TPHCM: Phấn đấu xây dựng mô hình bác sĩ gia đình tại 50% trạm y tế

10/03/2014 09:33 AM


Ngành Y tế TPHCM đặt mục tiêu trong năm 2014 sẽ phấn đấu triển khai 50% các trạm y tế của các quận-huyện có mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ), đồng thời sẽ triển khai mô hình này đến 4-5 phòng khám tư nhân.


Năm 2014, TPHCM sẽ triển khai mô hình BSGĐ đến 50% trạm y tế phường xã

Tại Hội thảo Y học gia đình, do Sở Y tế TPHCM tổ chức ngày 5/3, PGS.TS. Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc sở Y tế TP cho biết, trong năm 2013, TP đã triển khai thí điểm mô hình BSGĐ đến 20 bệnh viện quận-huyện và 98 trạm y tế phường-xã; cấp giấy phép cho 14 bệnh viện và 33 trạm y tế được phép hoạt động chính thức mô hình này.

TS.BS. Nguyễn Thành Hiệp-Trưởng bộ môn Y học gia đình (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM) cho biết trong năm 2013, TP đã bồi dưỡng kiến thức về y học gia đình và cấp chứng nhận cho 125 BSGĐ và đào tạo thêm 126 bác sỹ về chuyên khoa y học gia đình theo các chương trình đào tạo của quốc tế.

Tính đến hết ngày 1/1/2014, chương trình BSGĐ của TPHCM đã khám được cho 117.217 lượt bệnh nhân, trong đó có 113.993 lượt bệnh nhân  tại các bệnh viện quận-huyện và 3.224 lượt bệnh nhân tại các trạm y tế phường-xã. Trung bình 1 ngày có 100-150 lượt bệnh nhân đến khám, đặc biệt, Bệnh viện Quận 10 có tới 200-300 lượt bệnh nhân đến khám trong ngày.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Tấn Bỉnh, vì đang trong giai đoạn thí điểm, nguồn lực cho mô hình BSGĐ còn thiếu  nên chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của việc khám chữa bệnh tại các cơ sở tuyến dưới theo mô hình này.

Vì vậy, để đẩy mạnh mô hình BSGĐ trong năm 2014, Sở Y tế sẽ tiến hành triển khai và củng cố các hoạt động của y tế gia đình tại 24 quận huyện, trong đó, chú trọng việc mở rộng các hình thức khám chữa bệnh và tăng cường các dịch vụ tại các cơ sở đã có mô hình BSGĐ; xây dựng 100% các cơ sở có hệ thống quản lý bệnh nhân đạt chuẩn (như biểu mẫu khám bệnh, xét nghiệm, báo cáo y khoa, hồ sơ điện tử và hồ sơ quản lý chuyển bệnh nhân lên tuyến trên); xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống thực hành và phối hợp chuyển tuyến (nhận bệnh của tuyến trên, trả hồ sơ cho BSGĐ ở tuyến dưới) để quản lý và theo dõi bệnh nhân trong quá trình điều trị sau này được tốt hơn.

Theo Chinhphu.vn