Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến thẩm tra Dự thảo Luật BHXH sửa đổi

29/04/2014 02:35 AM


Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 07, ngày 24/4/2014, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến thẩm tra dự thảo Luật BHXH sửa đổi; thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ BHXH năm 2013. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai chủ trì buổi họp.


Tại cuộc họp buổi sáng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo trước Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tóm tắt dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) kế thừa kết cấu của Luật BHXH hiện hành, gồm 09 chương, 125 điều; bỏ 01 chương quy định về bảo hiểm thất nghiệp; gộp chương VIII và Chương IX của Luật hiện hành thành một chương. So với Luật BHXH hiện hành, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có một số điểm mới như: Quy định người lao động làm việc theo hợp đồng từ 01 - 03 tháng thuộc diện phải đóng BHXH bắt buộc từ năm 2018; Bỏ hạn chế tuổi trong quy định tham gia và có chính sách hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện; Tổ chức BHXH được quyền thanh tra chuyên ngành về BHXH khi Thanh tra LĐ-TB&XH ủy quyền; Quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ, 62 tuổi đối với nam, từ 2016 thực hiện tăng dần tuổi nghỉ hưu với cán bộ, công chức, viên chức, từ 2020 tăng dần tuổi nghỉ hưu với các nhóm đối tượng còn lại. Đến hết năm 2017, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động, từ năm 2018 sẽ tính thêm các khoản bổ sung khác ghi trong trên hợp đồng lao động. Về chi phí quản lý, quy định tính theo tỷ lệ % trên tổng số thu BHXH hàng năm, mức cụ thể do Chính phủ quy định...

Phát biểu ý kiến tại buổi họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật BHXH. Một số nội dung sửa đổi của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng nhận được ý kiến đồng thuận của nhiều đại biểu.

Đại biểu Cù Thị Hậu cho rằng quy định ủy quyền thanh tra cho BHXH Việt Nam là hợp lý vì hiện nay thanh tra ngành LĐ-TB&XH rất mỏng không đáp ứng được yêu cầu, tình hình nợ đọng BHXH sẽ ngày càng phức tạp hơn, đề nghị cần phải có lực lượng thanh tra chuyên ngành về BHXH. Bộ trưởng Bộ LĐ - TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cũng thừa nhận thực trạng này khi nêu con số khoảng 600.000 doanh nghiệp, lực lượng thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH rõ ràng khó có thể đáp ứng được yêu cầu. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: BHXH Việt Nam có đủ lực lượng, đủ khả năng vì vậy nên được phép thực hiện chức năng thanh tra.


Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu tại buổi họp

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nêu kinh nghiệm thực tiễn tại một số quốc gia như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc Singapore, Malaixia... Ngoài chức năng thu – chi trả chế độ BHXH, cơ quan BHXH tại các nước này đều được giao chức năng thanh tra, xử phạt. Áp dụng kinh nghiệm này, nếu được giao thực hiện chức năng thanh tra, BHXH Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện chính sách BHXH hiệu quả hơn. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng nhấn mạnh: mặc dù đề xuất giao BHXH thực hiện chức năng thanh tra nhưng không có nghĩa là BHXH Việt Nam làm tất cả, cần phải có sự phối hợp thực hiện tích cực từ các cơ quan, Bộ ngành.

Để đảm bảo tính thuyết phục của quy định uỷ quyền thanh tra chuyên ngành về BHXH, một số đại biểu cho rằng nên định hình rõ tính chất đặc thù của BHXH Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ nêu ý kiến: BHXH là bộ máy do nhà nước tổ chức, thực hiện thu chi một khoản tiền lớn, số đối tượng quản lý cũng rất lớn; nhiệm vụ cũng do nhà nước giao theo quy định của pháp luật. Vậy thì phải hiểu đây không hẳn là đơn vị sự nghiệp thuần tuý, không phải thu để chi phục vụ hoạt động cho sự nghiệp như giáo dục. Dự thảo Luật BHXH cần quy định làm rõ tính chất đặc thù của cơ quan này, đảm bảo chặt chẽ khi trình ra Quốc hội.

Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Quy định tuổi nghỉ hưu, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với nhóm cán bộ, công chức, viên chức được cho là hợp lý. Tuy nhiên một số đại biểu lưu ý cần xem xét khi thực hiện với các nhóm đối tượng khác, cần đảm bảo phù hợp với đặc thù nhóm đối tượng cũng như tính khả thi khi thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai quán triệt: việc sửa Luật BHXH phải đảm bảo hướng tới phát triển mở rộng đối tượng tham gia, đảm bảo mức hưởng của người lao động trên cơ sở cân đối Quỹ BHXH dài hạn. Muốn vậy quy định tính lương hưu, quy định mức đóng phải đảm bảo nguyên tắc có đóng – có hưởng, đảm bảo tính an toàn của Quỹ. Việc thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần tính toán lộ trình thực hiện hợp lý. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội đề nghị nên thống nhất gọi là “cơ quan BHXH” trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, vì cơ quan này thực hiện một phần chức năng quản lý nhà nước; các quy định liên quan cũng cần thể được cụ thể, làm rõ điều này. Ban soạn thảo phải tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu, hoàn thiện dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đảm bảo yêu cầu trước khi trình Quốc hội phê duyệt vào kỳ họp tới đây.

