Luật nào cho lao động tự do?

11/12/2013 08:08 AM


Vụ cháy ở Zone 9 (số 9, Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về an toàn lao động đối với lao động tự do. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một quy định hay cơ quan chức năng nào đứng ra chịu trách nhiệm quản lý những lao động này.


Nằm ngoài luật

Không hợp đồng lao động, không bảo hiểm y tế, không được tập huấn các kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn lao động, ngay cả thiết bị bảo hộ lao động cũng không có… chính là “hành trang” của lao động tự do.

Thống kê của Dự án "Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO” công bố mới đây cho thấy, cả nước hiện có 54 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có khoảng 15 triệu người có quan hệ lao động, tức là có hợp đồng lao động, có các ràng buộc về BHYT, BHXH, còn lại là nông dân, lao động làng nghề... Đặc biệt, trong số này có 23,5% lao động (tương đương 10,9 triệu người) làm việc trong khu vực không chính thức là lao động tự do như: Thợ uốn tóc, thợ may tại nhà, thợ xây dựng tự do, người hành nghề xe ôm, giúp việc gia đình...

Trong vòng 5 năm gần đây, có 6,5 triệu lao động đã di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, trong đó 80% là vì mục đích mưu sinh. Trong đó, có đến gần 70% lao động di cư là thanh niên dưới 30 tuổi và đang gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống. Và chỉ có một phần rất nhỏ những lao động tự do được tiếp cận với các chính sách dạy nghề. Chính vì thế, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong khu vực này rất thấp, tới hơn 90% không có bất kỳ chứng chỉ tay nghề nào.

Thậm chí, từ khi Nhà nước thực hiện chính sách BHXH tự nguyện và BHYT toàn dân, chỉ có 0,19% số lao động tự do tham gia. Lý do chính là thu nhập của lao động khu vực này rất thấp, công việc không ổn định trong khi thời gian tham gia đóng BHXH lại quá dài.

Ngay cả trong nhiều chế độ chính sách của Nhà nước dành cho người lao động cũng "bỏ quên” đối tượng này. Bộ luật Lao động (sửa đổi) 2013 mới chỉ điều chỉnh số lao động ở khu vực chính thức, còn số lao động thuộc diện "lao động tự do” - chiếm số lượng lớn trong hệ thống thị trường lao động của nước ta hiện hầu như vẫn chưa được luật đề cập tới…

Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định: Hiện nay, Luật Lao động chưa thể bao phủ hết các đối tượng lao động. Quản lý lao động tự do là vấn đề khó, phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Chỉ khi nào có đủ khả năng quản lý, mới có thể đưa ra được chính sách, bởi nếu không, chính sách cũng không đi vào được cuộc sống.

Chưa thống kê được số lượng

Khi được hỏi về số lượng lao động tự do trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng Vệ sinh an toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH TP. Hà Nội cho biết, hiện chúng tôi chưa thể thống kê hết lượng lao động tự do đang có mặt tại Thủ đô. Thậm chí, trên toàn thành phố chưa hề có cơ quan nào chính thức chịu trách nhiệm quản lý, đào tạo và huấn luyện những kỹ năng cần thiết cho nhóm đối tượng này. Ngay cả trong Luật Lao động và Pháp lệnh Thủ đô cũng không hề có những điều khoản quy định cho những lao động tự do. Bản thân Sở cũng đã có kiến nghị vấn đề này khi xây dựng Pháp lệnh Thủ đô, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, do đặc thù công việc và vị trí làm việc không ổn định càng khiến cho việc quản lý nhóm lao động này trở nên khó khăn hơn.

Hà Nội hiện là địa phương có số vụ tai nạn lao động xảy ra nhiều so với cả nước. Thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP. Hà Nội, từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 16 vụ tai nạn nghiêm trọng, làm 23 người chết và nhiều người bị thương. Nguyên nhân chính của tai nạn lao động thường xuất phát từ sự chủ quan của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Các văn bản cũng như những quy định về an toàn lao động khá nhiều và cụ thể song thiếu sự kiên quyết của các ngành chức năng nên sau 15 năm phát động Tuần lễ vệ sinh an toàn lao động, ý thức tuân thủ pháp luật về bảo hộ lao động vẫn như "đánh trống bỏ dùi”, nhất là với khu vực DN tư nhân, lao động tự do dường như đứng ngoài chính sách này.

Đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra đối với lao động tự do, di cư song đến nay vẫn chưa có cơ chế bảo vệ. Đáng buồn hơn khi xảy ra sự cố không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm chỉ vì họ là những lao động tự do, không hợp đồng, không nộp bảo hiểm. Chính điều đó đã tiếp tay cho các DN vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động cũng như sử dụng các trang thiết bị lao động thiếu an toàn, không tập huấn kiến thức hay trang bị phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động…

Thiếu hụt kỹ năng nghề cộng thêm việc chưa được chủ sử dụng lao động đào tạo về các quy định an toàn khiến cho lực lượng này trở thành nhóm có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động như các nạn nhân trong vụ cháy Zone 9. Vì vậy, việc thừa nhận chính thức loại hình lao động tự do là hết sức cần thiết thông qua việc xây dựng các chính sách liên quan đến quyền lợi của họ. Ngoài ra, cần có những biện pháp bảo vệ và cần có tổ chức đứng ra đại diện cho lực lượng lao động tự do và tạo điều kiện để họ tham gia các loại hình bảo hiểm, đặc biệt là chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Báo Hải quan