Có lẽ phải xem xét xử lý hình sự

20/05/2014 09:19 AM


Một vấn đề rất nghiêm trọng, liên quan đến đời sống của hàng vạn người, nhưng lại trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”. Đó là tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Đây ắt hẳn là thông tin không có gì mới, vì tình trạng này diễn ra thường xuyên, phổ biến tại nhiều địa phương với con số rất lớn, thời gian nợ trây ì kéo dài tháng này sang tháng khác, năm này qua năm khác. Theo số liệu của Bảo hiểm Việt Nam, thống kê trong 5 năm gần đây cho thấy, tình trạng “nợ” này ngày một gia tăng (năm 2005, số tiền nợ BHXH là 1.064 tỉ đồng, năm 2010 là 1.723 tỉ đồng thì đến năm 2011 đã tăng lên hơn 3.338 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 2 năm nay, cả nước đã có hơn 512 doanh nghiệp nợ BHXH bắt buộc từ 12 tháng trở lên, với số nợ trung bình trên 1 tỷ đồng/đơn vị.

DN nợ tiền BHXH, người lao động không được “chốt” sổ (BHXH), không được hưởng quyền lợi khi chuyển cơ quan, thất nghiệp, về hưu... Thiệt thòi rất lớn. Và lớn hơn với tình trạng nợ chồng chất như hiện nay thì nguy cơ vỡ Quỹ bảo hiểm xã hội là điều có thể sẽ xảy ra. Khi đó không phải vài chục, vài trăm... mà hàng nghìn, hàng vạn người lao động, người về hưu cũng sẽ “vỡ” theo.

Có một thực tế ai cũng thấy đó là không nợ gì lại dễ như nợ BHXH, đây là khoản vốn dễ chiếm dụng nhất với chi phí không đáng kể (mức phạt thấp). Không chỉ nợ, mà đây là khoản DN xem như dễ “bùng” nhất.

Tồn tại thực trạng này là bởi dường như cơ quan quản lý bất lực, không làm gì được với tình trạng nợ trây ì, kéo dài. Khi DN nợ, cơ quan BHXH đến lập biên bản, lập bao nhiêu biên bản DN cũng không sợ; Tiếp đến là thanh tra, cứ việc thanh tra, DN cũng không ngại. Chế tài cao nhất là kiện DN ra tòa (dân sự, nếu DN nợ quá 12 tháng). Kiện thì kiện, DN cũng chả lo, vì cho dù tòa có phán thắng cuộc, thì tỷ lệ đòi được DN sau những vụ kiện tụng đó là rất khiêm tốn.

Thậm chí nhiều cơ quan BHXH đã dùng đến “kế sách” là “bêu riếu” trên các phương tiện truyền thông, song chả DN nào thấy “xấu hổ” vì nợ BHXH là chuyện “thường ngày ở huyện”.

Chính vì vậy để giải quyết tình trạng nợ nần ngang nhiên này, có ý kiến cho rằng cần phân loại DN nợ (do khó khăn phá sản, do lợi dụng chiếm dụng vốn và do cố tình trây ì không chịu đóng) để có “kế sách” xử lý dứt điểm như hỗ trợ cho đóng chậm (với DN khó khăn), nâng mức xử phạt cao (với  DN lợi dụng chiếm dụng vốn) và xử lý bằng hình thức nghiêm hơn (đối với  DN cố tình không nộp).

Tuy nhiên thế nào là nghiêm hơn, khi kiện ra tòa hành chính rồi mà vẫn không xong. Vậy nên có ý kiến cho rằng, cần phải kiến nghị xử lý hình sự hành vi này (như đối với hành vi trốn thuế) đối với những DN cố tình dây dưa, trây ì không nộp tiền BHXH với số lượng lớn.

Có lẽ cũng đã đến lúc phải làm nghiêm như vậy nếu không muốn đời sống hàng ngàn, hàng vạn người lao động bị ảnh hưởng.

Theo Hải quan online