Người thất nghiệp chưa mặn mà với BH thất nghiệp

18/12/2013 01:44 AM


Được quy định trong Luật BHXH và có hiệu lực thi hành từ ngày 011/01/2009, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được ví như phao cứu sinh cho NLĐ khi mất việc làm. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện BHTN cho thấy còn bộc lộ nhiều bất cập như chưa kiểm soát được đối tượng tham gia, nợ BHTN tăng, yếu về đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp…


Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Chưa thu hút người thất nghiệp

Theo BHXH Việt Nam, đến nay, cả nước có khoảng 1,3 triệu lượt người đăng ký tham gia BHTN, trên tổng số hơn 8,3 triệu người thất nghiệp; số người thất nghiệp tập trung chủ yếu ở các Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh khoảng 30%;  Bình Dương 20%; Đồng Nai 10%... Như vậy, với tỉ lệ chưa đến 1/7 số NLĐ thất nghiệp được đăng ký BHTN cho thấy những bất ổn của thị trường lao động hiện nay.

Đáng chú ý là tình trạng nợ, trốn đóng BHTN kéo dài; theo ông Nguyễn Hùng Cường- Phó ban thực hiện Chính sách BHXH Việt Nam, 5 năm triển khai BHTN, tình trạng nợ đọng BHTN liên tục tái diễn và số dư nợ tăng gấp 14 lần. Nếu như năm 2009 số nợ đọng là 43,1 tỷ đồng, đến tháng 8.2013, số nợ BHTN đã lên tới 600 tỷ đồng, gấp 14 lần năm 2009. Nhiều DN đã trích tiền BHTN của NLĐ qua tiền lương nhưng không thực hiện trách nhiệm đóng BHTN; khi NLĐ muốn chốt sổ BHXH gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều DN chỉ ký hợp đồng lao động ngắn hạn với NLĐ để trốn đóng BHTN cho NLĐ; do vậy cơ quan chức năng không thể kiểm soát được số DN và NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN. Điển hình như Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, cơ quan BHXH TP không thể xác định được số DN và NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia BHTN do số lượng này quá lớn.

Bên cạnh đó, yêu cầu bổ sung kiến thức nghề, dạy nghề cho NLĐ bị mất việc làm theo quy định của chính sách BHTN vẫn không thực hiện được. NLĐ thất nghiệp chấp nhận mất thời gian tìm việc làm nhưng ngại bỏ ra khoảng thời gian từ 3-6 tháng để học nghề dù có hỗ trợ của Nhà nước; phía cơ quan chức năng cũng chưa đủ năng lực để triển khai chính sách này. Thống kê cho thấy, số NLĐ thất nghiệp tham gia học nghề tăng qua từng năm, nhưng so với số người thất nghiệp lại rất thấp; sau gần 5 năm thực hiện chính sách BHTN mới chỉ có hơn 13 nghìn lao động thất nghiệp tham gia học nghề trong tổng số hơn 8,3 triệu người thất nghiệp.

Để BHTN là trụ cột an sinh xã hội

Thực tế sau 5 năm thực hiện chính sách BHTN cho thấy, BHTN vẫn chưa đi đúng với bản chất của một chính sách là trụ cột an sinh xã hội, mà mới chỉ ở việc tạm thời thay thế trợ cấp thôi việc hoặc mất việc theo quy định của Luật Lao động. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chính sách BHTN được áp dụng thống nhất sẽ tốt hơn so với trợ cấp thất nghiệp riêng lẻ của từng doanh nghiệp. Đồng thời cho rằng, cần mở rộng đối tượng tham gia BHTN, cụ thể là áp dụng cho cả NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên. Về mức trợ cấp thất nghiệp, với quy định 60% mức bình quân tiền lương của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp là không đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho NLĐ thất nghiệp.

Hiện nay, phần lớn NLĐ khi thất nghiệp chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp, còn tham gia học nghề, đào tạo lại nghề không được chú trọng. Trong khi đó, về cơ bản, NLĐ thất nghiệp chỉ được đào tạo những nghề thuộc trình độ sơ cấp. Một vấn đề nữa là chi phí học nghề thấp vì phần lớn các DN chỉ tuyển lao động phổ thông.

Theo các chuyên gia, cần bổ sung việc bắt buộc tham gia học nghề đối với NLĐ thất nghiệp. Vì nhóm NLĐ phổ thông có nguy cơ mất việc làm cao khi DN cần giảm lao động, do vậy cần phải bắt buộc tham gia các khóa đào tạo tư vấn, tập huấn, do đơn vị dịch vụ việc làm của Nhà nước đào tạo để họ có kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, tránh tái mất việc làm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn, thực hiện chính sách đầy đủ, sát với thực tiễn hơn, tạo thuận lợi hơn cho đối tượng tham gia BHTN, đơn cử như việc chi trả bảo hiểm còn nhiều bất cập. Nhiều lao động nhận trợ cấp thất nghiệp chậm nhiều so với thời gian nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, nên không đảm bảo việc kịp thời hỗ trợ NLĐ ổn định cuộc sống trong thời gian tìm việc làm mới.

Trong thời gian tới, các Bộ, ngành hữu quan sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện những vướng mắc, những vi phạm hay trục lợi BHTN để kịp thời xử lý; tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách BHTN đầy đủ tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ khi tham gia và thụ hưởng chế độ BHTN./.

Nguồn: daibieunhandan.vn