Bám đá mưu sinh

16/07/2013 08:06 AM


Dưới cái nắng chói chang của trưa hè, cùng cái gió như thốc vào từng ngôi nhà nằm dọc hai bên chân đèo Cả (điểm phân chia tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) những chiếc bạt vẫn căng lên bên các triền đá, tiếng đục chan chát, tiếng máy khoan réo tai, những phận phu đục đá, chẻ đá vẫn miệt mài. Không ít con người đã bị đá cướp đi sinh mạng chỉ vì một giây bất cẩn. Thế nhưng, như chẳng còn lựa chọn nào khác, họ vẫn phải phấp phỏng bám đá mưu sinh.


Cơ cực mưu sinh

Đầu tháng 7, dọc trên quốc lộ 1A, đoạn qua Đèo Cả, mấy chục căn nhà lụp sụp của hàng trăm lao động làm nghề đập đá, chẻ đá thuê di cư từ Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên vào lại vui như được mùa. Hàng chục bãi đá lại nhộn nhịp trở lại.

Nguyễn Đức Long, một lao động di cư từ Bình Định vào cho hay,  suốt mấy tháng qua không có người đặt hàng, các đầu nậu không thuê làm nên đói, chẳng có thu nhập gì bởi ruộng ngoài quê rất ít ỏi mà nhà lại đông người… Cũng như gia đình Long, gia đình anh Trung, anh Tảo cũng dắt díu vợ con từ Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) vào sống trong một căn lều lụp xụp. Cứ như một lập trình, những cặp vợ chồng này ngày nọ qua ngày kia vật lộn với các phiến đá. Chồng thì đập, chẻ, vợ thì gọt, rũa cho vuông thành, xác cạnh. Nghề chẻ đá phổ biến ở vùng đất này khoảng từ 3 năm trở lại đây.

Và những căn lều tạm của họ không chỉ là chỗ ở, nơi trú ngụ cho cả một gia đình mà còn là nơi để sản phẩm khi chủ thu mua chưa kịp đến lấy đi. Theo các thợ đá ở đây thì, trước lúc muốn hành nghề chẻ đá, đập đá mỗi người phải tự sắm cho mình một bộ đồ nghề gồm khoảng 20 cái đục, 30 cái nêm, 2 cái búa, 2 cái rũa với giá chỉ 1,5 triệu đồng. Những ngày đầu chẻ đá, rũa đá  thuê cho các chủ đá thì cả lao động nam lẫn nữ chỉ được bao ăn chứ không được tiền công. Muốn có thêm tiền thì phải làm thêm việc khác như bốc hàng cho các đại lý phía huyện Đông Hòa hoặc huyện Vạn Ninh. Trung bình, sau 3-4 tháng học nghề, làm thành thạo thì chủ sẽ trả lương theo sản phẩm mình làm ra. Mỗi viên đá được chẻ vuông vắn, nhỏ gọn và rũa cho sạch mạt đá sẽ có giá từ 1.500 – 2.000 đồng. Anh Nguyễn Văn Hùng, thợ chẻ đá suốt hai năm ở đây cho biết: "Nếu là ngày nắng hai vợ chồng vừa chẻ vừa mài, rũa thuê cho chủ được khoảng 2 khối đá, tính ra tiền được 250.000 đến 300.000 đồng. Nhìn vào thì thấy lớn nhưng chia ra mỗi ngày công của một người chưa được 150.000 đồng. Thê thảm nhất là ngày mưa, cuộc sống rất bấp bênh. Hơn nữa, để chẻ, đập, rũa ra được một khối đá phải tiêu hao không biết bao nhiêu mồ hôi, thậm chí cả máu….


