổi...


Tân kỹ sư làm công nhân, phụ hồ

Ra trường được hơn 3 tháng, Nguyễn Thành Thông (Diễn Châu, Nghệ An) là sinh viên Đại học Giao thông vận tải II, tốt nghiệp với tấm bằng khá, bảng điểm môn chuyên ngành cũng "đẹp" đối với khối công trình. Thêm nữa, Thông còn lận lưng hàng loạt chứng chỉ một kỹ sư xây dựng cần. Với mong muốn bám trụ lại TP.HCM để phát triển sự nghiệp, Thông đã tìm kiếm thông tin tuyển dụng trên mạng internet, nhờ bạn bè tìm, giới thiệu... và rải hồ sơ xin việc khắp nơi. Nhưng kết quả cũng giống nhau, các nơi Thông nộp hồ sơ đều lắc đầu vì "thiếu kinh nghiệm". Cũng học Khoa Công trình, Đại học GTVT, bạn Vũ Trọng Đạt (quê Hải Phòng) cũng lâm vào hoàn cảnh "thảm" không kém. Bên cạch tấm bằng tốt nghiệp loại khá, Đạt còn là sinh viên có điểm số bảo vệ đồ án tốt nghiệp cao nhất Khoa. Có lẽ nhờ "đồ án tốt nghiệp" đạt điểm cao, Đạt đã được vài công ty chấp nhận vào vòng phỏng vấn nhưng chờ mãi chẳng thấy hồi âm. Còn Nguyễn Văn Vững (ở Nam Sách, Hải Dương), suốt 4 năm rưỡi học Đại học mới chỉ để tuột mất 2 kỳ học bổng - một "kỷ lục" của giới kỹ sư công trình. Bám thành phố không được, Vững theo người anh lên tận Bình Phước để lao động ngoài công trường, chờ có "kinh nghiệm" rồi về những nơi tốt hơn... "Mình là sinh viên mới ra trường, vào là vừa học vừa làm, không đòi hỏi gì cao, sao lại cứ đòi kinh nghiệm - thứ cứ làm rồi sẽ có" - Vững ngao ngán.

Quá mệt mỏi vì chuỗi ngày dài ăn không ngồi rồi, hưởng "trợ cấp thất nghiệp" của gia đình, Thông đã quyết định bỏ giấc mơ bám trụ lại Sài Gòn để theo người quen xuống công trình dưới Cần Thơ: "Hai tháng xuống công trình dưới miền Tây với thấm hết được nỗi khổ của sinh viên mới ra trường. Công trường nắng nóng như thiêu đốt, ra trường với tấm bằng kỹ sư nhưng vẫn phải làm công việc và ăn lương của một anh công nhân. Cũng có chút buồn và hụt hẫng vì hơi ảo tưởng về công việc tương lại, nhưng giờ không làm thì ăn gì...”. Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ sau hơn một tháng làm kiếp công nhân, Thông kể mà giọng âu lo, hồi hộp: "Mấy ngày đầu làm, được phân công lội xuống dưới nước để đo chiều cao móng. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên trong lúc đo đã không cẩn thận, xoay người thì gặp một thanh thép chờ lồi ra cứa ngang bụng. May mà di chuyển nhẹ nên chỉ trầy xước, mạnh thì". Công việc ở công trường, ngoài nắng nóng, mồ hôi, lao động cực nhọc, những tân kỹ sư còn bị các cấp quản lý và cả công nhân rầy la, mỉa mai tới ứa nước mắt. Theo Vững, nguyên nhân cũng bởi sinh viên mới ra trường, dù chịu khó nhưng kiến thức lại toàn sách vở, ra ngoài thực tế thì còn bỡ ngỡ vô cùng: "Đôi khi có những thắc mắc cần hỏi đàn anh đi trước, các anh công nhân, người thì tận tình chỉ bảo, người thì mỉa mai "học chính quy mà vậy!" rồi mặc kệ".