Cũng nằm trong chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 07, chiều cùng ngày, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến thẩm tra Báo cáo của Chính phủ tình hình quản lý, sử dụng Quỹ BHXH năm 2013.

Năm 2013, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là trên 10,8 triệu người, tăng 4,3% so với 2012. Thu BHXH bắt buộc đạt trên 105.000 tỷ đồng, vượt 2,8% so với dự toán được giao, tăng 17,7% so với 2012. Số chi BHXH bắt buộc năm 2013 trên 77.600 tỷ đồng.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2013 đạt trên 173.500 người, tăng 29,7% so với 2012; số thu đạt trên 550 tỷ đồng, vượt 12,7% so với dự toán được giao, tăng 33% so với 2012; số chi BHXH tự nguyện ước khoảng 99,2 tỷ đồng.

Đối tượng tham gia BHTN năm 2013 đạt trên 8,6 triệu người, chiếm 79,7% tổng số đối tượng tham gia, tăng 4,9% so với 2012 (tương ứng 406.529 người). Số thu đạt trên 10.000 tỷ đồng, vượt 2,5% số được giao, tăng 26,6% so với cùng kỳ; số chi BHTN là trên 3.700 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2013, số nợ đọng, chậm đóng BHXH bắt buộc là 4.752 tỷ đồng, chiếm 4,3% số phải thu, giảm 1,4% so với 2012 (tương ứng 641 tỷ đồng). Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ 2.930 tỷ đồng, chiếm 61,7% tổng số nợ đọng, chiếm 10,8% tổng số phải thu ở khu vực này. Tính đến hết năm 2013, BHXH các địa phương đã khởi kiện 2.463 đơn vị nợ BHXH, số tiền nợ là 1.248 tỷ đồng. Tuy nhiên số tiền nợ thu hồi dược còn rất thấp, bằng 28,7% số nợ.

Công tác thanh, kiểm tra thực hiện Luật BHXH được duy trì thực hiện. Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH thực hiện thanh tra tại tỉnh Tuyên Quang, Hưng Yên, phối hợp với BHXH Việt Nam thanh tra tại tỉnh Bình Phước. Qua thanh, kiểm tra đã phát hiện 250 sai phạm; xử phạt hành chính 18 doanh nghiệp; số tiền phạt là 297,5 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi số tiền nợ đọng BHXH 29 tỷ đồng.

Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá: đối tượng tham gia BHXH đều tăng qua các năm; đạt được mục tiêu bảo toàn Quỹ; công tác quản lý nhà nước về BHXH có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế: tỷ lệ đối tượng tham gia còn thấp so với tổng số lực lượng lao động; hiệu quả đầu tư Quỹ chưa đảm bảo tăng trưởng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý còn chậm…Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội kiến nghị phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát thực hiện; sửa đổi Luật BHXH hiện hành đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Với Chính phủ, các Bộ ngành cần phải tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, tích cực thu hồi nợ đọng BHXH; tăng thẩm quyền, giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH cho BHXH Việt Nam; thay đổi cách giao chỉ tiêu thu hàng năm; kiện toàn bộ máy, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin…

Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều ghi nhận sự tích cực trong quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2013 cũng như trong các năm gần đây. Số đối tượng tham gia ngày càng được mở rộng; số thu tăng qua các năm; Quỹ BHXH được đảm bảo an toàn; ý thức chấp hành Luật BHXH của chủ sử dụng lao động, người lao động được cải thiện tích cực…

Một số đại biểu băn khoăn về tình hình nợ đọng BHXH, công tác đầu tư phát triển Quỹ BHXH, số chi phí quản lý bộ máy hàng năm; Thứ trưởng Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cũng đã giải trình, làm rõ cụ thể tại buổi họp.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai yêu cầu cần phải chú trọng đến công tác phát triển mở rộng đối tượng hơn nữa. Việc thu hồi nợ đọng, khởi kiện doanh nghiệp gặp khó khăn vì vậy cần đẩy mạnh công tác thu, tránh để xảy ra nợ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa bộ máy quản lý BHXH phải được đẩy mạnh đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh đối tượng tham gia ngày càng tăng./.

Nguồn TC BHXH