Cuộc sống của người đập đá bên Đèo Cả luôn bị hiểm nguy rình rập

Thác phận cho giời

Một điều có thể nhận ra ngay trên các bãi đá bên đèo Cả là hàng trăm con người suốt ngày vật lộn với đá nhưng không hề có một phương tiện bảo hộ nào. Ngay cả những dụng cụ bảo hộ lao động thông thường như găng tay, giày lao động, khẩu trang, kính mắt cũng người có người không. Quệt dòng mồ hôi đang lăn dài trên trán, chỉ tay vào vết thương dài gần 10cm do đá cứa vào, anh Nguyễn Tín Trung tâm sự: "Tôi từ huyện miền núi Sơn Hòa của Phú Yên mang gia đình vào đây dựng lều ở và đã gắn bó với nghề chẻ đá mấy năm rồi, ngày xưa ở quê cũng đi chẻ đá thuê vì có 3 sào ruộng làm mấy bữa là xong. Những vết xước tay, chân hay chảy máu do đục phải tay hoặc do đá lăn là chuyện xảy ra như cơm bữa. Thậm chí có người bị đá làm đứt cả ngón tay nhưng vì cuộc sống nên vẫn phải bám lấy cái bãi đá này”.

Chua chát nhất là hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Lan, năm 2012 chị cùng chồng con vào dựng lều chẻ đá thuê, mới chẻ được mấy tháng thì chị và đứa con trai đều bị đá đè gẫy tay phải quay về vay tiền người thân để chạy chữa. Theo một số thợ đá ở đây thì, họ vẫn  biết nguy hiểm, biết được sự bấp bênh nhưng họ không còn lựa chọn nào khác. Anh Nguyễn Hữu Hoàng cho biết thêm: "Mình bị thương thì có thể cố chịu được. Nhưng nhiều hôm nhìn đứa con hơn mười tuổi và bà vợ yếu ớt bị đá làm xây xước chân tay cũng xót lắm. Làm nghề này rất hao tổn sức khỏe, lại nguy hiểm nữa, lâu lâu tôi lại đi truyền đạm nhưng vẫn không lấy lại được sức. Mới tháng trước, vợ tôi phải đi truyền năm lần mà vẫn không khoẻ hẳn lên được.

Dẫu cơ cực, vật lộn để mưu sinh, nhưng những người thợ đá vẫn khôn nguôi mơ ước về một tương lai tươi sáng.Trong căn lều sậm màu bụi đá, thấy chúng tôi hỏi chuyện, thợ đá Nguyễn Hữu Hoàng bỗng vui vẻ khi nói về những dự định của mình. Hoàng bảo, lao động dọc hai bên Đèo Cả này mà gom hết lại nhiều lắm. Ai cũng chỉ mong ước được một công ty hay đơn vị nào nhận về làm ổn định, có bảo hộ, bảo hiểm đàng hoàng thôi. Làm ở đây, có lần còn bị đầu nậu xù công, làm ăn chụp giật lắm. Giá như có được chương trình dạy nghề cho người dân ở những bãi đá này thì cũng đỡ khổ hơn, vì họ có thể hướng đến tương lai bằng một nghề nghiệp khác. Nếu không chúng tôi và có lẽ tương lai con tôi cũng bám diết lấy đá mà mưu sinh thôi…


Lều lán tồi tàn- chốn mưu sinh của thợ đá

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, UBND xã Hòa Xuân Tây khẳng định, đập đá, chẻ đá là nghề tự phát trong dân, những bãi đá thu hút lao động tự do từ nhiều vùng quê khác nhau tới hành nghề, có một số thanh niên đến đây làm theo mùa vụ rồi họ lại đi nên địa phương rất khó quản lý. Còn, lượng lớn lao động ở lại, quyết định định cư lâu dài thì cũng không nằm trong diện được xã quản lý. Hơn nữa, vì lao lao động di cư tự do nên vấn đề quản lý về an toàn lao động cũng không kiểm soát được.

Rời bãi đá đèo Cả, nhưng những âm thanh đập đá, chẻ đá chát chút vẫn ám ảnh chúng tôi. Và như vậy, ngày lại ngày, những người thợ đá ấy vẫn phải phó thác cuộc sống của mình cho số phận.

Theo Báo Đại đoàn kết