Suốt hơn một năm ròng rã làm việc ở công trường xây dựng tận Cà Mau, một kỹ sư trẻ của Đại học Bách Khoa tên Thuận mới rút ra được vì sao mình khổ nhọc. Sinh viên kỹ thuật ra trường không việc làm, phải đi xin làm những việc của công nhân, bị chính những công nhân sai bảo, phụ trách... chính là do công tác đào tạo ở các trường còn chưa sát thực tế, thực hành còn ít, đào tạo chưa theo nhu cầu thực tế. "Thời đi học, ngành kỹ thuật tụi mình cũng học xây, trát tường, sơn phết, rèn, hàn, tiện... đủ cả, nhưng ngoài thực tế, những việc đó chẳng cần tới tụi mình, vì cầm que hàn là mắt sưng húp, phải là dân hàn chuyên nghiệp, quen nghề, chẳng cần bằng cấp..." - Thuận cho biết - "Hết tháng 5 rồi, lại sắp hàng vạn kỹ sư trẻ ra trường, chắc lại theo con đường của tụi mình thôi" - câu nói của Thuận nếu tới tai các nhà quản lý giáo dục, các trường ĐH-CĐ, không biết có ai sẽ trăn trở, suy nghĩ và tính được hướng ra !?

SV Sư phạm sau 5 năm ra trường chỉ rửa xe, cấy lúa thuê

Phương Hà (Thái Bình), tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Thái Bình năm 2008. 6 năm đã trôi qua, giờ công việc chính của Hà là rửa xe máy. Năm 2005, Hà thi vào trường Đại học sư phạm nhạc họa Trung ương, chuyên ngành họa. Do thiếu điểm thi nên không trúng tuyển, Hà được thầy cô giáo tư vấn nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng vào trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình. Các thầy cô giáo đều trấn an Hà: "Em học 3 năm nữa ra trường rất hợp vì khi đó đổi mới giáo dục, trẻ hóa đội ngũ giáo viên nên cơ hội việc làm cho người học sư phạm ra rất lớn". Hà nghe bùi tai nên về gửi nguyện vọng về trường cao đẳng sư phạm tỉnh. Hơn nữa, ở thời điểm lúc đó, giáo viên dạy họa cho cấp 2 còn thiếu nhiều nơi. Ba năm học sư phạm, Hà đều tin rằng ra trường cô có thể tìm được việc làm tốt. Hà tranh thủ đi làm gia sư để nâng cao nghiệp vụ sư phạm của mình, cô tham gia nhiệt tình các buổi tình nguyện cũng như tận dụng mọi cơ hội có thể được làm cô giáo: "Tính em không kiên trì, mẹ sợ em không hợp làm cô giáo vì đi dạy học có nhiều học sinh, mỗi người một tính. Để em quen với công việc khi ra trường, mẹ còn mở lớp cho em dạy thêm miễn phí môn văn để tăng tính nhẫn nhịn cũng như khả năng ứng xử của cô giáo trong tương lai".

Năm 2008, Hà tốt nghiệp cao đẳng, được bằng khá. Cô về nhà chờ đợi, hi vọng sẽ xin được việc làm thích hợp. Suốt mấy năm, Hà cầm hồ sơ đi gõ cửa nhiều nơi nhưng vẫn không thể xin được việc làm cho mình. Nhiều trường cho biết đã đủ giáo viên, không có nhu cầu tuyển giáo viên nhạc họa. Hà đành ôm hi vọng rồi chờ đợi. Cái thông tin đổi mới giáo dục, trẻ hóa giáo viên Hà vẫn chờ nhưng chẳng thấy ở đâu có. Cô lại xoay sang đi học thêm sư phạm Sử. Rồi Hà lấy chồng, sinh con. Cô vẫn mong mỏi ngày nào đó được đứng trên bục giảng. Ai mách "cửa nào" Hà và gia đình đều cố lo chạy lấy chiếc "ghế" giáo viên. Hà kể "Năm 2011, bố mẹ em còn vay khắp nơi lấy 80 triệu đồng, chồng đủ số tiền đó người ta mới xem xét có chỗ nào cần sẽ giới thiệu vào làm giáo viên hợp đồng. Nhưng người ta cầm 2 năm rồi trả lại vì không xoay được". Không xin được việc, Hà đành đi làm công nhân tạm thời. Bạn bè nhiều người thường trêu đùa "cô giáo mà đi làm công nhân". Hà ngậm ngùi "sinh ra vào thời không may mắn nên thế".

