Rà soát các quy định của pháp luật hiện hành về lao động, việc làm, tiền lương, BHXH và an toàn vệ sinh lao động với quy định của Hiến pháp

03/03/2014 09:36 AM


Chiều 27.2, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Tọa đàm Rà soát các quy định của pháp luật hiện hành về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động với quy định của Hiến pháp năm 2013.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chủ trì Tọa đàm.

Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận một quyền mới của công dân tại Điều 34 là: Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Theo các đại biểu tại Tọa đàm, quyền mới này đã tạo cơ sở hiến định để bảo đảm công dân có được thu nhập tối thiểu, không bị rơi vào tình trạng nghèo đói khi không có việc làm hoặc không có thu nhập. Điều 59 Hiến pháp cũng xác định rõ: Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội, khẳng định vai trò và trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội và bảo đảm các điều kiện để công dân được hưởng quyền về an sinh xã hội.

Về quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp và nơi làm việc, tại Điều 57, Hiến pháp nêu rõ: Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động; Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Hiến pháp cũng nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động là phải bảo đảm điều kiện việc làm công bằng, an toàn, được hưởng lương và chế độ nghỉ ngơi cho người lao động; nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu. Để thể chế hóa các quy định trên của Hiến pháp, các chuyên gia khuyến nghị cần sửa đổi, rà soát Bộ luật Lao động và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới để bảo đảm thực hiện quyền làm việc cho công dân như: luật tiền lương tối thiểu áp dụng cho khu vực sản xuất kinh doanh, luật điều kiện việc làm hay luật an toàn vệ sinh lao động, luật quan hệ lao động; sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội là trụ cột quan trọng nhất trong hệ thống an sinh xã hội với nguyên tắc đóng - hưởng, gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế...

Kết luận buổi tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, trong đó đã làm rõ thêm các nội dung liên quan tới chính sách an sinh xã hội, quyền bình đẳng để kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định trong các luật liên quan cho phù hợp với Hiến pháp mới./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn