Từ ngày 01/06: Việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám, chữa bệnh thay đổi như thế nào?

30/05/2014 08:48 AM


Theo Thông tư 14/2014/TT-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 01/06/2014, sẽ có một số thay đổi liên quan tới điều kiện, thẩm quyền, thủ tục chuyển tuyến giữa các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) và quản lý chuyển tuyến trong KCB. Thông tư này áp dụng cho cơ sở y tế Nhà nước và tư nhân theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế thuộc Bộ Quốc phòng có tham gia KCB cho nhân dân.


Về điều kiện, thẩm quyền, thủ tục chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB

Người bệnh được chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên được coi là đúng tuyến khi đáp ứng các điều kiện như bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán, điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở KCB; cơ sở KCB tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở KCB tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn, căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt; người bệnh phải được hội chẩn, có chỉ định chuyển tuyến (trừ phòng khám, cơ sở KCB tuyến 04), trước khi chuyển tuyến; khi người bệnh đã được chẩn đoán, được điều trị qua giai đoạn cấp cứu, xác định tình trạng bệnh đã thuyên giảm, có thể tiếp tục điều trị ở tuyến dưới, cơ sở KCB chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới phù hợp…

+ Trường hợp chuyển giữa các cơ sở KCB cùng tuyến, phải là bệnh không phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở KCB; bệnh phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở KCB cùng tuyến dự kiến chuyển đến đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt.

+ Trường hợp chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB trên địa bàn giáp ranh, Giám đốc Sở Y tế hướng dẫn cụ thể việc chuyển tuyến đối với các cơ sở KCB trên địa bàn giáp ranh trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc thẩm quyền quản lý; thống nhất, phối hợp hướng dẫn cụ thể việc chuyển tuyến đối với các cơ sở KCB trên địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc thẩm quyền quản lý.

+ Trường hợp không đáp ứng điều kiện chuyển tuyến theo các quy định trên bị coi là vượt tuyến, để bảo đảm quyền lựa chọn cơ sở KCB của người bệnh, cơ sở KCB nơi chuyển người bệnh đi phải cung cấp thông tin để họ biết về phạm vi quyền lợi, mức thanh toán chi phí KCB BHYT khi KCB không theo đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Thẩm quyền ký giấy chuyển tuyến do người đứng đầu cơ sở KCB hoặc người được người đứng đầu cơ sở KCB ủy quyền ký giấy chuyển tuyến đảm nhận (cơ sở KCB của Nhà nước); người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở KCB hoặc người được người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở KCB ủy quyền ký giấy chuyển tuyến (cơ sở KCB tư nhân); trong phiên trực, người trực lãnh đạo ký giấy chuyển tuyến đối với trường hợp cấp cứu. Thủ tục chuyển tuyến gồm các bước sau: thông báo, giải thích rõ lý do chuyển tuyến cho người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh; ký giấy chuyển tuyến theo mẫu quy định; trường hợp cấp cứu, cần liên hệ với cơ sở KCB dự kiến chuyển người bệnh đến, kiểm tra lần cuối cùng tình trạng người bệnh trước khi chuyển, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để cấp cứu (xe cứu thương, trang thiết bị y tế, thuốc cấp cứu); trường hợp cần sự hỗ trợ kỹ thuật của cơ sở KCB dự kiến chuyển người bệnh đến, phải thông báo cụ thể về tình trạng của người bệnh, những yêu cầu hỗ trợ để có biện pháp xử trí phù hợp; giao giấy chuyển tuyến cho người hộ tống (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh) hoặc người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh; bàn giao người bệnh, giấy chuyển tuyến cho cơ sở KCB nơi chuyển đến.

Quản lý chuyển tuyến trong KCB

Nội dung quản lý thông tin chuyển tuyến trong KCB bao gồm thông tin chuyển tuyến đi và đến (chuyển lên tuyến trên, chuyển cùng tuyến, chuyển về tuyến dưới); phản hồi thông tin chuyển tuyến giữa các tuyến (phản hồi thường quy hằng tháng với cơ sở KCB chuyển người bệnh đến về tình hình chẩn đoán bệnh và kết quả điều trị và phản hồi đột xuất trong trường hợp sai sót chuyên môn hoặc trường hợp cần thiết khác); cơ sở KCB tổ chức quản lý, lưu trữ, cung cấp thông tin chuyển tuyến theo quy định của pháp luật. Cơ sở KCB tổng hợp báo cáo hằng tháng, 06 tháng, hằng năm về chuyển tuyến gửi về Cục Quản lý KCB - Bộ Y tế; Cục Y tế - Bộ Công an, Cục Quân Y - Bộ Quốc phòng, Cục Y tế - Bộ GTVT; Sở Y tế… tùy theo cơ quan trực thuộc. Chế độ giao ban chuyển tuyến định kỳ hoặc đột xuất để rút kinh nghiệm về công tác chuyển tuyến như sau: Cơ sở KCB giao ban chuyển tuyến giữa các khoa, phòng, bộ phận liên quan định kỳ hằng tháng; bệnh viện tuyến trên tổ chức giao ban với bệnh viện tuyến dưới định kỳ 03 tháng/lần; Bộ Y tế, Sở Y tế, Y tế ngành giao ban chuyển tuyến với các cơ sở KCB trực thuộc định kỳ 06 tháng/lần; Bộ Y tế giao ban chuyển tuyến toàn quốc hằng năm.

Nguồn TC BHXH