Có năng khiếu vẽ nhưng Hà cũng rất giỏi Văn, Sử. Ngày sinh viên, Hà đã đi gia sư hai môn này cho học sinh ôn thi đại học: "Ngày em học cấp 3, em yêu môn vẽ nên quyết thi vào chuyên ngành họa. Nếu em lựa chọn thi khối C vào trường nào đó, không theo nghiệp sư phạm chắc giờ công việc biết đâu đã khác". Chồng Hà có quán sửa xe máy nhỏ. Đây là "cần câu cơm" cho ba thành viên trong gia đình cô. Không xin được việc, Hà chán nản. Gần một năm nay, Hà và gia đình không chạy vạy khắp nơi như trước nữa, cô đành ở nhà rửa xe máy kiếm thêm chút thu nhập cho mình: "Nhiều người học đại học còn không xin được việc nên em đành chấp nhận sự thật này thôi. Coi như mình không có duyên làm cô giáo". Khi hỏi ngoài việc rửa xe máy cho khác, Hà còn làm việc gì khác không, cô cười có chút ngại ngùng: "Em xin ruộng của ai không cấy để cấy lúa. Một mình em cấy gần mẫu lúa để lấy thóc bán tăng thu nhập. Làm nông chỉ vất vả vào mùa thôi. Nhiều người ác miệng lắm. Người ta bảo học nhiều giờ cũng về bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thôi".

Học lên cao để ẩn mình chờ thời

Trần Văn Tính, quê ở Vĩnh Long, tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM năm 2008. Sau khi ra trường, dù bám trụ tại thành phố nhiều tháng trời nhưng anh vẫn không tìm được việc làm. Bị gia đình hối thúc về quê, anh đã chọn giải pháp đi học tiếp. Thêm bốn năm đèn sách, năm 2013, Tính cầm trong tay thêm tấm bằng của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông TP.HCM. Hiện tại, dù có hai bằng đại học cộng với nhiều chứng chỉ tiếng Anh, vi tính... nhưng hơn một năm nay, anh vẫn chưa tìm được việc làm đúng chuyên môn. Ban đầu, cầm trong tay hai tấm bằng đại học, anh rất tự tin khi đi xin việc. Nhưng khi được gọi đến phỏng vấn, anh đều phải thất vọng quay về với những lý do nhà tuyển dụng đưa ra là chưa có kinh nghiệm, sinh viên mới ra trường... họ không muốn mất thời gian để đào tạo người mới. Anh tiếp tục gửi hồ sơ qua mạng, gửi trực tiếp đến nhiều công ty, nhưng cũng chỉ nhận lại bằng những cái lắc đầu. Anh chia sẻ: "Có lẽ tôi sẽ học tiếp lên Cao học". Tương tự, đến nay, chị Nguyễn Hương Giang, quê ở Bình Định, đã có trong tay năm tấm bằng các loại nhưng đành làm công nhân kiểm hàng cho một công ty của Nhật Bản với mức lương ba triệu đồng/tháng. Dù công việc vất vả, không đúng chuyên môn, thu nhập thấp, nhưng chị cũng đành cắn răng để làm nhằm duy trì cuộc sống: "Hiện nay, tôi vừa đăng ký học tiếp một khóa liên quan đến ẩm thực, khách sạn với hy vọng sẽ tìm được việc làm trong lĩnh vực này".

Theo NB&CL, PL&XH