Trường nghề “hút” thí sinh

12/05/2014 09:53 AM


Lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ giảm; nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, y tế, kỹ thuật được thí sinh chuộng nhất; ĐH không còn là sự lựa chọn duy nhất… là những điểm dễ nhận ra trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2014.


Hồ sơ dự thi ĐH giảm nhiều

Ghi nhận từ hoạt động giao nhận hồ sơ ĐKDT của các sở GD&ĐT chuyển cho các trường ĐH, CĐ khu vực miền Bắc và miền Nam vừa diễn ra cho thấy, mùa tuyển sinh 2014, số hồ sơ giảm tương đối. Nguyên nhân chính được đại diện các sở GD&ĐT lý giải là: Số HS lớp 12 ít hơn năm ngoái; Số HS làm nhiều hồ sơ giảm, rất ít HS nộp 4 - 5 bộ trở lên. Ông Phạm Hữu Bản - chuyên viên tuyển sinh ĐH, CĐ của Sở GD&ĐT Thái Bình cho hay: "Các em đã thực tế hơn trong việc chọn trường. Năm nay, em nào nộp nhiều nhất cũng chỉ đến 3 hồ sơ, còn trung bình là 2,5 bộ. HS các trường THPT chất lượng cao nộp nhiều bộ, còn học viên trung tâm giáo dục thường xuyên chỉ nộp 1 bộ vào trường phù hợp với năng lực".

Một nguyên nhân mới khiến lượng hồ sơ ĐKDT giảm là nhiều em quyết định đi học nghề. Thông tin 72.000 cử nhân không tìm được việc làm đã tác động mạnh đến việc chọn trường và chọn nghề của HS và phụ huynh. Điều này cũng bởi có sự phân luồng tốt từ THCS đến THPT. Ông Tạ Văn Ánh - Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - thường xuyên, Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết, năm nay, tỉnh có 7.000 HS lớp 12 không nộp hồ sơ ĐKDT. Các em chọn đi học nghề và lao động ở Nhật Bản thông qua con đường du học tự túc với mục đích chính là kiếm tiền. Theo ông Ánh, việc lựa chọn đó là rất tốt, bởi hiện nay tỉnh có trên 1.000 cử nhân sư phạm nhưng chưa đến 100 em xin được việc. Kể từ năm 1998 đến nay, Bắc Giang còn 11.000 sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, nhiều em phải đi làm công nhân.

Chọn nghề thiết thực

Qua khảo sát, những ngành nghề được lựa chọn nhiều là nông nghiệp, lâm nghiệp, y dược. Điển hình như HS Hà Nội dự thi nhiều vào ĐH Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp (9.195 hồ sơ), ĐH Công nghiệp Hà Nội (8.041 hồ sơ), ĐH Nông nghiệp Hà Nội (6.272 hồ sơ), ĐH Y Hà Nội (2.908 hồ sơ). Sở GD&ĐT Yên Bái cũng nhận được nhiều bộ hồ sơ vào ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Lâm nghiệp. Ông Vương Văn Phát - Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Yên Bái cho rằng: Học Nông nghiệp hay Lâm nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường nếu không xin được việc ở các cơ quan, công ty thì có thể về nhà làm việc, những kiến thức đã học trên giảng đường sẽ được các em áp dụng trên đồng ruộng, đồi rừng để mang lại năng suất và chất lượng cao.

Hồ sơ đăng ký vào ĐH y ở các địa phương (Y Thái Bình, Y Thái Nguyên…) cũng chiếm số lượng nhiều bởi ngành y đang thiếu nhân lực và do điểm trúng tuyển thấp hơn so với ĐH Y Hà Nội. Mùa tuyển sinh này, không nhiều HS mặn mà với hệ thống các trường CĐ. Số hồ sơ đăng ký vào trường CĐ tập trung nhiều vào hệ điều dưỡng. Mặc dù 63 trường được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh riêng, nhưng rất ít thí sinh đăng ký, dù lệ phí xét tuyển chỉ vài chục ngàn đồng. Nhiều HS cho biết, không làm hồ sơ bởi chất lượng đào tạo của các trường này và cơ hội xin việc sau khi tốt nghiệp chưa được kiểm chứng. Hệ thống các trường ĐH ngoài công lập cũng ít được thí sinh để mắt, ngoại trừ ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và ĐH Thăng Long bởi có uy tín về chất lượng đào tạo.

Theo Báo Kinh tế đô thị