Cuối năm, doanh nghiệp tăng ca vượt quy định

11/12/2013 07:04 AM


“Thường xuyên theo dõi để kịp thời xử lý” - đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đà Nẵng - khi phóng viên Báo Lao Động đặt vấn đề: “Sở sẽ làm gì để hỗ trợ người lao động (NLĐ) khi cuối năm, không ít doanh nghiệp (DN) vì chỉ lo đáp ứng số lượng đơn đặt hàng đã tự ý tăng ca vượt quy định, khiến sức khỏe của công nhân (CN) bị ảnh hưởng?”.


Chấp nhận tăng ca vì...

Từng bị CN phản ứng vì ép phải làm cả chủ nhật, những tháng cuối năm, Cty TNHH điện tử Việt Hoa (KCN Hòa Khánh) đã chấn chỉnh việc này. CN Liên làm việc tại Cty cho biết, thời gian này, ngày nào cũng làm đủ 12 tiếng, làm ca đêm thì được nghỉ 45 phút (giữa ca) để đi ăn uống, sau đó tiếp tục làm việc. Nếu “đuối sức”, Cty cho phép nghỉ, nhưng vì sợ không hoàn thành đủ số lượng sản phẩm lại bị mắng nên thôi, vẫn cố làm hết giờ tăng ca.

Nói về chuyện tăng ca ban đêm, CN Liên cho biết, do làm quen rồi nên cũng chịu đựng được. Vả lại, nhiều CN cũng muốn tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Làm việc từ 6h tối đến 6h sáng ngày hôm sau tại Cty, Phương phờ phạc, ngáp ngắn ngáp dài trở về phòng trọ.  Được hỏi chuyện, cô thở dài: “Ngày thường hay cuối năm em cũng muốn tăng ca để kiếm thêm thu nhập chứ lương cơ bản chỉ có hơn 2 triệu đồng/tháng không đủ sống.

Mỗi tháng em phải trả tiền trọ, gửi tiền về nhà lo cho ba mẹ, cho các em ăn học nên nhiều khi cũng kẹt cứng, thậm chí không còn tiền lo cho bản thân nữa”. Chị Tình cho biết: “Làm ca đêm mất sức hơn ca ngày, nhất là đối với những “bà bầu” như em. Nhiều lúc làm cả đêm về mệt nhoài nhưng nếu Cty đang có hàng phải làm thì cũng khó lòng nghỉ được”.

Tại buổi làm việc giữa LĐLĐ TP.Đà Nẵng và Cty TNHH điện tử Việt Hoa vào sáng 30.11, đại diện phía Cty cho biết, việc làm thêm giờ của CN đều có sự thỏa thuận giữa hai bên, bản thân CN cũng muốn tăng ca để nâng thu nhập. Tuy nhiên, LĐLĐ TP cho biết, số giờ làm thêm tại Cty đã vượt quá quy định 300 giờ/năm. Phía Cty cũng đã thừa nhận sự việc và hứa sẽ chấn chỉnh, sắp xếp lại trong thời gian sớm nhất.

Kịp thời ngăn chặn nếu phát hiện vi phạm

Ông Nguyễn Văn An - Phó GĐ Sở LĐTBXH Đà Nẵng - cho biết: “Việc các DN o ép, tự ý tăng ca vượt quy định vào cuối năm, chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi để kịp thời có biện pháp xử lý. Điển hình như tháng 10 vừa rồi, nghe thông tin Cty TNHH Saigon Knitwear chuẩn bị tăng ca liên tục 12 tiếng đối với một bộ phận CN Cty, chúng tôi đã kịp thời nhắc nhở và Cty đã dừng lại để đảm bảo sức khỏe cho CN”.

Trước đó, trong tháng 9, Sở LĐTBXH cũng đã xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với Cty VN Knitwear (KCN Hòa Khánh) vì ép CN làm liên tục 17 tiếng/ngày khiến họ bị ngất xỉu phải nhập viện. Ông An cho rằng, muốn thực hiện tốt việc giám sát việc tự ý tăng ca vượt quy định tại các DN, cần thiết phải có sự phối hợp với CĐ các đơn vị vì sở không có đủ lực lượng kiểm tra, giám sát, trong khi có hàng ngàn DN đang hoạt động trên địa bàn.

Ông Trương Ngọc Hùng - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ Đà Nẵng - cho rằng, để đáp ứng đơn hàng cuối năm, việc các DN tăng ca, tăng giờ đối với NLĐ là điều… đương nhiên. Với trách nhiệm của mình, ngày 26.11, LĐLĐ TP đã ban hành kế hoạch số 31/KH-LĐLĐ chỉ đạo các cấp CĐ giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách cho CNVCLĐ trong dịp cuối năm 2013 và trong Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, đặc biệt tăng cường giám sát việc làm thêm giờ tại các DN.

Theo đó, việc làm thêm giờ phải được sự thương lượng, đồng ý của NLĐ, phải đảm bảo số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày theo quy định của pháp luật. “Đối với CĐCS, nếu phát hiện DN tăng ca, tăng giờ không đúng quy định thì có trách nhiệm phải báo lên CĐ cấp trên, từ đó phối hợp với thanh tra Sở LĐTBXH có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời” - ông Hùng nói.

Theo Báo Lao động